Xem xét, chưa thông qua Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi tại Kỳ họp thứ 6
Khắc phục 'thẻ vàng' IUU: Cấp bách chống khai thác hải sản bất hợp pháp / Điều chỉnh giá điện có tác động tới chính sách kích cầu tiêu dùng?
Chiều 23/11, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khoá XV, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi).
Ông Vũ Hồng Thanh cho biết, so với dự thảo luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5, nhiều nội dung đã được các cơ quan nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý tại dự thảo luật. Dự thảo Luật sau khi được tiếp thu, chỉnh lý gồm 15 chương và 203 điều (tăng 02 chương và 8 điều, trong đó sửa đổi, chỉnh lý 158 điều so với dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5).
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi)
Việc rà soát, hoàn thiện được tiến hành một cách cẩn trọng, kỹ lưỡng, bám sát các đường lối, chủ trương nêu tại Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội.
Trong đó nhất là nhiệm vụ tiếp tục hoàn thiện khung pháp luật về xử lý nợ xấu, chấm dứt tình trạng sở hữu chéo; đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, đặc biệt là công nghệ số trong lĩnh vực ngân hàng và phát triển những sản phẩm, dịch vụ ngân hàng hiện đại.
Tiếp tục tăng cường năng lực tài chính, quản trị và chất lượng tín dụng của các tổ chức tín dụng, quỹ tín dụng nhân dân bảo đảm hoạt động an toàn, hiệu quả, ổn định và bền vững. Đồng thời, tạo chuyển biến trong quản trị của tổ chức tín dụng, gia tăng sức chống chịu của các tổ chức tín dụng trước những cú sốc từ bên ngoài.
Các giải pháp được xem xét trên cơ sở nâng cao tính tự chịu trách nhiệm của tổ chức tín dụng, bảo đảm phù hợp với nguyên tắc thị trường, phù hợp với thông lệ quốc tế, bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật và tính khả thi của các quy định.
Về một số nội dung chính tiếp thu, chỉnh lý, bổ sung 1 chương về ngân hàng chính sách với 11 điều. Đồng thời, để tạo cơ sở pháp lý rõ ràng, điều kiện thuận lợi cho hoạt động và quá trình phát triển của các ngân hàng chính sách, đề nghị Chính phủ nghiên cứu xây dựng luật riêng về ngân hàng chính sách.
Trên cơ sở đề xuất của Chính phủ, đã chỉnh lý quy định liên quan đến hạn chế thao túng, chi phối tổ chức tín dụng, trong đó điều chỉnh quy định về người có liên quan phù hợp với loại hình quỹ tín dụng nhân dân; điều chỉnh tỷ lệ sở hữu cổ phần với cổ đông cá nhân là 5% (thay vì 3% như dự thảo luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5).
Đồng thời quy định lộ trình giảm dần giới hạn cấp tín dụng xuống 10% vốn tự có đối với một khách hàng và 15% vốn tự có đối với khách hàng và người có liên quan trong 5 năm nhằm giảm thiểu tác động.
Bổ sung, hoàn thiện nhiều nội dung liên quan đến tài chính, hạch toán, báo cáo của tổ chức tín dụng như: Khái niệm về vốn điều lệ; Phân phối lợi nhuận và các quỹ…
Đối với dự phòng rủi ro, tiếp thu ý kiến ĐBQH chỉnh lý thành "Việc phân loại tài sản có, mức trích lập dự phòng rủi ro, phương pháp trích lập dự phòng rủi ro và việc sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro trong hoạt động do Chính phủ quy định", thay vì Thống đốc Ngân hàng Nhà nươcs quy định như dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5.
Theo Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thấy rằng đây là dự án Luật rất khó, phức tạp, có tính chất nhạy cảm, liên quan đến an ninh tài chính quốc gia, an ninh an toàn của hệ thống các tổ chức tín dụng, ảnh hưởng sâu rộng đến hoạt động kinh tế - xã hội.
Với vai trò rất quan trọng của Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) đối với nền tài chính quốc gia, chất lượng của dự án luật là vấn đề phải được đặt lên hàng đầu.
Do đó, đòi hỏi phải nghiên cứu kỹ lưỡng, thận trọng trên cơ sở khoa học và thực tiễn để tránh trường hợp luật sau khi ban hành nếu có bất cập sẽ gây nhiều tác động, nhất là đối với an ninh, an toàn hệ thống ngân hàng và hoạt động kinh tế - xã hội.
Vì vậy, việc Quốc hội xem xét, chưa thông qua dự thảo luật tại Kỳ họp thứ 6 mà sẽ xem xét, thông qua tại kỳ họp sau là hết sức cần thiết để các cơ quan có đủ thời gian nghiên cứu rà soát, kỹ lưỡng, thận trọng dự thảo luật.
Sau kỳ họp thứ 6, trên cơ sở ý kiến của các ĐBQH, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tiếp tục chỉ đạo cơ quan chủ trì thẩm tra, cơ quan chủ trì soạn thảo và các cơ quan hữu quan rà soát, hoàn thiện dự thảo Luật.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Chứng khoán Sen Vàng GLS bị phạt gần 400 triệu đồng
AEON mở cửa xuyên Tết Ất Tỵ
Giá vàng thế giới đạt đỉnh cao nhất trong hơn hai tháng
Giá ngoại tệ ngày 22/1/2025: USD lao dốc ngược chiều giá vàng
Giá heo hơi ngày 22/1/2025: Không biến động trên toàn quốc
Tết ông Công ông Táo: Hàng hóa phong phú, giá không tăng