Vì sao chưa chặn được cá tầm lai nhập lậu từ Trung Quốc vào Việt Nam?
Phát triển nuôi biển trở thành ngành sản xuất hàng hóa quy mô lớn / VN-Index hồi phục trong phiên chiều, nhóm ngân hàng rực đỏ
Trung Quốc đề nghị đưa cá tầm lai vào danh mục được phép nhập khẩu vào Việt Nam
Đầu năm 2020, trước nguy cơ lây lan dịch COVID-19, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 05/CT-TTg về việc phòng, chống dịch bệnh, trong đó nêu rõ chỉ đạo cấm nhập khẩu động vật hoang dã vào Việt Nam.
Ngày 23/7/2020, Thủ tướng tiếp tục có Chỉ thị số 29/CT-TTg chỉ đạo dừng nhập khẩu động vật hoang dã còn sống hay đã chết vào Việt Nam. Chính phủ cũng có văn bản giao Bộ Công an, Ban chỉ đạo 389 Quốc gia phối hợp với các cơ quan liên quan xem xét các vấn đề liên quan đến việc nhập khẩu cá tầm.
Tuy nhiên, bất chấp các chỉ đạo “nóng”, cá tầm lai Trung Quốc vẫn được nhập lậu vào Việt Nam thông qua các chiêu trò cũ là nâng khối lượng cá tầm vượt so với hồ sơ được cấp phép.
Theo Tổng cục Hải quan, ngày 29/7/2021, Tổng cục Hải quan đã có công văn số 3793/TCHQ-GSQL trả lời Bộ Công Thương về phản ánh của Trung Quốc liên quan đến việc xuất khẩu cá tầm sang Việt Nam. Ngày 13/8/2021, trong cuộc Họp trực tuyến song phương giữa Tổng cục Thủy sản, Cơ quan CITES Việt Nam, Vụ Hợp tác quốc tế, Văn phòng SPS - Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN-PTNT) với đại diện phía Trung Quốc (Tổng cục Hải quan Trung Quốc, đại diện hải quan Côn Minh, Thương hội xuất nhập khẩu nông thủy sản, Bộ Thương mại), phía Trung Quốc đề xuất Việt Nam rút ngắn thời gian thông quan cá tầm Trung Quốc và đưa cá tầm lai vào Danh mục được phép nhập khẩu vào Việt Nam.
Trước đề nghị này đại diện Bộ NN-PTNT của Việt Nam cho biết, Bộ sẽ báo cáo cấp có thẩm quyền về đề nghị của phía Trung Quốc và sẽ nghiên cứu sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật liên quan.
Cửa khẩu “siết chặt”, cá tầm nhập lậu vẫn tràn vào thị trường
Theo thống kê của Cơ quan quản lý CITES Việt Nam (Tổng cục Lâm nghiệp, Bộ NN-PTNT), trong thời gian từ ngày 23/7/2020 đến 8/2/2021 các doanh nghiệp đã nhập khẩu số lượng cá tầm Trung Quốc lên đến 2.988 tấn.
Đáng chú ý, có một số doanh nghiệp từng vi phạm Chỉ thị số 05 của Thủ tướng Chính phủ, vi phạm về khai báo hải quan gian dối nhưng vẫn tiếp tục được tạo điều kiện nhập khẩu cá tầm với số lượng lớn.
Tại Chi cục Hải quan Cửa khẩu Hữu Nghị (huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn), sau chỉ đạo “siết chặt” của các cơ quan chức năng trong tháng 1 và tháng 2/2021, số lượng cá tầm Trung Quốc nhập khẩu về Việt Nam qua cửa khẩu này là 687 tấn, cao hơn cả số lượng nhập khẩu trong 6 tháng năm 2020.
Đặc biệt, cơ quan hải quan tiếp tục phát hiện Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Thủy hải sản Thanh Tú có địa chỉ ở số 1, ngõ 562 đường Lĩnh Nam, tổ 19, phường Lĩnh Nam, quận Hoàng Mai, Hà Nội do bà Nguyễn Thị Thư là đại diện pháp luật đã dùng thủ đoạn gian dối trong khai báo hải quan để nâng khối lượng cá tầm Trung Quốc nhập về Việt Nam vượt quy định 850 kg.
Cũng bằng thủ đoạn trên, Công ty TNHH Đầu tư và xuất nhập khẩu An Hưng có địa chỉ đăng ký tại số 4C, ngõ 230 Quan Nhân, phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, TP Hà Nội đã nhập khẩu không đúng với hồ sơ hải quan số lượng cá tầm Trung Quốc lên đến 4.000 kg. Chi cục Hải quan Cửa khẩu Hữu Nghị đã chuyển hồ sơ các vụ việc vi phạm sang Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Lạng Sơn để xác định xem những vi phạm trên có phải là hành vi buôn lậu hay không, tuy nhiên sau đó các doanh nghiệp chỉ bị xử phạt hành chính.
Tương tự, tại Chi cục Hải quan cửa khẩu quốc tế Lào Cai, sau chỉ đạo của Chính phủ và Tổng cục Hải quan thì cá tầm Trung Quốc vẫn tiếp tục được nhập khẩu vào Việt Nam. Từ đầu năm 2021 đến nay số lượng cá tầm Trung Quốc nhập khẩu chính ngạch qua Lào Cai là 125 tấn, vượt năm ngoái 115 tấn.
