Việt Nam và Ấn Độ chung tay gỡ khó cho doanh nghiệp
(DNVN) - Đây là một trong những nội dung chính được phái đoàn Việt Nam và Ấn Độ trao đổi tại kỳ họp lần thứ 4 Tiểu ban Thương mại hỗn hợp Việt Nam - Ấn Độ do Bộ Công Thương tổ chức hôm 23/01.
Kiểm soát lạm phát 2019 từ 3,3% đến 3,9% / Thanh khoản thị trường chứng khoán mất hút
Theo Vụ Thị trường châu Á - châu Phi (Bộ Công Thương), hai bên đã trao đổi các biện pháp cụ thể nhằm tháo gỡ khó khăn trong hoạt động hợp tác thương mại, đầu tư, kinh doanh của các doanh nghiệp, tạo môi trường thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp hai nước hoạt động.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng đề nghị phía Ấn Độ xem xét không áp dụng biện pháp chống trợ cấp đối với các sản phẩm ống thép không gỉ và dây đồng nhập khẩu từ Việt Nam, đồng thời xem xét dừng, không gia hạn áp dụng biện pháp chống bán phá giá với các vụ việc đang trong giai đoạn áp thuế khi biện pháp này hết thời hạn áp dụng.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng phát biểu tại kỳ họp. (Ảnh: Vụ Thị trường châu Á - châu Phi)
Việt Nam cũng đề nghị Ấn Độ xem xét, có văn bản chính thức cho phép nhập khẩu trái thanh long từ Việt Nam, đẩy nhanh quy trình cấp phép nhập khẩu cho các loại trái cây tươi khác của Việt Nam (trước mắt là nhãn, bưởi, chôm chôm và sầu riêng).
Thứ trưởng Cao Quốc Hưng bày tỏ mong muốn Ấn Độ tiếp tục hỗ trợ các đoàn Việt Nam tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại tại Ấn Độ cũng như khuyến khích các doanh nghiệp Ấn Độ sang Việt Nam tìm hiểu, đầu tư tại Việt Nam trong các lĩnh vực mà Ấn Độ có thế mạnh.
Trong khi đó, phía Ấn Độ bày tỏ quan tâm tới việc cấp phép đăng ký cho các cơ sở sản xuất, chế biến thịt trâu của Ấn Độ để xuất khẩu sang Việt Nam; rà soát Hiệp định Thương mại tự do ASEAN - Ấn Độ (AIFTA); dự thảo các Thông tư về quy định đấu thầu thuốc tại các cơ sở y tế công lập và đăng ký thuốc sản xuất gia công; việc triển khai Nghị định số 116/2017/NĐ-CP ngày 17/10/2017 của Chính phủ về quy định điều kiện sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng ô tô...
Theo thống kê Hải quan Việt Nam, kim ngạch thương mại Việt Nam - Ấn Độ đạt 10,7 tỷ USD năm 2018, tăng 39% so với năm 2017, trong đó kim ngạch xuất khẩu đạt 6,5 tỷ USD, tăng 75%, kim ngạch nhập khẩu đạt 4,1 tỷ USD, tăng 5,2% so với năm 2017. Tính đến nay, Ấn Độ có 208 dự án FDI tại Việt Nam với vốn đăng ký khoảng 878 triệu USD, đứng thứ 26/129 quốc gia và vùng lãnh thổ có vốn đầu tư tại Việt Nam. |
PV
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo