Marcom

Vượt 'bão' COVID-19, nông sản đắt hàng trên sàn online

Trước ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhiều mặt hàng nông sản của Việt Nam đã tìm cách bán trên các sàn thương mại điện tử, nhận được sự đón nhận tích cực từ phía người tiêu dùng. Tuy nhiên, để kênh online trở thành kênh phân phối chủ lực của nông sản Việt thì chắc chắn vẫn còn nhiều việc phải làm.

Thương mại điện tử - sợi dây cứu sinh thời Covid cho các nhà bán lẻ / Thị trường thương mại điện tử sẽ phát triển mạnh mẽ hơn trong thời gian tới

Bắt đầu từ năm 2020, sau khi tham gia sàn thương mại điện tử (TMĐT), sản phẩm của HTX sản xuất chè an toàn Long Cốc (Long Cốc, Tân Sơn, Phú Thọ) được nhiều người biết đến hơn, nhờ đó thị trường tiêu thụ cũng được mở rộng, HTX có điều kiện phát triển sản xuất, kinh doanh.

'Đắt hàng như tôm tươi'

Ông Hà Văn Chinh, Phó Giám đốc HTX sản xuất chè an toàn Long Cốc cho biết, sản phẩm của HTX được sản xuất, chế biến theo quy trình nghiêm ngặt, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất như dùng công nghệ bom gas để sao chè giúp giữ cho lửa đều, chè không cháy hay ám khói..., nên chè thành phẩm sau chế biến có vị thơm, nước xanh, đượm vị, được nhiều người dùng ưa chuộng.

Vai-Thanh-Ha-ban-tren-san-onli-5789-4976

Vải Thanh Hà được bán với giá rất cao trên sàn online.

Đáng chú ý, ông Chinh chia sẻ, khi tham gia sàn TMĐT đặt ra yêu cầu đối với HTX là phải nâng cao chất lượng sản phẩm, năng động, nhanh nhạy với thị trường và am hiểu công nghệ thông tin: "Việc bán hàng qua sàn TMĐT giúp HTX tiếp cận với các đối tượng khách hàng ở khắp trong và ngoài tỉnh, đồng thời mở thêm các đại lý, tạo kênh phân phối tiếp theo... Nhờ đó, sản lượng chè bán ra của HTX tăng cao".

Thời gian vừa qua, dịch COVID-19 ảnh hưởng tiêu cực tới đầu ra của nhiều mặt hàng nông sản, nhưng "cái khó ló cái khôn", nhiều mặt hàng nông sản Việt đã được đẩy mạnh phân phối trên kênh online, hiệu quả thu về rõ rệt. Theo Cục TMĐT và Kinh tế số (Bộ Công Thương), một lượng lớn hành tím – đặc sản của thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng đã ở trong tình trạng tồn đọng do thị trường khó khăn, nếu không tiêu thụ kịp thời sẽ có những thiệt hại về kinh tế cho các hộ sản xuất, kinh doanh.

Sản phẩm hành tím Vĩnh Châu là một trong những sản phẩm nông sản chủ lực của tỉnh Sóc Trăng và là sản phẩm OCOP đạt hạng 3 sao. Nhờ TMĐT, tình trạng ồn ứ hành tím Vĩnh Châu đã dần được giải quyết. Thông tin từ Cục TMĐT và Kinh tế số cho thấy, chỉ sau gần 10 ngày (bắt đầu từ ngày 5/5/2021)chạy Chương trình hỗ trợ tiêu thụ hành tím Vĩnh Châu do Cục phối hợp với sàn TMĐT Voso.vn (Vỏ sò), Tổng công ty Bưu chính Viettel (Viettel Post), đã hỗ trợ tiêu thụ được gần 30 tấn hành tím Vĩnh Châu thông qua TMĐT và chương trình “Gian hàng Việt trực tuyến”.

Theo báo cáo từ sàn TMĐT Voso.vn, lượng đơn hàng vẫn tăng lên hàng ngày, trung bình tiêu thụ từ 3 - 5 tấn/ngày. Hiện tại, chương trình vẫn đang được sàn TMĐT Voso.vn phân phối với mức giá ưu đãi cho người mua và hỗ trợ phí vận chuyển. Ước tính sau khi kết thúc chương trình vào cuối tháng 5/2021 sẽ có khả năng hỗ trợ tiêu thụ khoảng 150 tấn hành tím cho bà con Vĩnh Châu.

