Thị trường

Triển khai các phương án, biện pháp chống ùn ứ cửa khẩu

Thời điểm cuối tháng 5/2024, các mặt hàng nông sản, hoa quả tươi được các doanh nghiệp, thương nhân đưa lên các cửa khẩu của tỉnh Lạng Sơn để xuất khẩu có chiều hướng tăng, đặc biệt là tại khu vực cửa khẩu Tân Thanh và cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị.

Đà Nẵng: Sắp diễn ra hội chợ hàng Việt 2024 tôn vinh sản phẩm OCOP / Xuất khẩu vào Mỹ: Linh hoạt nắm bắt cơ hội, thận trọng tránh rủi ro

Chú thích ảnh
Doanh nghiệp xuất khẩu nông sản làm thủ tục tại cửa khẩu Tân Thanh. Ảnh: Quang Duy/TTXVN

Điều này tiềm ẩn nguy cơ ùn ứ phương tiện, khó quản lý lượt xe ra, vào khu vực cửa khẩu. Lực lượng chức năng tỉnh Lạng Sơn đã tăng cường phối hợp, thực hiện công tác phân luồng, điều tiết phương tiện chở hàng xuất, nhập khẩu nhằm đảm bảo di chuyển và thông quan thuận lợi, thông thoáng...

Tại cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị, hoạt động xuất nhập khẩu diễn ra sôi động và ổn định, trung bình mỗi ngày có khoảng 500 - 800 phương tiện chở hàng được thông quan, phần lớn là chở nông sản, hoa quả tươi. Các lực lượng chức năng đã điều tiết phương tiện chờ xuất khẩu ngoài Quốc lộ 1 vào khu Phi thuế quan (thuộc địa bàn xã Tân Mỹ, huyện Văn Lãng) nhằm đảm bảo an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, góp phần giải quyết tình trạng ùn ứ giao thông kéo dài trên tuyến quốc lộ. Các bến bãi đảm bảo thông thoáng, ổn định.

Trong khu vực cửa khẩu, mặc dù khối lượng hàng hóa và các phương tiện tham gia lưu thông ở mức cao nhưng vẫn đảm bảo luôn thông thoáng, an toàn, an ninh trật tự. Lực lượng Bộ đội Biên phòng thường xuyên phối hợp với cán bộ Hải quan, Trung tâm quản lý cửa khẩu và đơn vị quản lý bến bãi trong điều chuyển, sắp xếp các phương tiện, giảm mức thấp nhất hiện tượng ùn ứ; tuyên truyền đến các doanh nghiệp, chủ hàng, hướng dẫn lái xe ra vào khu vực cửa khẩu đúng theo sắp xếp của cơ quan chức năng.

Thiếu tá Trần Văn Hùng, Phó Trạm trưởng Trạm Biên phòng cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị cho biết, tháng 5 đến tháng 7 hằng năm là thời điểm lượng xe chở nông sản xuất khẩu từ các tỉnh phía Nam lên cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị tăng cao. Đây là thời gian chính vụ thu hoạch của nhiều loại nông sản trong nước. Nắm bắt được tình hình, đơn vị đã xây dựng kế hoạch, phương án tổ chức phân luồng điều tiết phương tiện, bố trí cán bộ chiến sỹ làm nhiệm vụ 24/24 giờ để kịp thời xử lý các tình huống phát sinh, phối hợp với các lực lượng trong cửa khẩu giải quyết các vấn đề liên quan…

Chú thích ảnh
Cán bộ Hải quan cửa khẩu Tân Thanh kiểm tra chủng loại hàng hóa nông sản xuất khẩu. Ảnh: Quang Duy/TTXVN

Nhằm giảm bớt áp lực từ các phương tiện chở hàng di chuyển lên khu vực cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị và cửa khẩu Tân Thanh, lực lượng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh Lạng Sơn đã chủ động phân luồng từ xa, ngay trên tuyến Quốc lộ 1 hướng về cửa khẩu nhằm đảm bảo các phương tiện lưu thông theo trật tự, hạn chế tối đa tình trạng dừng đỗ lộn xộn, mất an toàn giao thông.

Trung tá Đỗ Minh Ngọc, Phó Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông đường bộ số 1, Phòng Cảnh sát giao thông cho hay, đơn vị thường xuyên bố trí các ca tuần tra kiểm soát trên tuyến Quốc lộ 1, đường vào khu vực cửa khẩu để thực hiện phân luồng từ xa, đảm bảo cho các phương tiện lưu thông trật tự trước khi vào cửa khẩu. Thời gian qua, mặc dù lưu lượng phương tiện di chuyển trên tuyến Quốc lộ 1 để lên cửa khẩu ở mức cao, tuy nhiên chưa ghi nhận tình trạng ùn ứ.

Theo Ban Quản lý Khu Kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn, hoạt động biên mậu tại các cửa khẩu của tỉnh diễn ra thuận lợi và ổn định. Trung bình mỗi ngày có khoảng trên 1.000 phương tiện chở hàng hóa xuất, nhập khẩu được thông quan qua các cửa khẩu của tỉnh (có thời điểm đạt 1.400 phương tiện). Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu các loại hình hàng hóa từ đầu năm đến giữa tháng 5/2024 của Lạng Sơn đạt hơn 23 tỷ USD (tăng 31,9% so với cùng kỳ năm 2023). Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu mở tờ khai tại Cục Hải quan tỉnh Lạng Sơn đạt trên 2 tỷ USD.

Nhờ làm tốt việc phối hợp phân luồng, điều tiết phương tiện giao thông, các cửa khẩu tỉnh Lạng Sơn vẫn luôn đảm bảo ổn định về an ninh trật tự, an toàn giao thông. Việc xây dựng, triển khai các phương án, biện pháp chống ùn ứ tại khu vực các cửa khẩu đã góp phần tạo dựng môi trường xuất, nhập khẩu thông thoáng, nhất là thời điểm chính vụ thu hoạch nông sản.

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm