Ứng phó với rủi ro từ phòng vệ thương mại
Kích cầu tiêu dùng nội địa: Giải pháp quan trọng thúc đẩy tăng trưởng GDP / WTO dự báo tăng trưởng thương mại hàng hóa toàn cầu
Không chỉ những mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn như sản phẩm gỗ, cá tra, tôm, da giày, dệt may, thép… mà các mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu nhỏ hơn như mật ong, giá để đồ bằng thép, túi mua hàng bằng giấy… cũng đối diện với việc bị điều tra phòng vệ thương mại.
Vậy các doanh nghiệp Việt Nam sẽ gặp rủi ro gì từ việc điều tra phòng vệ thương mại của nước nhập khẩu, doanh nghiệp đã chủ động trong việc phối hợp với cơ quan chức năng ra sao và làm thế nào để hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam hạn chế được những rủi ro này?
Trao đổi về vấn đề này, phóng viên TTXVN đã phỏng vấn ông Chu Thắng Trung, Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương.
Dưới góc nhìn của Cục Phòng vệ thương mại, ông có đánh giá thế nào về sự chủ động của doanh nghiệp và vấn đề kết nối giữa các cơ quan, tổ chức, hiệp hội trong ứng phó với các vụ việc phòng vệ thương mại?
Với phòng vệ thương mại, không phải ngành nào cũng có nguy cơ như nhau, có những mặt hàng không bị ảnh hưởng nhưng có những mặt hàng dễ gặp rủi ro bị điều tra phòng vệ thương mại.
Thông thường sự quan tâm doanh nghiệp với biện pháp phòng vệ thương mại không nhiều như các vấn đề khác. Song điểm chung là khi hàng hóa của doanh nghiệp, ngành hàng là đối tượng bị điều tra áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại thì các doanh nghiệp bắt đầu quan tâm và có phản ứng.
Theo nhận định của Cục Phòng vệ thương mại, hiện phản ứng của doanh nghiệp khác so với thời điểm trước. Trước đây, khi doanh nghiệp là đối tượng bị điều tra, áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại không có phản ứng, hoặc e ngại trong việc phản ứng, ứng phó hay cung cấp thông tin để bảo vệ cho quyền lợi của doanh nghiệp. Đến nay, doanh nghiệp đã biết về phòng vệ thương mại cũng như ảnh hưởng của tác động đến doanh nghiệp. Vì vậy, khi gặp phải vụ việc cụ thể, doanh nghiệp đã có sự chủ động để có tiếng nói chung.
Bản thân doanh nghiệp cũng chủ động phối hợp với Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) để được hỗ trợ, tư vấn quy trình, thủ tục. Cùng đó, doanh nghiệp tham gia tích cực hơn, cung cấp thông tin cho cơ quan điều tra, đồng thời không còn thụ động mà chủ động để xử lý vụ việc phòng vệ thương mại theo hướng ít ảnh hưởng cho doanh nghiệp.
Một số chuyên gia cho rằng, một số ngành hàng của Việt Nam đang bị “vạ lây” từ các biện pháp phòng vệ thương mại mà các thị trường xuất khẩu đang áp với các nước. Ông có nhận định gì về ý kiến này?
Các biện pháp phòng vệ thương mại được áp dụng tương đối phổ biến, tuy nhiên nếu như so sánh với quốc gia khác thì Việt Nam chưa phải là đối tượng hàng đầu của các biện pháp phòng vệ thương mại mà các nước tiến hành điều tra.
Khi phát sinh trường hợp một nước điều tra áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại với một nước xuất khẩu khác không phải Việt Nam, mặt hàng từ nước bị điều tra có thể xuất khẩu khó khăn, từ đó sẽ dẫn đến việc dịch chuyển. Có thể, thay vì sản xuất tại nước ban đầu thì sẽ dịch chuyển đầu tư sang quốc gia khác; trong đó Việt Nam là một điểm thu hút đầu tư.
Việc đầu tư có thể lớn và tạo ra giá trị gia tăng tại Việt Nam, nhưng có thể chỉ là những công đoạn đơn giản. Như vậy sẽ dẫn đến khả năng, thay vì lượng xuất khẩu của nước xuất khẩu ban đầu tăng thì xuất khẩu của Việt Nam tăng lên. Đồng nghĩa với đó như hiệu ứng domino, họ cũng sẽ điều tra với ngành hàng Việt Nam.
Ngoài câu chuyện đơn hàng giảm, những vụ việc điều tra phòng vệ thương mại từ các thị trường được cho là gây thêm khó khăn với doanh nghiệp xuất khẩu. Vậy ông có khuyến cáo gì cho doanh nghiệp?
Chúng ta phải xác định phòng vệ thương mại là xu thế tất yếu trong phát triển thương mại quốc tế và thực tế cũng có những nguy cơ rủi ro nhất định. Trong tương lai, cùng với hoạt động xuất khẩu tăng thì hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sẽ va chạm, xung đột nhiều ở thị trường nước ngoài. Nguy cơ bị điều tra và áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại đối với một số ngành hàng, thị trường sẽ tiếp tục có xu hướng gia tăng.
Cục Phòng vệ thương mại khuyến nghị doanh nghiệp nên tìm hiểu và hiểu biết về công cụ phòng vệ phương mại vận hành như thế nào, nguyên tắc ra sao, điều kiện áp dụng như thế nào? Điều này giúp doanh nghiệp khi chưa gặp phải nguy cơ rủi ro về phòng vệ thương mại cũng nắm được điều cơ bản để khi xảy ra rủi ro doanh nghiệp cũng chủ động và biết phải làm gì, bởi trước đây doanh nghiệp thường sợ sệt và e dè khi gặp những rủi ro như vậy.
Bên cạnh việc chủ động nắm bắt, doanh nghiệp cần tăng cường quản trị doanh nghiệp, quản trị kế toán rõ ràng, minh bạch, khoa học. Bởi yếu tố quan trọng của điều tra áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại là cơ quan điều tra nước ngoài sẽ rà soát và kiểm tra sổ sách kế toán tài chính của doanh nghiệp để xác định có hay không những hành vi cạnh tranh không lành mạnh như: bán phá giá, nhận trợ cấp… qua đó làm căn cứ áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại.
Đối với doanh nghiệp, việc có hệ thống quản trị, báo cáo, sổ sách rõ ràng chính là cách để doanh nghiệp tự bảo vệ chính mình. Đồng thời, đối với mỗi ngành hàng, thị trường thì doanh nghiệp cũng có thể tự đánh giá nguy cơ có thể trở thành đối tượng bị điều tra áp dụng biện pháp bảo vệ thương mại của nước ngoài hay không, trên cơ sở xác định rủi ro doanh nghiệp có thể hạn chế những ảnh hưởng bằng những sự chuẩn bị trước.
Một điểm nữa, doanh nghiệp cũng cần thường xuyên trao đổi, hợp tác, phối hợp với nhau và với Hiệp hội, cơ quan quản lý nhà nước để khi các vụ việc thực tế xảy ra thì doanh nghiệp có sự hỗ trợ tốt nhất.
Trân trọng cảm ơn Phó cục trưởng!
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá vàng thế giới ngày 21/11: Tăng liên tục ba phiên, chạm đỉnh một tuần
Dự án Aeon Mall Cần Thơ được chấp thuận
Giá ngoại tệ ngày 21/11/2024: USD tăng mạnh, chấm dứt chuỗi 3 phiên giảm liên tiếp
Đề xuất ưu tiên doanh nghiệp tư nhân tham gia dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam
Chủ trung tâm hội nghị Gem Center, White Palace bị xử phạt
Giá heo hơi ngày 21/11/2024: Biến động trái chiều tại miền Trung và miền Nam