Cơ quan chức năng ở Lào Cai cũng phát hiện 2 lô hàng gần 1.000 kg cá tầm Trung Quốc không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc nhập khẩu, không được kiểm soát dịch bệnh…
Vụ việc điển hình được Tổng cục Hải quan nhắc đến trong báo cáo cuối tháng 3/2021 là trường hợp của Công ty TNHH Đầu tư và Xuất nhập khẩu An Hưng nhập khẩu 12 tấn cá tầm Siberia từ Trung Quốc. Khi các cơ quan chức năng giám định cho kết quả cá nhập không đúng chủng loại vào Việt Nam, chưa cho thông quan thì toàn bộ số hàng trước đó được đưa vào kho lưu trữ của doanh nghiệp đã được tự ý đưa đi tiêu thụ hết.
Trường hợp này cũng diễn ra tương tự tại Công ty TNHH Nông Lâm Thủy sản Đức Vui đăng ký tờ khai nhập khẩu 9,2 tấn cá tầm Siberia, có xuất xứ Trung Quốc, qua kiểm tra, có tới 6 mẫu cá nhập thực tế không đúng chủng loại với khai báo hải quan và giấy phép được cấp trước.
Cá tầm nhập lậu giá rẻ làm ảnh hưởng tới nghề nuôi cá tầm trong nước. Ảnh minh họa: Internet
Quyết tâm của cơ quan quản lý đến đâu?
Cá tầm Trung Quốc có giá bán rẻ hơn so với cá tầm nuôi trong nước khiến cho cộng đồng doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ dân nuôi cá tầm lao đao. Từ giữa năm 2020, Hội Nghề cá Việt Nam, Hiệp hội Phát triển cá nước lạnh tỉnh Lâm Đồng, Hội Cá nước lạnh tỉnh Lào Cai đã liên tục có các văn bản gửi Thủ tướng và các bộ ngành liên quan ''cầu cứu''.
Ngày 30/6/2021, cộng đồng doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ dân nuôi cá tầm trên địa bàn cả nước tiếp tục có gửi đơn kiến nghị cấp thiết gửi đến Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính về vấn đề liên quan đến việc nhập khẩu cá tầm từ Trung Quốc.
Nội dung đơn kiến nghị nêu, trong suốt thời gian vừa qua, tình trạng cá tầm Trung Quốc không đúng chủng loại nhập lậu vào Việt Nam đã gây ra những hệ lụy không nhỏ đến nền sản xuất cá tầm trong nước và chất lượng của cá tầm Việt Nam.
Đại diện cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ nuôi cá tầm trên cả nước kiến nghị Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ xem xét và có ý kiến yêu cầu Bộ Công Thương, Bộ NN-PTNT, Bộ Công an kiểm tra, rà soát, làm rõ vấn đề tại sao tiếp tục cấp CITES cho các công ty nhập khẩu cá tầm, trong khi việc nhập khẩu cá tầm của các công ty đó hiện vẫn đang chưa khẳng định được là có phù hợp với Giấy phép CITES và quy định pháp luật hiện hành hay không?.
Bàn về giải pháp hiệu quả nhằm ngăn chặn tình trạng nhập lậu cá tầm từ Trung Quốc vào Việt Nam, các chuyên gia cho rằng, văn bản pháp quy thì đưa ra đã khá nhiều, từ trung ương tới các bộ ngành, tuy nhiên, điều quan trọng của giải pháp là các cơ quan chức năng phải quyết tâm thực thi.
Theo chuyên gia thương mại Vũ Vinh Phú, với sự đồng lòng từ trên xuống dưới, đặc biệt với các biện pháp ngăn chặn từ cơ quan chuyên môn là Bộ NN-PTNT, Bộ Công Thương, hải quan... , sau chỉ đạo của Chính phủ, tôm hùm đất đã “hết đất sống” tại thị trường Việt Nam từ dạo đó. Đã có kinh nghiệm phạt nặng người kinh doanh loại cá tầm ngoại lai, phạt nặng, thậm chí truy cứu hình sự đơn vị cố ý nhập khẩu loại này, văn phòng Chính phủ đã có ý kiến từ tháng 1/2021, chắc chắn cá tầm ngoại lai từ Trung Quốc cũng sẽ hết đất sống.
“Quan trọng là quyết tâm của cơ quan quản lý đến đâu, chứ cứ mạnh ai nấy kêu và cảnh báo thì ngành nông nghiệp Việt Nam còn bị ảnh hưởng nhiều nữa bởi ba thứ ngoại lai có hại này, không riêng gì con cá tầm”, ông Phú nhấn mạnh.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá vàng ngày 3/1/2025: SJC cùng vàng nhẫn tăng vọt
PMI ngành sản xuất sụt giảm tháng cuối năm 2024
Giá ngoại tệ ngày 3/1/2025: USD đạt mức cao mới, Index vượt ngưỡng 109
Giá nông sản ngày 3/1/2025: Cà phê và hồ tiêu tiếp tục giữ mức cao
Giá heo hơi ngày 3/1/2025: Ổn định trên cả nước
Đà Nẵng: Tổ chức 14 điểm bán hàng bình ổn giá dịp Tết Ất Tỵ 2025