Vingroup, TH Truemilk, Trường Hải "hiến kế" cho Chính phủ phát triển kinh tế tư nhân
Giá xăng tiếp tục tăng khủng gần 1.000 đồng/lít, E5 vượt mốc 20.000 đồng/lít / Yếu tố mấu chốt để Việt Nam tăng tốc trong cuộc cách mạng 4.0
Tại Diễn đàn kinh tế tư nhân đang diễn ra tại Hà Nội ngày 2/5, rất nhiều doanh nghiệp hoạt động tại Việt Nam bày tỏ kỳ vọng về chủ trương coi kinh tế tư nhân là động lực quan trọng trong quá trình phát triển của Việt Nam và vui mừng vì nhiều doanh nghiệp gặt hái được thành công bước đầu.
Tuy nhiên, để tạo ra một đất nước có nhiều tập đoàn tư nhân hùng mạnh, biến doanh nghiệp nhỏ thành doanh nghiệp lớn, các đại diện doanh nghiệp đều khẳng định chính sách của Chính phủ phải cải thiện, biết lắng nghe và hiện thực hóa từ trung ương xuống địa phương.
Bỏ thuế tiêu thụ đặc biệt với linh kiện xe hơi sản xuất tại Việt Nam
Đại diện Tập đoàn Trường Hải - Thaco bày tỏ mong muốn Chính phủ bỏ thuế với phụ tùng ô tô được sản xuất ở Việt Nam vì đây là điều giúp ngành này phát triển, tăng nội địa hóa, tối đa hóa chi phí, giá và tăng khả năng cạnh tranh.
Ông Phạm Văn Tài, Tổng Giám đốc Tập đoàn Trường Hải (THACO) nói: Hiện xe du lịch sản xuất trong nước đang phải cạnh tranh rất gay gắt và không cân xứng với các nước Thái Lan, Indonesia có thị trường ô tô nội địa lớn hơn Việt Nam nhiều lần (1,5 triệu xe mỗi năm còn Việt Nam mới đạt 300.000) và có lịch sử phát triển từ rất lâu (trên 50 năm).
"Chúng tôi kiến nghị Chính phủ sớm trình Quốc hội trong năm nay về chính sách không tính thuế tiêu thụ đặc biệt đối với linh kiện phụ tùng sản xuất trong nước nhằm phát triển công nghiệp hỗ trợ và giảm giá thành", ông Tài nói.
Hỗ trợ, ưu đãi tư nhân đầu tư công nghệ, ứng dụng công nghệ
Đại diện một tập đoàn đa ngành có quy mô lớn nhất tại Việt Nam là Vingroup muốn Chính phủ hỗ trợ khu tư nhân đầu tư nghiên cứu công nghệ cao
Ông Võ Quang Huệ, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Vingroup, phụ trách VinFast đề nghị Chính phủ cần có những chính sách khuyến khích, hỗ trợ kinh tế tư nhân đầu tư vào các lĩnh vực ứng dụng công nghệ cao và các hoạt động nghiên cứu và phát triển, ứng dụng, chuyển giao công nghệ tiên tiến.
Ông này đề xuất Chính phủ có những chính sách để thúc đẩy công nghiệp phụ trợ phát triển, bởi lĩnh vực này đóng vai trò bổ trợ rất lớn cho ngành công nghiệp ô tô phát triển và sẽ tạo ra nhiều việc làm cho xã hội.
Lập một loạt chuỗi chuyên sâu về nông sản để xuất khẩu
Bà Thái Hương, Chủ tịch Tập đoàn TH True Milk đưa ra loạt kiến nghị để chấn hưng lĩnh vực nông nghiệp. Trong đó, bà đề xuất Đảng, Quốc hội, Chính phủ coi mục tiêu "Tạo lập các chuỗi nông - lâm - thủy sản có giá trị thương phẩm cao, đáp ứng yêu cầu của các thị trường trọng điểm" là một trong các mục tiêu trọng tâm tới 2025 để tạo sự bứt phá.
Bà đề xuất tập trung thực hiện thành công dự án thí điểm hình thành, phát triển một số chuỗi nông - thủy sản có thương phẩm giá trị cao, đáp ứng yêu cầu của các thị trường "mục tiêu", như chuỗi sản phẩm sữa tươi xuất khẩu sang Trung Quốc, chuỗi tôm xuất khẩu sang Mỹ, Canada, EU, chuỗi rau - củ - quả có chế biến sâu để dần làm chủ các thị trường trọng tâm.
Để thực hiện điều này cần có những kiến nghị cụ thể, như tiến hành phân tích lại các thị trường mục tiêu, trọng tâm cho từng lĩnh vực, nhóm sản phẩm nông nghiệp và tổ chức lại sản xuất, hình thành các chuỗi giá trị có mục tiêu chinh phục các thị trường này.
Từ đó, Việt Nam cần triển khai ngay việc số hóa và hình thành cơ sở dữ liệu quốc gia ngành nông nghiệp trong năm 2019.
Bà Hương cũng đề xuất nhận diện rõ nét nhóm các doanh nghiệp "đầu tàu" trong ngành nông nghiệp, từ đó xây dựng các cơ chế, chính sách nhằm tạo động lực và phát triển nhóm này để dẫn dắt.
Doanh nghiệp Nhật "than" thủ tục hành chính vẫn rườm rà
Ngoài các doanh nghiệp tư nhân trong nước, đại diện nhiều doanh nghiệp nước ngoài cũng nêu quan điểm, đề xuất với Chính phủ về khu vực tư nhân và chính sách phát triển.
Ông Nobufumi Miura, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản cho rằng: Xét trên quan điểm bảo vệ nhà đầu tư, khi thực thi quy định pháp luật và chính sách mới, chúng tôi mong Chính phủ Việt Nam sẽ có đầy đủ giải pháp trong giai đoạn chuyển đổi để không làm tổn hại đến lợi ích của doanh nghiệp.
Vị đại diện doanh nghiệp Nhật Bản cho rằng, thủ tục hành chính của Việt Nam còn rườm rà, khó có thể dự kiến được lịch làm việc. Đây là yếu tố cản trở hoạt động đầu tư liên tục của doanh nghiệp.
"Chúng tôi vẫn mong chính phủ Việt Nam đẩy nhanh tốc độ ra quyết định thông qua việc phân cấp quyền hạn và làm rõ trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền", ông Nobufumi Miura nói.
Doanh nghiệp Hàn sợ chính sách thay đổi chóng vánh
Ông Hong Sun, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (KORCHAM) cho biết, bây giờ là thời điểm thích hợp để Chính phủ Việt Nam đưa ra các ưu đãi mới và táo bạo về chính sách, mang lại sức sống cho các ngành công nghiệp mới đầy triển vọng trong tương lai như xe điện và năng lượng mặt trời.
Nhiều công ty Hàn Quốc đã bày tỏ mối quan ngại sâu sắc liên quan đến sự không nhất quán trong ưu đãi thuế.
Chẳng hạn, việc giảm 50% thuế thu nhập cá nhân cho công nhân tại các khu kinh tế (bao gồm Khu công nghiệp Tràng Duệ ở Hải Phòng) nhưng đã bất ngờ bị chấm dứt bởi một Nghị định mới được thông qua năm 2018.
Doanh nghiệp Mỹ "than" kiểm định ô tô theo lô và thủ tục hải quan
Theo bà Virginia Footer - Phó Chủ tịch Phòng thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam (Amcham): Nhà đầu tư nước ngoài và trong nước cần một sân chơi bình đẳng, không chỉ để thu hút thêm đầu tư trong tương lai, mà còn để duy trì sự đầu tư đã có ở đây.
Đại diện Amcham cho rằng, kiểm định ô tô theo lô, bảo hiểm xã hội bắt buộc với lao động nước ngoài, pháp lý trong thiết bị y tế và quy trình thủ tục hải quan.
End of content
Không có tin nào tiếp theo