Thị trường

Có dễ gia tăng kim ngạch xuất khẩu thủy sản?

Ngành thủy sản Việt đặt mục tiêu đạt kim ngạch xuất khẩu 12 tỷ USD/năm trong 5 năm tới. Ngoài cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do mang lại, ngành thủy sản đang cần những giải pháp căn cơ để đạt được mục tiêu này trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn là một thách thức lớn.

Chờ đợi 'sức bật' mới của xuất khẩu nông sản hữu cơ / Đề xuất 3 ngành thực hiện thí điểm chính sách riêng biệt đối với DNNN

Trong năm 2020, sản lượng thủy sản xuất khẩu (XK) của Việt Nam có thể đạt 8,5 triệu tấn, trong đó từ khai thác là 3,9 triệu tấn, nuôi trồng 4,6 triệu tấn; kim ngạch XK cả năm 2020 dự kiến sẽ tương đương hoặc có thể vượt năm 2019 với giá trị đạt 8,58 tỷ USD. Đây được cho là nỗ lực lớn của ngành thuỷ sản bất chấp ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Mục tiêu 12 tỷ USD trong 5 năm tới

Tại Đại hội toàn thể hội viên Hiệp hội Chế biến và XK thủy sản Việt Nam (Vasep) lần VI tổ chức ở TP.HCM ngày 22/12, Vasep cho biết mục tiêu trong 5 năm tới của ngành thủy sản là đạt kim ngạch XK khoảng 12 tỷ USD.

HINH-4927-1608631424.jpg

Các DN thủysản cần nâng cao năng lực chế biến cho mục tiêu gia tăng kim ngạch XK trong 5 năm tới

Cụ thể, với ngành tôm, mục tiêu đến năm 2025 sẽ có 1 triệu tấn được XK, riêng với năm 2021 đạt mức tăng trưởng kim ngạch 15%.

Để làm được điều này, ngành tôm cần giảm giá thành từ nguyên liệu đến thành phẩm, nâng sức cạnh tranh, truy xuất nguồn gốc sản phẩm có trách nhiệm, hài hòa hóa các chứng nhận quốc tế và gia tăng chế biến sâu các sản phẩm.

Câu hỏi cũng được nêu ra là XK tôm của Việt Nam trong 5 năm tới liệu có thể vượt qua được Ấn Độ hay không? Đại diện của Vasep cho biết, năm 2019, Ấn Độ sản xuất 805.000 tấn tôm và kim ngạch XK đạt hơn 5 tỷ USD.

Trong khi đó, Việt Nam đã sản xuất được 790.000 tấn tôm với đạt kim ngạch XK chưa tới 4 tỷ USD/năm. Cho nên, khả năng để tôm Việt vượt qua tôm Ấn Độ trong XK không phải là vấn đề đơn giản.

Còn với ngành cá tra, mục tiêu đặt ra cho kim ngạch XK trong 5 năm tới là 2,5 - 3 tỷ USD - được cho là khá tham vọng, cần có những giải pháp mang tính hiệu quả hơn.

 

Điều này đòi hỏi ngành cá tra phải có năng lực vượt rào cản thị trường, cũng như xây dựng và phát triển hình ảnh cá tra Việt ra thị trường thế giới. Đặc biệt là cần quảng bá về cá tra Việt theo quy mô lớn hơn.

Hơn nữa, cần thay đổi quan điểm và có chiến lược XK cá tra ở thị trường Trung Quốc trong các năm tới, khi đây không còn là thị trường dễ tính (mua hàng chất lượng thấp). Mặt khác, nên cơ cấu lại chuỗi cung ứng cá tra mang tính hợp lý hơn để phục vụ tốt cho XK.

Về mục tiêu XK của thủy sản trong các năm tới, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh cho rằng, Việt Nam đang tham gia 14 hiệp định thương mại tự do (FTA), gần đây nhất là FTA Việt Nam - EU (EVFTA) và Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), được kỳ vọng sẽ tạo ra nhiều cơ hội cho XK thủy sản.

Cần giải pháp căn cơ

Chẳng hạn như từ khi EVFTA được thực thi (1/8/2020), XK thủy sản đã bật tăng trở lại và luôn tăng trưởng ở mức 2 con số. XK tôm sang thị trường EU hồi phục mạnh từ tháng 9/2020 với mức tăng từ 19 - 30%. Lũy kế 11 tháng đạt 900 triệu USD, ước tính XK tôm sang EU (trừ Anh) trong năm 2020 đạt khoảng 992 triệu USD.

 

Theo Thứ trưởng Lê Quốc Doanh, các doanh nghiệp (DN) thủy sản cần thực hiện các giải pháp căn cơ và tận dụng triệt để các cơ hội từ những FTA mang lại để gia tăng kim ngạch XK. Đặc biệt là cần nỗ lực trong chống khai thác bất hợp pháp (IUU) nhằm tháo gỡ “thẻ vàng” để việc đưa thủy sản Việt vào thị trường EU được thuận lợi hơn.

Để đưa kim ngạch XK tôm đi lên trong bối cảnh khó khăn do dịch Covid-19, ở góc độ DN, ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT CTCP thực phẩm Sao Ta (Fimex VN) cho rằng, ngành tôm Việt cần phải làm tốt nền tảng của mình, nhất là sự năng động của các chuỗi mắt xích trong ngành.

Theo ông Lực, ngành tôm Việt đang chuyển biến tốt về sản lượng trong năm 2020 so với các năm trước, tạo nguồn nguyên liệu ổn định cho hoạt động chế biến XK.

Ông Lực lưu ý là trong bối cảnh dịch Covid-19 trên toàn cầu, các đối thủ cạnh tranh XK tôm với Việt Nam đang ở hoàn cảnh chưa thể phục hồi sớm hơn các DN Việt, khi những hiệu quả về phòng chống dịch bệnh ở trong nước của Việt Nam đang được thế giới thừa nhận. Đây cũng chính là cơ hội để ngành tôm Việt có thể gia tăng XK.

Tuy nhiên, như băn khoăn của Chủ tịch Fimex VN, năng suất lao động cho mục tiêu gia tăng chế biến XK tôm vẫn là một thách thức khi khó tăng trong thời gian ngắn.

 

Bởi lẽ, nhiều năm qua, các DN chế biến ngành tôm và cả ngành cá tra đều hết sức lo lắng vì thiếu hụt trầm trọng nguồn lao động. Bên cạnh đó, điều kiện để đầu tư nâng cao năng suất chế biến ở các DN ngành tôm, ngành cá tra cũng không hề dễ dàng do hạn hẹp về năng lực tài chính.

Với ngành hàng cá tra, một số ý kiến bày tỏ kỳ vọng XK có thể sẽ phục hồi tốt trong năm 2021 và các năm tới khi nhu cầu tiêu thụ trên toàn cầu tăng trưởng trở lại cùng với việc dịch Covid-19 có thể được kiềm chế nhờ vắc-xin.

Đặc biệt là ảnh hưởng tích cực từ EVFTA trong dài hạn sẽ tạo mức chênh lệch thuế lớn giữa cá tra Việt với các đối thủ cạnh tranh. Bên cạnh đó, các DN trong ngành hàng cá tra đang ngày càng chú trọng hơn vào những thị trường có thể mang lại sức tăng trưởng tốt cho XK.

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm