Xoay trục xuất khẩu nông sản Nam - Bắc, tại sao không?
Định hướng phát triển nông nghiệp của vùng đồng bằng sông Hồng sẽ chủ yếu dựa trên các giải pháp: Tạo được tập đoàn giống cây trồng, vật nuôi tốt; Hình thành được những khu vực sản xuất hàng hóa đủ điều kiện xuất khẩu và phát triển công nghiệp phụ trợ, chế biến; Dành khoảng 300.000ha để cấy giống lúa đặc sản; Xây dựng các vùng ngô, rau, thực phẩm, cây ăn quả, cây công nghiệp chất lượng cao…
Riêng ở Hà Nội thực tế đã có những vùng lúa Japonica, lúa chất lượng cao theo hướng an toàn và hữu cơ, các loại quả đặc sản như bưởi Diễn, cam Canh, nhãn muộn cùng rau củ, rau gia vị. Tuy nhiên cơ sở hạ tầng như nhà máy sơ chế, đóng gói, tập kết kho tổng còn quá nhỏ lẻ đã là hòn đá tảng chặn đường xuất đi của nông sản vùng này.
Để xuất sang các thị trường khó tính như Mỹ, Úc… nông sản Việt phải đáp ứng được các yêu cầu chặt chẽ về truy xuất nguồn gốc, quản lý chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm. Cụ thể gồm code vùng nuôi trồng, code nhà máy sơ chế đóng gói, chiếu xạ nhằm loại bỏ ký sinh trùng, chứng chỉ kiểm dịch FDA của Mỹ đặt tại Việt Nam và chứng nhận của Cục Bảo vệ thực vật.
Hiện chỉ có 3 công ty hoạt động trong lĩnh vực chiếu xạ thực phẩm và đều ở phía Nam là Công ty TNHH Thái Sơn chuyên thủy sản, Công ty CP Sơn Sơn chuyên trái cây và Công ty CP An Phú cả thủy sản lẫn trái cây trong đó An Phú chiếm thị phần khoảng 70%. Riêng hoạt động chiếu xạ trái cây, Sơn Sơn và An Phú là hai doanh nghiệp duy nhất được Mỹ cấp code chiếu xạ với mức phí duy trì hàng năm vào khoảng 35.000 USD.
Bởi thế mà nghe tin Công ty cổ phần Thương mại và Xuất khẩu Green Path Việt Nam có ý mở sàn giao dịch nông sản quốc tế tại Hà Nội, tôi đã tìm gặp để hỏi chi tiết.
Tại sao Hà Nội
Tại sao Green Path lại có định hướng đầu tư mở sàn giao dịch nông sản quốc tế ngay ở Hà Nội?
Sàn giao dịch hàng hóa không phải là chủ đề mới đối với thế giới và ngay cả đối với Việt Nam. Trên thực tế, chúng ta đã có vài loại sàn giao dịch hàng hóa được cấp phép và hoạt động nhưng vì một số lý do mà chưa thành công.
Sàn giao dịch hàng hóa, cần sự quan tâm đầu tư sâu rộng của các cấp chính quyền và các ngành vì thực chất đây là vấn đề kinh tế vĩ mô có ảnh hưởng lớn và trực tiếp đến các ngành kinh tế quốc gia, từ sản xuất đến thương mại dịch vụ đến tài chính ngân hàng…
Xuất phát từ tiến trình hội nhập kinh tế thế giới, xây dựng thương hiệu quốc gia, việc thành lập một thị trường giao dịch hàng hóa – nông sản (hay còn gọi là sàn giao dịch hàng hóa) kết nối với quốc tế là một nhu cầu cần thiết và cấp bách.
Được sự ủng hộ của lãnh đạo các cơ quan trung ương và địa phương nhất, là từ Bộ Nông nghiệp và PTNT và UBND TP Hà nội, Công ty Green Path đã xây dựng đề án thành lập một khu phức hợp bao gồm các đơn vị đáp ứng cho nhiệm vụ phát triển xuất khẩu nông sản Việt Nam nói chung, miền Bắc nói riêng trong đó có sàn giao dịch quốc tế.
Còn về việc đặt trụ sở tại Hà Nội là vì ở đây hội đủ các điều kiện về địa chính trị và hạ tầng kinh tế để đặt sàn giao dịch hàng hóa; vì nhu cầu phát triển kinh tế nông nghiệp và nông thôn mới của miền Bắc nói chung và Hà Nội nói riêng; vì sự quan tâm hỗ trợ của các đồng chí lãnh đạo Thủ đô và các sở ban ngành; và còn lý do nữa, chúng tôi là doanh nghiệp của Hà Nội.
Cụ thể, các hoạt động trên đã triển khai tới đâu rồi?
Cty Green Path trong thời gian qua đã nghiên cứu, đánh giá cùng các chuyên gia kinh tế trong và ngoài nước thiết lập một dự án đầu tư xây dựng khu phức hợp gồm có: Trung tâm kiểm định, cung cấp dịch vụ cho hàng hóa nông sản xuất khẩu cho toàn bộ khu vực phía Bắc bao gồm những hoạt động cụ thể để xây dựng bộ tiêu chuẩn hóa và đồng bộ bảo hộ chất lượng hàng hóa nông sản xuất khẩu cho khu vực phía Bắc và cho cả Việt Nam.
Bên cạnh đó còn có các đề án phục vụ trục tiếphỗ trợ xuất khẩu bao gồm: sơ chế đóng gói, kho bảo quản, khu trưng bày sản phẩm, dịch vụ logistic…
Tổng diện tích của đề án dự kiến khoảng 10 ha với 3 phân khu chức năng: Khu trung tâm gồm trung tâm kiểm định chất lượng, chiếu xạ xông hơi nước nóng, kiểm dịch quốc tế và văn phòng; Khu thương mại gồm hệ thống khu triển lãm tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, siêu thị bán buôn, nhà kho ký gửi tập kết hàng hóa. Hệ thống dây chuyền, nhà đóng gói và công nghệ bảo quản; Khu dịch vụ gồm các nhà lưu trú, khách sạn, nhà hàng, dịch vụ vận tải…
Bước đầu trong 2 năm vừa qua, công ty đã thực hiện xuất khẩu được một số nông sản đi đến được các thị trường. Như năm 2018 xuất hơn 20 tấn nhãn của Hà Nội và Sơn La sang Hoa Kỳ, hơn 18 tấn thanh long ruột đỏ của Sơn La sang Dubai, hơn 2 tấn vải hữu cơ của Hải Dương sang Singapore.
Năm 2019, xuất khẩu lô xoài đầu tiên của Sơn La sang Hoa Kỳ và ngày 9/9 vừa qua xuất khẩu lô nhãn đầu tiên của Hà Nội sang Úc ngay khi có nghị định thư chính thức giữa Việt Nam và Úc…
Tại HTX Đồng Phú của Hà Nội vụ xuân vừa qua chúng tôi đã sản xuất thành công 10 tấn gạo hữu cơ để chào hàng sang thị trường Úc, Mỹ, Nhật và Hàn Quốc…Đơn vị cũng tiếp tục mở rộng đầu tư tại đây 25 ha tương ứng với 100 tấn thóc dự kiến chính thức xuất khẩu, mở ra một cơ hội mới cho việc chuyên nghiệp hóa sản phẩm lúa gạo.
Những khó khăn và luật chơi quốc tế
Tiến độ thực hiện đề án này hiện đến đâu rồi thưa chị?
Hiện nay, chúng tôi đã gửi đề án đến các cấp có thẩm quyền, lãnh đạo các ban ngành cũng đang đồng hành chỉ đạo để sớm triển khai thực hiện. Tuy nhiên Hà Nội đang gặp khó khăn về quỹ đất thực hiện dự án.
Các tiêu chí ưu tiên trong việc xác định vị trí dự án: thuận tiện trong giao thông, tiếp giáp với các địa phương khác, gần với cảng hàng không hoặc cảng biển, tạo ra lợi thế kết nối và liên kết vùng…Chúng tôi hy vọng sẽ sớm có hỗ trợ từ các ngành các cấp để dự án sớm được triển khai.
Vốn của nó được huy động từ những nguồn nào?
Nguồn vốn trước hết là của doanh nghiệp, kế đến huy động từ các tổ chức tín dụng, đồng thời sẽ liên kết và hợp tác đầu tư với các nhà đầu tư trong và ngoài nước có cùng mục tiêu và định hướng cũng như kinh nghiệm.
Sàn giao dịch phải chạy trên “phần cứng” và “phần mềm” của nền tảng sàn quốc tế. Ví dụ nếu tham gia hợp tác đấu nối với sàn giao dịch quốc tế Chicago của Mỹ thì phải có sự vào cuộc đồng ý cho phép giữa 2 Chính Phủ Việt Nam - Hoa Kỳ. Đối với các hoạt động thương mại thông qua cửa khẩu là hải quan và Bộ Công thương quản lý nhưng đây là thông thương giao dịch trên online nên phải có chế tài và cơ quan quản lý cụ thể.
Quan trọng nhất là các đối tác nước ngoài đã nhìn ra tiềm năng và cơ hội củamiền Bắc nói riêng và Việt Nam nói chung để tham gia đầu tư phát triển tại Hà Nội và hợp tác cùng với Green Path. Chúng tôi là doanh nghiệp trẻ nhưng có uy tín trên thị trường quốc tế, quan trọng hơn là có khát khao đóng góp cho việc xây dựng, phát triển bền vững nền sản xuất và xuất khẩu nông sản của Việt Nam.
Giữa chợ đầu mối truyền thống và sàn giao dịch nông sản quốc tế khác nhau ở những điểm gì?
Chợ đầu mối truyền thống và kể cả chợ thương mại điện tử đơn thuần chỉ là quan hệ: tiền - hàng. Giao dịch được quyết định chủ yếu giữa hai bên mua - bán và việc mua bán cũng chỉ có ảnh hưởng đối với hai bên mua - bán.
Sàn giao dịch hàng hóa như đã nói ở trên đây là vấn đề kinh tế vĩ mô.Sàn giao dịch không chỉ có hai bên mua bán và các đơn vị dịch vụ phục vụ cho việc mua bán mà còn các nhà đầu tư, môi giới, bảo hiểm, ngân hàng… tham gia cùng. Nó có các qui định rất cụ thể và áp dụng chung trên toàn thế giới.
Chợ dù có quy mô đến đâu thì cũng chỉ có người mua bán và chủ chợ được hưởng lợi trong khi đó quy mô của sàn giao dịch hàng hóa càng lớn thì lợi ích của các ngành sản xuất và hệ thống tài chính quốc gia càng nhiều.
Theo Dương Đình Tùng/Nông nghiệp Việt Nam
loading...
End of content
Không có tin nào tiếp theo