Xuất khẩu - điểm sáng của TPHCM trong năm kinh tế biến động vì Covid-19
Chờ đợi 'sức bật' mới của xuất khẩu nông sản hữu cơ / Giá gạo xuất khẩu Việt Nam cao nhất 9 năm do khan hiếm container
Điểm sáng của TPHCM năm 2020 là xuất khẩu ở Khu Công nghệ cao tăng trưởng cao. Nơi đây, tổng giá trị xuất khẩu năm nay ước đạt hơn 19 tỷ USD, tăng 20% so với năm trước, chiếm gần một nửa kim ngạch xuất khẩu của thành phố. Trong đó, các doanh nghiệp có giá trị xuất khẩu tăng cao là: SamSung, Intel, Jabil… ước tăng từ 20-30%.
Dù dịch bệnh Covid-19, ảnh hưởng đến thị trường xuất khẩu, nhưng việc giãn cách xã hội, buộc nhiều cơ quan, đơn vị phải làm việc trực tuyến và sinh hoạt tại nhà nên nhu cầu sử dụng máy tính, thiết bị điện, điện tử vẫn gia tăng. Chính vì vậy, đơn hàng của nhiều doanh nghiệp xuất khẩu các mặt hàng này tăng cao, nhất là thị trường Mỹ, Châu Âu và một số thị trường khác.
Tuy nhiên, một số doanh nghiệp cũng gặp khó về nguồn nguyên liệu sản xuất, vì những lúc cao điểm dịch bệnh, nguồn cung nguyên liệu cũng bị ảnh hưởng, nhất là nguồn cung từ Trung Quốc. Trước khó khăn, các công ty đa quốc gia này đã linh hoạt chuyển sang nhập khẩu nguyên liệu từ nơi khác như: Thái Lan, Malaysia và Châu Mỹ…
Theo bà Lê Bích Loan, Phó trưởng Ban quản lý Khu Công nghệ Cao TPHCM, trong khó khăn một số doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) cũng chuyển sang sử dụng nguyên liệu trong nước để có nguồn cung ổn định. Chính điều này tạo ra cơ hội cho doanh nghiệp trong nước tham gia vào chuỗi cung ứng cho các doanh nghiệp FDI. Hiện nay, các doanh nghiệp FDI đã sử dụng khoảng 30% nguồn nguyên liệu trong nước để thay thế cho nguồn nhập khẩu. Trong khi trước đây, các doanh nghiệp FDI nhập nguyên liệu nước ngoài đến 90%.
“Khi có thêm hợp đồng thì việc làm sao để đáp ứng đơn hàng tăng cao thì doanh nghiệp phải cải tiến kỹ thuật, đổi mới công nghệ để nâng cao năng suất lao động của doanh nghiệp trong Khu Công nghệ cao. Doanh nghiệp không phải tuyển thêm lao động trong mùa dịch. Yếu tố cải tiến, đổi mới công nghệ họ cập nhập thường xuyên, quy trình sản xuất cũng được thiết kế lại, giảm lao động và đưa robot vào thay thế ở 1 số công đoạn" - bà Lê Bích Loan nói.
Trong khó khăn vì Covid-19, mặt hàng nông sản xuất khẩu vẫn tăng gần 39%, đạt 740 triệu USD. TPHCM kỳ vọng trong thời gian tới, nông sản xuất khẩu sẽ là ngành mang lại tỷ USD. Xuất khẩu nông sản mang lại nhiều giá trị, vì tỷ trọng nguyên liệu trong nước chiếm phần lớn, doanh nghiệp không phải bỏ ngoại tệ nhập nguyên liệu. Điều quan trọng là trong những lúc kinh tế khó khăn, các sản phẩm nông nghiệp luôn là trụ đỡ cho nền kinh tế nước ta. Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu rau quả của thành phố vươn ra biển lớn.
Ông Nguyễn Đình Tùng, Giám đốc Điều hành Công ty Vina T&T Group (trụ sở tại quận Phú Nhuận) cho biết, năm nay, doanh nghiệp xuất khẩu ước đạt 51 triệu USD trái cây sang thị trường như: Mỹ, Canada, Anh, Úc và Châu Âu, tăng hơn 3% so với cùng kỳ năm trước. Với đà thuận lợi này, công ty đang xây dựng thêm 2 nhà máy đóng gói trái cây tươi ở tỉnh Bến Tre và Tiền Giang để mở rộng xuất khẩu.
Cũng theo ông Nguyễn Đình Tùng, để ổn định và mở rộng thị trường xuất khẩu trong giai đoạn khó khăn này, doanh nghiệp đã xây dựng được nền tảng tốt về vùng nguyên liệu trái cây. Trước khi lô hàng của T&T xuất vào được thị trường châu Âu thì trái cây xuất khẩu của họ đã được Mỹ cấp mã số vùng trồng và đạt các tiêu chuẩn như: Global Gap, HACCAP…:
“Nhu cầu của người ta có thì lúc nào mình cũng có hàng, mình không bị ngắt hàng. Muốn có hàng hóa chất lượng, nguồn hàng đều đặn thì sau lưng mình phải có bộ máy nông dân giỏi, trồng luân phiên lúc nào cũng có hàng, bộ phận logicstics, nhà máy, bộ máy xuất nhập khẩu... tất cả đều phải hoạt động trơn tru vì nó là trái cây tươi" - ông Nguyễn Đình Tùng nói.
Bên cạnh sự linh hoạt thích ứng nhanh với thị trường của doanh nghiệp thì sự hỗ trợ của cơ quan chức năng cũng tạo thuận lợi cho doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu. Ông Lê Huỳnh Minh Tú, Phó Giám đốc Sở Công thương TPHCM cho biết: Sở đã tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp xúc tiến thương mại trực tuyến và tập huấn, hướng dẫn doanh nghiệp thực thi có hiệu quả các hiệp định thương mại tự do (FTA). Thời gian tới, thành phố tăng cường tổ chức chương trình đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao về cung cấp dịch vụ hỗ trợ xuất khẩu; chương trình đào tạo, phát triển nguồn nhân lực cho sản phẩm phần mềm, nội dung số; chương trình hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam kết nối chuỗi cung ứng của doanh nghiệp Khu Công nghệ cao.
“Hiện nay, chúng tôi cùng với các đơn vị tổ chức hội nghị kết nối trực tuyến để cho các doanh nghiệp tìm thị trường xuất khẩu, tìm nguyên liệu để nhập khẩu và sản xuất xuất khẩu, việc đàm phán chủ yếu thông qua trực tuyến" - ông Lê Huỳnh Minh Tú cho biết.
Năm 2020 là một năm đầy biến động với nền kinh tế của TPHCM nhưng với điểm sáng trong xuất khẩu thì đây sẽ là nền tảng để doanh nghiệp vững vàng có những chiến lược phù hợp trong sản xuất kinh doanh để tiếp tục phát huy những thế mạnh kinh tế của TPHCM trong năm 2021.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá vàng ngày 3/1/2025: SJC cùng vàng nhẫn tăng vọt
PMI ngành sản xuất sụt giảm tháng cuối năm 2024
Giá ngoại tệ ngày 3/1/2025: USD đạt mức cao mới, Index vượt ngưỡng 109
Giá nông sản ngày 3/1/2025: Cà phê và hồ tiêu tiếp tục giữ mức cao
Giá heo hơi ngày 3/1/2025: Ổn định trên cả nước
Đà Nẵng: Tổ chức 14 điểm bán hàng bình ổn giá dịp Tết Ất Tỵ 2025