Tìm giải pháp nhân rộng mô hình HTX kiểu mới
TP.HCM: Xem xét điều chỉnh quy định bồi thường, hỗ trợ tại định cư khi thu hồi đất / Tuyên chiến với gian lận thương mại
Một số HTX thành lập mới có tổ chức, hoạt động phù hợp, hỗ trợ tích cực cho thành viên trong sản xuất, đời sống, góp phần giải quyết việc làm, xoá đói, giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới.
Nâng nội lực của kinh tế hợp tác
Theo ông Lê Đức Thịnh, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT), kinh tế hợp tác và HTX những năm gần đây có sự phát triển mạnh mẽ, ấn tượng. Tính đến hết năm 2019 cả nước có 24.618 HTX với 15.495 HTX nông nghiệp, trong đó có tới hơn 55% hoạt động hiệu quả. Các HTX không chỉ giảm chi phí sản xuất của các hộ gia đình thành viên mà còn làm tăng thêm giá trị thu nhập 14%/năm.
Các địa phương cũng đã xử lý dứt điểm những HTX hoạt động yếu kém. Theo đó, số lượng HTX nông nghiệp yếu kém giảm từ 6.400 năm 2017 xuống còn xấp xỉ 4.000 HTX đến hết năm 2019.
Điều đáng ghi nhận, nếu từ năm 2002 trở về trước, mỗi năm cả nước chỉ thành lập mới được 200 - 300 HTX thì con số này từ năm 2017 trở lại đây là hơn 2.000 HTX/năm. Năm 2003, doanh thu bình quân của HTX chỉ đạt 461 triệu đồng/năm thì năm 2019 là 2 tỷ đồng...
“Tiềm năng, nội lực của HTX được nâng lên, đặc biệt là trình độ quản lý, khoa học công nghệ, sản xuất theo tiêu chuẩn, quy chuẩn an toàn. Nhiều HTX đã thu hút được cán bộ chuyên môn, cán bộ trẻ đã qua đào tạo về làm việc và đảm nhận được vai trò kết nối giữa hộ thành viên với doanh nghiệp”, ông Lê Đức Thịnh nói.
Phó Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Nguyễn Mạnh Cường cho biết, thực hiện chỉ đạo của trung ương, thời gian qua kinh tế tập thể, HTX đã nhận được sự quan tâm, vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đã thấy được sự hình thành và phát triển của các HTX kiểu mới là tất yếu của quá trình phát triển. Nhiều mô hình mới, đa dạng, có liên kết với doanh nghiệp để tạo chuỗi giá trị, đáp ứng yêu cầu của thị trường.
Theo Phó Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Nguyễn Mạnh Cường, những mô hình như HTX chuyên ngành (cây, con) dẫn dắt, hỗ trợ kinh tế hộ thành viên phát triển sản xuất, tham gia chuỗi giá trị đáp ứng yêu cầu thị trường. Mô hình HTX đảm nhiệm nhiều khâu trong chuỗi giá trị. Mô hình tích tụ, tập trung đất đai thông qua HTX để ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất và chuyển đổi cơ cấu cây trồng cho thu nhập cao; mô hình doanh nghiệp trong cùng chuỗi là thành viên HTX... Đây chính là điều kiện, là động lực để phát triển HTX theo mô hình kiểu mới trên địa bàn cả nước được triển khai nhân rộng càng sớm càng tốt.
Thực tế tại một mô hình hiệu quả
Tháng 6/2017, HTX Nông dân trồng cam sạch xã Vĩnh Phúc (huyện Bắc Quang, tỉnh Hà Giang) chính thức được thành lập và tập hợp được 15 thành viên với tổng số vốn góp 180 triệu đồng. Với số vốn này, HTX đang cho 9 thành viên vay (lãi suất 1%/tháng) đầu tư chăm sóc cây cam; số tiền lãi, HTX dùng để quảng bá, xúc tiến thương mại và phát triển thương hiệu sản phẩm.
Với lợi thế về điều kiện tự nhiên, đất đai cùng sự đoàn kết của những người trồng cam, đến nay, HTX đang sản xuất, kinh doanh trên diện tích 320 ha cây ăn quả có múi như: cam Sành, cam Vàng, cam Đường canh…
Giám đốc HTX Nông dân trồng cam sạch xã Vĩnh Phúc – Trần Trung Thuyết, cho biết trong quá trình sản xuất, HTX ký hợp đồng với Công ty Cung ứng phân bón thông minh để cung cấp phân bón cho các hộ thành viên, với các loại phân hữu cơ từ chất thải của gia súc hay từ đậu tương, ngô… Đồng thời, HTX sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc chiết xuất từ tỏi, ớt và các loại thuốc trừ sâu sinh học, tuyệt đối không sử dụng thuốc trừ cỏ trong toàn bộ quá trình chăm sóc, sản xuất cam. Các thành viên HTX ký kết thống nhất quy trình kỹ thuật cơ bản và hệ thống quản lý chất lượng để áp dụng trong toàn bộ HTX; đầu tư trang bị vật dụng thiết yếu để đảm bảo việc kiểm định, giám sát về an toàn thực phẩm; tuân thủ thực hiện các biện pháp kỹ thuật trong trồng trọt, dịch vụ vật tư nông nghiệp.
Hiện nay, HTX có trên 175 ha cam đang cho thu hoạch, tổng sản lượng đạt khoảng 2.500 tấn, doanh thu ước đạt 44,6 tỷ đồng; các sản phẩm cam của HTX hiện đang được bán với giá từ 10 – 35 nghìn đồng/kg. Điểm nổi bật là giá cam của HTX luôn cao hơn so với sản phẩm tương đương sản xuất theo phương pháp truyền thống. Các sản phẩm cam của HTX đã có mặt tại nhiều tỉnh thành và trung tâm thương mại như: Hà Nội, Thái Bình, Quảng Ninh, Hải Phòng, Nghệ An, Thanh Hóa, Siêu thị Tmart, Vinmart… Đặc biệt, vừa qua, sản phẩm cam của HTX đã được bày bán tại Siêu thị Big C Thăng Long và nhận được sự chào đón của người tiêu dùng Thủ đô; đó cũng là cú hích để sản phẩm cam của HTX tiếp tục vươn xa hơn trên thị trường.
Từ hoạt động sản xuất của HTX, có 28 gia đình được HTX tạo công ăn việc làm thường xuyên với thu nhập từ 60 – 130 triệu đồng/năm, đồng thời tạo việc làm cho 200 lao động theo thời vụ với thu nhập khoảng 250 nghìn đồng/người/ngày…
“Mục tiêu của HTX trong thời gian tới là tiếp tục tạo ra khối lượng lớn sản phẩm quả có chất lượng cao, mẫu mã đẹp, đảm bảo an toàn thực phẩm với quy trình nghiêm ngặt từ khâu sản xuất tới tiêu thụ sản phẩm. Đó cũng là nền tảng giúp HTX tạo niềm tin để tiếp tục chinh phục thị trường”, Giám đốc HTX Nông dân trồng cam sạch xã Vĩnh Phúc Trần Trung Thuyết chia sẻ.
Ông Nguyễn Đức Vinh, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Giang cho biết, HTX Nông dân trồng cam sạch xã Vĩnh Phúc dù mới thành lập và đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh chưa đầy 3 năm nhưng là đơn vị hoạt động theo mô hình HTX kiểu mới và rất có hiệu quả tại địa phương. Đây là mô hình HTX điểm để Hà Giang có thể tiến hành nhân rộng trên địa bàn.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá vàng trong nước sáng 25/11: Vàng nhẫn, vàng miếng SJC đi ngang
Doanh nghiệp gặp khó, VCCI đề nghị giảm thuế VAT hàng hoá dịch vụ xuống 8%
Giá ngoại tệ ngày 25/11/2024: USD có vượt mốc 108 điểm?
Giá nông sản ngày 25/11/2024: Cà phê tiếp tục tăng mạnh, hồ tiêu duy trì ổn định
Giá heo hơi ngày 25/11/2024: Miền Bắc giảm thêm, miền Nam tăng nhẹ
PGBank đẩy mạnh ký kết hợp tác cùng doanh nghiệp địa phương