"Có thể thấy rằng, “giải cứu” nông sản nói chung hay trên các sàn TMĐT đã không còn là câu chuyện mới, tuy nhiên đây chỉ là giải pháp tạm thời trong bối cảnh dịch bệnh hay những tình huống biến động khó lường. Cùng với kênh phân phối truyền thống đang đóng vai trò vô cùng quan trọng, TMĐT cũng đang từng bước trở thành một kênh phân phối mới, hiện đại và hiệu quả giúp bà con nông dân, HTX hay doanh nghiệp nông nghiệp Việt hướng tới sử dụng công nghệ, từng bước chuyển đổi số và ứng dụng TMĐT trong sản xuất kinh doanh", đại diện Cục TMĐT và Kinh tế số đánh giá.

 

Cần chuyên gia hỗ trợ công nghệ

Tương tự, từ ngày 14/5/2021, vải thiều Thanh Hà của Hải Dương chính thức lên sàn TMĐT Lazada. Ông James Dong, Tổng Giám đốc Lazada Việt Nam cho biết: Lazada dự kiến sẽ phân phối vải thiều Thanh Hà với hình thức giao hàng nhanh trong 4 giờ đến tận tay người tiêu dùng tại Hà Nội và TP.HCM để đảm bảo tối đa sự tươi ngon và hương vị đặc trưng của loại đặc sản này.

"Sau vải Thanh Hà, chúng tôi sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ với Cục Xúc tiến thương mại, cùng các đối tác và địa phương khác để đưa thêm nhiều đặc sản Việt Nam lên nền tảng TMĐTLazada. Qua đó, đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng và mở thêm một kênh kinh doanh hiệu quả cho các doanh nghiệp (DN), nhà bán hàng Việt”, ông James Dong thông tin.

Chia sẻ với VnBusiness, ông Lý Chòi Nhàn, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Hoàng Su Phì (Hà Giang) cho biết, trước ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhiều sản phẩm đặc sản của Hà Giang đã được đẩy mạnh phân phối trên kênh online. Theo báo cáo từ các HTX và DN, sản lượng tiêu thụ online chiếm từ 20-30% tổng sản lượng sản xuất ra, cho thấy hiệu quả từ kênh phân phối online.

Tuy vậy, ông Nhàn cho rằng, thời gian tới, các bộ, ngành cần có cơ chế chính sách hỗ trợ các HTX, DN về công nghệ thông tin. Hiện nay, HTX, DN đa phần yếu ở khâu công nghệ nên việc đẩy mạnh bán hàng online rất hạn chế, cần có chuyên gia tới hỗ trơ các HTX.

 

Mặt khác, nhiều ý kiến cũng kiến nghị, để sản phẩm kinh doanh hiệu quả trên kênh online thì điều đầu tiên là DN, HTX cần phải chú trọng nâng cao chất lượng, tạo dựng uy tín và khẳng định được thương hiệu của mình trên sàn online.

Theo ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, đưa sản phẩm nông sản lên sàn TMĐT là một nỗ lực lớn của các bên. Trên thực tế, Cục Xúc tiến thương mại và Cục TMĐT và Kinh tế số đã phối hợp với các sàn TMĐT kết nối với các chuỗi cung ứng, đảm bảo hệ thống hậu cần (kho bãi) đáp ứng yêu cầu kinh doanh trên TMĐT. Việc đưa nông sản lên sàn TMĐT tạo thêm một kênh phân phối bền vững cho sản phẩm tiềm năng của các địa phương. Bên cạnh đó, hoạt động này sẽ góp phần nâng cao năng lực chuyển đổi số cho các tổ chức, DN sản xuất, kinh doanh và đặc biệt khuyến khích tinh thần “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

"Nhằm hỗ trợ các DN, HTX, Cục Xúc tiến thương mại đã mở các gian hàng trong khuôn khổ Chương trình cấp quốc gia về xúc tiến thương mại nhằm hỗ trợ kỹ thuật, hướng dẫn các đơn vị lên sàn TMĐT thành công thông qua gian hàng chung này. Đặc biệt, từ những thành công trên gian hàng chung, các hoạt động hướng dẫn, đào tạo sẽ được triển khai đồng bộ, từng bước hướng dẫn DN và HTX tự vận hành gian hàng của mình hiệu quả", ông Phú cho biết.

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm