Việt Nam đứng thứ hai Đông Nam Á về hút vốn vào FinTech
Bắc Giang: Nâng tầm công nghệ, giải bài toán môi trường / GEOTEC HANOI 2019: Trình diễn hàng trăm giải pháp nền móng tối ưu cho kết cấu hạ tầng
Theo bài viết trên tờ Nikkei Asia Review (Nhật Bản), ngày 27/11, các công ty khởi nghiệp FinTech của Việt Nam sắp bắt kịp những đối thủ Singapore về thu hút vốn đầu tư mạo hiểm ở Đông Nam Á.
Sau khi chỉ thu hút được 35 triệu USD vào năm 2014, tổng số vốn đầu tư mạo hiểm vào lĩnh vực FinTech ở Đông Nam Á đã tăng mạnh trong vòng 5 năm qua và chạm ngưỡng 679 triệu USD trong năm 2018. Từ đầu năm đến nay, số vốn đầu tư mạo hiểm vào FinTech ở Đông Nam Á đã đạt mức 1,14 tỷ USD.
Tất cả 10 vị trí hàng đầu trong việc thu hút vốn đầu tư vào FinTech đều ở Singapore, Việt Nam hay Indonesia. Trong khi đó, tính chung cả Thái Lan, Malaysia và Philippines chỉ chiếm chưa đầy 2% trong tổng số vốn đầu tư vào FinTech của khu vực Đông Nam Á, giảm mạnh so với con số khoảng 10% trong năm 2018, một phần do nhiều công ty muốn đầu tư vào Việt Nam và Indonesia để khai thác số người chưa có giao dịch với ngân hàng ở hai nước này.
Singapore vẫn là nước thống trị lĩnh vực FinTech trong khu vực khi hiện có tới 45% công ty FinTech của Đông Nam Á đang đặt trụ sở tại đây. Các công ty FinTech có trụ sở ở Singapore cũng hoạt động trong nhiều lĩnh vực hơn, trong đó dẫn đầu là các ngành công nghệ bảo hiểm, thanh toán và tài chính cá nhân.
Tại Việt Nam, lĩnh vực đi đầu trong thu hút vốn đầu tư mạo hiểm của các công ty FinTech là thanh toán.
Đơn cử, tại Việt Nam, VNPay, công ty cung cấp các giải pháp thanh toán điện tử của Việt Nam – đứng đầu trong lĩnh vực FinTech trong báo cáo về vốn đầu tư mạo hiểm vào FinTech ở ASEAN, với tổng số vốn trong các thỏa thuận tài trợ đã được tiết lộ là 300 triệu USD trong năm nay.
Công ty bảo hiểm Singapore Life đứng ở vị trí thứ hai với các thỏa thuận trị giá 110,3 triệu USD, trong khi ví MOMO Pay của Việt Nam đứng ở vị trí thứ ba với số tiền 100 triệu USD. Nền tảng thanh toán trực tuyến đa quốc gia Akulaku là công ty hàng đầu của Indonesia trong thu hút vốn đầu tư mạo hiểm và đang chia sẻ vị trí thứ năm cùng với công ty kế toán và tài chính Deskera của Singapore với các thỏa thuận có tổng trị giá 40 triệu USD.
Với tốc độ tăng trưởng hàng năm lên tới hai con số, thanh toán kỹ thuật số được dự đoán sẽ trở thành phương thức thanh toán được lựa chọn trong gần 50% số giao dịch trong thời gian từ nay tới năm 2025, và sẽ vượt ngưỡng 1.000 tỷ USD. Trong khi đó, các công ty FinTech đang khai thác khoảng 300 triệu người trưởng thành ở khu vực Đông Nam Á, những người không có tài khoản ngân hàng hoặc chưa tiếp cận các phương tiện đầu tư, tín dụng và bảo hiểm.
End of content
Không có tin nào tiếp theo