Thị trường

Việt Nam có nhiều dư địa phục hồi kinh tế sau đại dịch

Trang imf.org của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) mới đây đã đăng báo cáo đánh giá thường niên về nền kinh tế Việt Nam, trong đó chỉ ra những cải cách trong các lĩnh vực sẽ giúp Việt Nam gặt hái được nhiều lợi ích hơn từ kết quả cuộc chiến chống dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

Thí điểm chính sách hỗ trợ, Đà Nẵng liên tiếp thu hút các đoàn du khách MICE / Chính sách cho doanh nghiệp vay vốn lãi suất 0% để trả lương là khó tiếp cận nhất

Theo báo cáo, bất chấp đại dịch COVID-19, nền kinh tế Việt Nam vẫn trụ vững với mức tăng trưởng 2,9% trong năm 2020 (tốc độ tăng trưởng cao trên thế giới) và dự kiến sẽ tăng trưởng 6,5% trong năm 2021 nhờ thực hiện những bước đi quyết liệt để hạn chế suy thoái kinh tế và y tế.

Việc áp dụng nhanh chóng các biện pháp kiểm soát, kết hợp với truy vết tích cực, xét nghiệm đúng đối tượng và cách ly các ca nghi mắc COVID-19 đã giúp tỷ lệ lây nhiễm và tử vong ở mức rất thấp trên cơ sở bình quân đầu người.

Việc Việt Nam đứng trong danh sách các nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng cao nhất trên thế giới trong năm ngoái là nhờ các hoạt động trong nước sớm phục hồi và hoạt động xuất khẩu mạnh mẽ, đặc biệt là xuất khẩu điện tử công nghệ cao khi mọi người trên thế giới làm việc tại nhà.

Báo cáo cũng nhận định Việt Nam đối mặt với đại dịch COVID-19 với các nền tảng kinh tế cơ bản và vùng đệm chính sách vững chắc dù vẫn còn một số thách thức về cơ cấu cần được giải quyết.

Kể từ khi thực hiện chính sách Đổi mới theo định hướng thị trường vào năm 1986, Việt Nam đi từ một trong những nước nghèo nhất thế giới trở thành một nước có thu nhập trung bình thấp. Việc chuyển đổi cơ cấu từ nông nghiệp sang nền kinh tế hiện đại dựa trên hoạt động sản xuất nhờ vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài và “không để ai bị bỏ lại phía sau” đã giúp cải thiện mức sống.

Đầu tư nước ngoài mạnh mẽ và thặng dư tài khoản vãng lai đã tăng cường khả năng chống chịu với nhân tố bên ngoài. Hệ thống ngân hàng được cải thiện đáng kể với khả năng sinh lời, thanh khoản cao hơn và ít nợ xấu hơn trước đây dù vẫn còn nhiều điểm yếu.

gdp-1577875263656-8693-1615604998.jpg

IMF: Việt Nam có nhiều dư địa phục hồi kinh tế sau đại dịch (Ảnh Int)

Việt Nam cũng đạt được những tiến bộ đáng kể trong việc tăng cường khả năng tài chính công trước đại dịch COVID-19. Việc xây dựng các vùng đệm tài khóa, đối ngoại và tài chính trước khi xảy ra đại dịch COVID-19 cũng giúp Việt Nam có khả năng chống đỡ cú sốc tốt hơn. Tuy nhiên, bất chấp những kết quả thuận lợi này và những cải cách cơ cấu hiện nay, IMF nhận định vẫn còn nhiều dư địa để thúc đẩy năng suất và nâng cao khả năng phục hồi kinh tế.

Báo cáo của IMF cho rằng các chính sách kinh tế vĩ mô cần được duy trì trong năm 2021 để đảm bảo phục hồi một cách bền vững và toàn diện. Các chính sách trong ngắn hạn cần tập trung vào việc duy trì việc làm trong khi thúc đẩy sự phân bổ lại các nguồn lực. Cụ thể, việc này có thể được hiện thực hóa nhờ sử dụng trợ cấp tuyển dụng và các chính sách thị trường lao động tích cực để khuyến khích đào tạo việc làm. Mạng lưới an sinh xã hội hiện nay cần được mở rộng phạm vi bao phủ và nâng cao hiệu quả.

Bên cạnh đó, báo cáo cũng lưu ý cần ưu tiên cải thiện môi trường kinh doanh và đảm bảo sân chơi bình đẳng cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa thông qua cải cách hướng tới giảm gánh nặng pháp lý cho các doanh nghiệp, cải thiện khả năng tiếp cận các nguồn lực, tăng cường quản trị và tiếp cận công nghệ, đổi mới và giảm chênh lệch kỹ năng.

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm