VCCI kiến nghị bỏ Quỹ Bình ổn giá xăng dầu
DNVN - Cho rằng cả lý thuyết và thực tiễn đều cho thấy Quỹ Bình ổn giá xăng dầu không đạt được mục tiêu giúp bình ổn giá như mong muốn của Nhà nước, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đề nghị bỏ quỹ này.
Căn hộ giá dưới 35 triệu đồng/m2 gần như biến mất khỏi thị trường / Ngành thuế có thông tin hơn 53.000 người bán trên sàn thương mại điện tử
Hiện Bộ Công Thương đang chủ trì soạn thảo nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 95/2021/NĐ-CP và Nghị định số 83/2014/NĐ-CP của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu. Dự thảo sửa đổi, bổ sung quy định về: công thức giá, phương thức điều hành giá xăng dầu, thời gian điều hành/công bố giá, mức chiết khấu tối thiểu trong kinh doanh xăng dầu, quyền và nghĩa vụ của thương nhân kinh doanh xăng dầu…
Tại dự thảo, liên quan đến Quỹ Bình ổn giá xăng dầu (BOG), Bộ Công Thương phân tích, do BOG là công cụ linh hoạt duy nhất để Nhà nước có thể điều hành mức tăng giảm giá xăng dầu trong từng kỳ điều hành giá. Nếu bỏ BOG sẽ đồng nghĩa với việc bỏ điều hành giá xăng dầu.
Bộ Công Thương đề xuất 3 phương án quy định đối với BOG. Trong đó, phương án 1 là giữ nguyên quy định về quản lý BOG hiện hành.
Phương án 2: Tiếp tục giữ công cụ BOG để điều hành, tuy nhiên có sửa đổi theo hướng quy định nguyên tắc sử dụng công cụ Quỹ BOG cụ thể.
Quan điểm của Bộ Công Thương là tiếp tục giữ công cụ BOG để điều hành giá xăng dầu.
Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền chỉ can thiệp điều hành giá thông qua việc điều chỉnh mức trích lập, chi BOG khi giá xăng dầu công bố kỳ này so với kỳ công bố giá liền trước có biến động tăng từ 10% trở lên hoặc giảm từ 7% trở lên. Phương án này để vừa bảo đảm Nhà nước có thể điều hành khi cần thiết nhưng giảm dần sự can thiệp của Nhà nước vào giá xăng dầu.
Phương án 3 là bỏ BOG.
Với nội dung này, Bộ Công Thương lựa chọn phương án 2. Theo đó tiếp tục có quy định về BOG, tuy nhiên, có quy định cụ thể về các trường hợp phải sử dụng công cụ BOG (trích lập và chi). Đồng thời công thức giá có sự thay đổi theo hướng Nhà nước chỉ công bố giá định hướng gồm các yếu tố về giá thế giới, các loại thuế, lợi nhuận định mức, các chi phí khác do các doanh nghiệp tự xác định và chịu trách nhiệm trước các cơ quan kiểm toán.
Việc lựa chọn phương án 2, theo Bộ Công Thương, nhằm bảo đảm giá xăng dầu dần theo thị trường, phản ánh đủ chi phí phát sinh của doanh nghiệp, hài hòa lợi ích giữa các chủ thể, giúp duy trì nguồn cung ổn định cho thị trường.
Tuy nhiên, góp ý về nội dung này, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết: Theo thuyết minh của Bộ Công Thương, mục tiêu của BOG là nhằm để giá xăng dầu không tăng và giảm quá mạnh, từ đó giúp tránh lạm phát kỳ vọng, lạm phát tâm lý.
Theo đó, nếu không có BOG thì khi giá xăng tăng sẽ khiến giá cả hàng hoá khác tăng theo, nhưng khi giá xăng giảm thì giá cả hàng hoá khác không giảm theo. Cơ quan Nhà nước kỳ vọng rằng, quỹ bình ổn này sẽ giúp làm giảm biên độ biến động giá xăng dầu trong nước. Đây là mong muốn hợp lý.
Tuy nhiên, dẫn nghiên cứu của TS Phạm Thế Anh, VCCI cho rằng, việc điều hành BOG thời gian qua đã không đạt được mục tiêu này. Sự biến động giá của xăng dầu sau khi sử dụng quỹ không có sự khác biệt lớn khi so sánh với trường hợp không sử dụng quỹ.
Cụ thể, kết quả tính toán hệ số biến thiên, thước đo mức độ biến động giá của các loại xăng dầu cũng cho thấy: Sau khi sử dụng quỹ, hệ số biến thiên của xăng E5RON92 là 0,2296; xăng RON95 là 0,2310. Trong khi đó, hệ số biến thiên của dầu diesel, dầu hỏa và dầu mazut lần lượt là 0,2494, 0,2840 và 0,2204. Nếu không sử dụng quỹ, hệ số biến thiên tương ứng của các loại xăng dầu kể trên lần lượt là: 0,2230; 0,2379; 0,2735; 0,3017; 0,2200.
"Như vậy, việc điều hành quỹ làm giảm biến động giá RON95, dầu diesel, và dầu hỏa, nhưng lại làm tăng biến động giá E5RON92 và dầu mazut. Tuy nhiên, chênh lệch giữa biến động giá nếu sử dụng quỹ và không sử dụng quỹ là khá nhỏ", VCCI đánh giá.
Lý giải cho sự khác biệt giữa kỳ vọng của nhà làm chính sách và thực tiễn này, TS Phạm Thế Anh cho rằng nguyên nhân là do nhà điều hành không thể tiên đoán được giá xăng dầu trong tương lai. Nếu muốn giảm được biên độ biến động giá, nhà điều hành cần dự đoán được giá xăng dầu thế giới. Ví dụ, nếu tại kỳ điều hành thứ nhất, giá thế giới tăng so với trước đó, nhà điều hành xả BOG để giá trong nước không tăng mạnh so với trước đó. Nếu tại kỳ điều hành thứ hai, giá thế giới giảm so với kỳ trước đó, thì quyết định xả quỹ này có tác dụng giảm biến động giá.
Tuy nhiên, nếu tại kỳ điều hành thứ hai, giá thế giới lại tiếp tục tăng thì quyết định xả BOG tại kỳ điều hành thứ nhất lại khiến giá biến động mạnh hơn tại kỳ thứ hai. Nhà điều hành luôn rơi vào tình trạng không thể dự đoán được giá thế giới sẽ diễn biến thế nào vào kỳ sau để có quyết định trích hay xả quỹ cho đúng.
"Như vậy, cả lý thuyết và thực tiễn đều cho thấy BOG không đạt được mục tiêu giúp bình ổn giá như mong muốn của Nhà nước. Do đó, đề nghị bỏ Quỹ bình ổn giá xăng dầu", VCCI kiến nghị.
Nguyệt Minh
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá ngoại tệ ngày 30/12/2024: Chỉ số USD Index đạt mốc 108 điểm
Vị thế trung tâm nuôi biển - Bài 1: Kỳ vọng ngành hàng giá trị tỷ USD
Đề xuất tập trung phát triển các dạng năng lượng tái tạo
Giá nông sản ngày 30/12/2024: Cà phê giảm nhẹ, hồ tiêu duy trì mức cao
Giá heo hơi ngày 30/12/2024: Xu hướng ổn định với mức giá cao
Những biến số nào sẽ làm gia tăng áp lực tỷ giá trong năm 2025?
Cột tin quảng cáo