Thị trường

Triển vọng xuất khẩu của cá tra miền Tây

DNVN - Trong 2 tháng đầu năm 2023, sản lượng cá tra xuất khẩu ước đạt gần 224 ngàn tấn, tăng 3,1 % so với cùng kỳ năm trước. Theo các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu cá tra, tình hình có nhiều triển vọng khi Trung Quốc mở cửa thông quan nhiều mặt hàng thủy sản.

Cơ hội hợp tác xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang Na Uy / Sản lượng nuôi trồng thủy sản tăng cao tại nhiều địa phương

Bảo đảm nguồn cung

Theo các hộ nuôi cá ở cồn Tân Lộc, quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ, hiện giá bán cá tra dao động từ 28.000 - 30.000 đồng/kg, so với mức giá thành khoảng từ 26- 27.000 đồng/kg thì người nuôi lãi từ 2.000 đến 3.000/kg. Còn ông Nguyễn Thanh Bình- Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp cho hay: “Sau mấy năm thua lỗ thì từ đầu năm 2022 đến nay hầu hết các hộ nuôi cá tra đều có được lợi nhuận, tạo tâm lý an tâm để đầu tư mở rộng diện tích, nhằm đảm bảo nguồn cá nguyên liệu phục vụ cho các nhà máy chế biến xuất khẩu”.

Người nuôi cá tra có lãi nên nguồn liệu cá luôn ổn định, DN chủ động được nguồn hàng

Người nuôi cá tra có lãi nên nguồn nguyên liệu cá luôn ổn định, DN chủ động được nguồn hàng.

Theo Chi cục Thủy sản TP Cần Thơ, năm 2022, diện tích nuôi cá tra khoảng 700 ha, tăng 3% so với cùng kỳ, diện tích thu hoạch 563 ha và sản lượng đạt gần 200.000 tấn, tăng 8% so với cùng kỳ, kim ngạch xuất khẩu đạt 600 triệu USD, tăng 36% so với cùng kỳ.

Số liệu của Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho thấy trong năm 2022, các DN cá Việt Nam đã xuất khẩu cá tra đạt khoảng 2,5 tỷ USD, tăng khá cao so với năm trước. Diễn biến thị trường năm 2022 có điểm đáng chú ý là sau khi tăng mạnh trong 3 quý đầu năm, xuất khẩu cá tra cuối năm 2022 và tháng 1/2023 giảm mạnh do ảnh hưởng lạm phát toàn cầu.

Tuy vậy, cá tra được đánh giá là vẫn có nhiều triển vọng về thị trường trong năm 2023. Trước hết, tại thị trường lớn nhất là Trung Quốc, việc chính sách Zero Covid được bãi bỏ đang tạo thuận lợi hơn cho xuất khẩu các mặt hàng nông, lâm, thủy sản Việt Nam sang thị trường này, trong đó có sản phẩm cá tra của Việt Nam.

Xác định cá tra là sản phẩm chiến lược, có lợi thế cạnh tranh trên trường quốc tế, nên những năm qua Chính phủ và các bộ ngành liên quan tích cực hỗ trợ giúp nghề cá hoàn thiện từ khâu nuôi trồng đến chế biến, xuất khẩu. Các địa phương đã quyết liệt quy hoạch vùng nuôi; tăng cường hợp tác, liên kết sản xuất theo chuỗi để giảm thiểu rủi ro, giảm giá thành sản xuất; nuôi cá có chứng nhận để nâng cao giá trị sản phẩm. Đến nay, ĐBSCL đã có khoảng 350 cơ sở nuôi cá tra với diện tích 3.119 ha được cấp giấy chứng nhận VietGAP…

 

Doanh nghiệp chủ động, tự tin với mục tiêu xuất khẩu

Hiện thị trường cá tra Việt Nam được tiêu thụ ở gần 150 nước và vùng lãnh thổ, trong đó, thị trường Trung Quốc và Hồng Kông chiếm gần 30%; Mỹ gần 23%; các nước thuộc CPTPP hơn 13%; EU 8,2%; Brazil 3,7%...

DN cá tra tự tin với mục tiêu xuất khẩu cá trong năm 2023

DN xuất khẩu cá tra tự tin với mục tiêu xuất khẩu cá trong năm 2023

Một giám đốc công ty chế biến cá tra xuất khẩu có nhà máy đặt tại khu công nghiệp Thốt Nốt, quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ cho biết, trước đây do ảnh hưởng dịch COVID-19, thị trường Trung Quốc dường như bị đóng băng, hiện thị trường này mở cửa trở lại, nhu cầu tiêu thụ cá sẽ tăng, dự báo xuất khẩu cá sẽ khởi sắc hơn trong năm 2023.

 

Cũng theo DN nghiệp này, hiện ngành cá tra xuất khẩu có nhiều DN kinh doanh chế biến cá tra xuất khẩu, DN lớn thì xuất khẩu vào các thị trường tiêu thụ cá lớn, DN vừa và nhỏ thì xuất vào thị trường khác nhỏ hơn nên ít xảy ra sự cạnh tranh. Với những DN làm ăn lâu năm thì họ luôn có thị trường truyền thống xuất khẩu ổn định.

Tuy nhiên, với diễn biến thị trường năm nay, lãi suất ngân hàng và nguyên liệu đầu vào tăng nhưng giá xuất khẩu không tăng nên người nuôi thì có lãi, DN ít có lời hơn. Chính vì thế, để duy trì ổn định sản xuất DN phải chủ động được nguồn hàng, tiết giảm chi phí, quản lý chặt khâu sản xuất, giảm giá thành để cạnh tranh và có lãi.

Thuận lợi là hiện nay, người nuôi cá luôn giữ được diện tích nuôi và sản lượng xuất ao, cùng lúc nuôi nhiều ao với nhiều lứa cá đan xen nên sản lượng đầu ra ổn định, chưa xuất hiện tình trạng khan cá nguyên liệu đầu vào.

“Từ diễn biến thị trường năm trước, tăng mạnh trong năm rồi 6 tháng đầu năm nhưng sang quý III, quý IV thì giảm mạnh. DN cần luôn bám sát diễn biến thị trường để chủ động nguồn hàng, linh hoạt ứng phó, quản lý tốt hàng tồn kho”, DN khuyến nghị.

DN này cho biết rất kỳ vọng vào tình hình xuất khẩu cá tra sẽ khởi sắc hơn trong năm 2023, mục tiêu xuất khẩu 10 triệu tấn cá trong năm 2023 của DN là hoàn toàn nằm trong tầm tay.

 


Hòa Minh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm