Tìm lời giải để "vực" dậy ngành thép
Ba lý do để nắm giữ vàng / Đà Nẵng: Kiểm tra chất lượng sản phẩm, dịch vụ phục vụ du khách tại các chợ
Cơ cấu ngành thép chuyển dịch tích cực
Trong Hội nghị trực tuyến về tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ xi măng, sắt thép và vật liệu xây dựng diễn ra mới đây,Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên đánh giá, ngành công nghiệp thép Việt Nam thời gian vừa qua đã có nhiều phát triển rõ nét. Quy mô sản xuất ngày càng được mở rộng, từng bước đáp ứng thị trường trong nước và gia tăng xuất khẩu. Sản xuất thép thô, thép xây dựng, thép cán nguội đã đáp ứng hầu như toàn bộ nhu cầu trong nước. Riêng sản xuất thép thô của Việt Nam hiện đứng vị trí thứ 13 thế giới và đứng đầu khu vực ASEAN.
Ngành thép có nhiều doanh nghiệp tiêu biểu đầu tư lớn, công nghệ hiện đại.
Nhìn chung, các doanh nghiệp trong nước có bước phát triển đáng ghi nhận, trong đó có những doanh nghiệp tiêu biểu đầu tư lớn, công nghệ hiện đại. Trong bối cảnh phải cạnh tranh gay gắt với các doanh nghiệp FDI, doanh nghiệp trong nước vẫn chiếm ưu thế trong sản xuất thép hình (chiếm trên 60% tổng sản lượng sản xuất trong nước) và thép hợp kim (chiếm trên 70% tổng sản lượng).
Bên cạnh đó, nước ta đã phát triển được công nghệ sản xuất lò cao luyện gang với dung tích lớn hơn 2000m3 và có thể cạnh trạnh được với các sản phẩm thép từ các lò cao dung tích tương tự của các cường quốc thép như Trung Quốc và có thể sản xuất thép cán nóng; các doanh nghiệp sản xuất thép xây dựng, tôn mạ và sơn phủ màu, thép cán nguội, ống thép đã từng bước chiếm thị phần cao hơn thị trường trong nước … góp phần hạn chế sự phụ thuộc vào thép nhập khẩu.
Đáng chú ý, cơ cấu sản xuất thép chuyển dịch tích cực theo hướng gia tăng tỷ trọng sản lượng thép cán và giảm tỷ trọng sản lượng thép hình. Đây là tín hiệu tốt khi thép cán là sản phẩm đòi hỏi đặc tính kỹ thuật cao hơn thép hình, là đầu vào của nhiều ngành cơ khí, chế tạo, trong khi thép hình là đầu vào chủ yếu của ngành xây dựng.
Ngoài ra, xuất khẩu tăng trưởng tốt và chuyển dịch tích cực theo hướng gia tăng tỷ trọng xuất khẩu sang các thị trường có yêu cầu cao về thông số kỹ thuật, chất lượng và các tiêu chuẩn về môi trường như Mỹ, EU và một số nước châu Á -Thái Bình Dương; cơ cấu mặt hàng xuất khẩu thép chuyển dịch theo hướng tăng dần tỷ trọng các mặt hàng có hàm lượng chế biến chế tạo là thép cán và thép hình; và giảm tỷ trọng xuất khẩu mặt hàng thép nguyên liệu.
Tồn tại nhiều bất cập cần được tháo gỡ
Tuy nhiên,ngành Thép vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế và đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Chính điều này đã kìm hãm sự phát triển của ngành.
Đánh giá của Bộ Công thương cho thấy, ngành Thép gặp nhiều khó khăn do tác động của đại dịch Covid-19, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, xung đột địa chính trị dẫn đến đứt gãy nguồn cung toàn cầu, trong khi giá nguyên liệu tăng cao, cầu thế giới suy giảm...Nhất là sự sụt giảm của ngành bất động sản dẫn đến nhu cầu thép đầu vào cho sản xuất các ngành công nghiệp xây dựng và xuất khẩu giảm. Chưa hết, giá nguyên liệu tăng khiến chi phí sản xuất cao; tồn kho thép lưu thông ngoài thị trường còn ở mức cao, đặc biệt là tại thị trường Trung Quốc dẫn đến gia tăng tồn kho số lượng lớn, doanh nghiệp thiếu đơn hàng…
Đặc biệt, tư lệnh ngành Công thương chỉ ra một loạt bất cập của ngành Thép như năng lực sản xuất còn hạn chế. Việt Nam tiếp tục là quốc gia nhập siêu về thép. Sản xuất thép thô mới cơ bản đáp ứng nhu cầu sản xuất trong nước, còn thiếu hụt sản phẩm thép chất lượng cao, thép kỹ thuật. Bên cạnh đó, ngành này phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu nước ngoài (thép phế liệu, than cốc, quặng sắt, phôi thép, và các sản phẩm khác…); trong sản xuất thép thô dẫn đến tình trạng bị động về giá, khi giá nguyên liệu đầu vào biến động thì giá thép trong nước cũng phải điều chỉnh theo.
Hơn thế nữa, đến nay, công nghệ sản xuất vẫn còn hạn chế. Ngoại trừ một số khu liên hợp gang thép mới hình thành thời gian gần đây có công nghệ khép kín từ thượng nguồn có công suất thuộc nhóm trung bình cao của thế giới như Khu liên hợp gang thép Hưng Nghiệp Fomosa, Dung Quất… phần lớn các đơn vị sản xuất còn lại có quy mô nhỏ (dưới 0,5 triệu tấn/năm), sử dụng công nghệ không khép kín, lạc hậu, tiêu hao nhiều năng lượng nên khả năng cạnh tranh thấp và gây ô nhiễm môi trường.
Theo số liệu thống kê của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), tính đến nay, các quốc gia và vùng lãnh thổ đã tiến hành khoảng hơn 2.500 vụ việc điều tra phòng vệ thương mại với các sản phẩm kim loại cơ bản (bao gồm thép), chiếm tới hơn 30% tổng số vụ việc điều tra phòng vệ thương mại.
Tính đến hết tháng 5/2024, trong tổng số 252 vụ việc nước ngoài điều tra phòng vệ thương mại với Việt Nam có khoảng 30% vụ việc liên quan các sản phẩm thép.
Các sản phẩm thép bị điều tra khá đa dạng, gồm thép mạ, thép không gỉ cán nguội, thép phủ màu, ống thép, mắc áo bằng thép, đinh thép,… Những vụ kiện này hầu hết xảy ra ở các thị trường xuất khẩu thép chủ lực của Việt Nam như Hoa Kỳ, EU, Úc…, trong đó Hoa Kỳ là nước điều tra nhiều nhất với Việt Nam.
Gần đây nhất, sau một thời gian dài không không sử dụng biện pháp phòng vệ thương mại trực diện với Việt Nam, vào tháng 8/2023, EU đã tiến hành điều tra chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại đối với thép không gỉ cán nguội Việt Nam với cáo buộc lẩn tránh thuế phòng vệ thương mại đang áp dụng đối với Indonesia.
Trợ lực để ngành Thép vươn lên
Trước mắt, để "vực" dậy ngành Thép, theo các chuyên gia kinh tế, các Bộ ngành, địa phương đẩy mạnh triển khai thực hiện các dự án đầu tư công; tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, dẫn dắt, thu hút đầu tư toàn xã hội để gia tăng tổng cầu cho ngành Thép.
Đồng thời, khẩn trương triển khai hiệu quả các Quy hoạch vùng, địa phương và các quy hoạch ngành quốc gia, trong đó có 4 quy hoạch ngành trong lĩnh vực năng lượng, khoáng sản, góp phần tạo nhu cầu tiêu thụ và khai thác, chế biến khoáng sản phục vụ sản xuất thép.
Song song với đó cần đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại; xây dựng, bảo vệ thương hiệu cho ngành thép của Việt Nam; hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thép khai thác hiệu quả các ưu đãi từ các Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam là thành viên và các liên kết kinh tế quốc tế để phát triển thị trường, mở rộng, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu thép, cũng như tìm kiếm nguồn nguyên liệu có giá cả hợp lý từ nước ngoài…
Ngoài ra, theo Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam Nghiêm Xuân Đa, nước ta cần hỗ trợ doanh nghiệp thép tăng cường đầu tư phát triển nguồn nhân lực và ứng dụng khoa học công nghệ, đặc biệt là năng lực nghiên cứu, phát triển sản phẩm, công nghệ sản xuất các sản phẩm thép chất lượng cao, nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng; hỗ trợ, khuyến khích phát triển ngành thép theo hướng xanh, tuần hoàn, phát thải cacbon thấp để ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường;
Bộ Công thương mới đây đã đề nghị các Hiệp hội ngành hàng phát huy vai trò cầu nối, hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thép; tăng cường công tác dự báo và cung cấp thông tin về nhu cầu sắt, thép, đặc biệt là sắt thép xây dựng cho các doanh nghiệp để cân đối nhu cầu thép cung cấp cho thị trường trong nước và xuất khẩu; tích cực hỗ trợ các doanh nghiệp ngành thép chủ động trong sản xuất, cân đối tiêu thụ nội địa và xuất khẩu các sản phẩm thép nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh.
Còn theo Bộ Tài chính, chúng ta cần thiết phải áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại phù hợp để bảo vệ doanh nghiệp sản xuất trong nước. Theo đó, đối với thuế xuất nhập khẩu cần điều chỉnh theo hướng tăng dần, đầu vào ở mức thấp còn với các sản phẩm tinh hơn sẽ áp thuế cao hơn góp phần tạo ra rào cản pháp lý bảo vệ doanh nghiệp sản xuất trong nước...
End of content
Không có tin nào tiếp theo