Thị trường

Xuất khẩu thủy sản 6 tháng năm 2019 đạt gần 4 tỷ USD

Theo báo cáo của Tổng cục Thủy sản tại Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm 2019 và triển khai nhiệm vụ cuối năm, diễn sáng ngày 4/7 tại Hà Nội, ước kim ngạch xuất khẩu thủy sản 6 tháng đầu năm 2019 đạt gần 4 tỷ USD, bằng 100,6% so với cùng kỳ năm 2018.

Xuất khẩu gạo sang Trung Quốc giảm hơn 70% / Xuất khẩu dệt may sang Nhật: Tạo thương hiệu bằng chất lượng

Theo báo cáo của Tổng cục Thủy sản, ước 6 tháng đầu năm 2019, toàn ngành đã duy trì tăng trưởng khá, tổng sản lượng thủy sản ước đạt hơn 3,77 triệu tấn, tăng 6,0% so với cùng kỳ năm 2018 (trong đó sản lượng khai thác thủy sản ước đạt 1,85 triệu tấn, tăng 5,2%; sản lượng nuôi trồng thủy sản ước đạt 1,91 triệu tấn, tăng 6,8%). Tốc độ tăng giá trị sản xuất toàn ngành đạt 6,5%, đạt cao nhất trong nhóm các mặt hàng nông sản. Xuất khẩu thủy sản đạt gần 4 tỷ USD, tăng 0,6% so với cùng kỳ năm 2018.

Xuất khẩu thủy sản 6 tháng năm 2019 đạt gần 4 tỷ USD

Xuất khẩu thủy sản 6 tháng năm 2019 đạt gần 4 tỷ USD

Về công tác chỉ đạo khắc phục thẻ vàng về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU), Tổng cục đã ban hành Kế hoạch năm 2019 về triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm IUU, chuẩn bị đón đoàn Thanh tra của Ủy ban châu Âu (EC) sang kiểm tra tại Việt Nam. Trong 6 tháng đầu năm, Tổng cục đã tham mưu cho Bộ ban hành 5 văn bản chỉ đạo địa phương triển khai các giải pháp khắc phục “thẻ vàng” của EC; tập trung chỉ đạo ngăn chặn, chấm dứt tình trạng tàu cá và ngư dân vi phạm khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài. Tổng cục Thủy sản cũng đã tham mưu cho Bộ tổ chức Hội nghị triển khai các giải pháp cấp bách khắc phục cảnh báo “Thẻ vàng” của EC nhằm đánh giá toàn diện, sâu sắc tình hình, kết quả thực hiện cũng như các tồn tại, hạn chế, khó khăn vướng mắc trong việc khắc phục cảnh báo “Thẻ vàng” của EC; trên cơ sở đó đề ra các giải pháp chỉ đạo mạnh mẽ, hiệu quả hơn trong thời gian tới.

Ông Nguyễn Ngọc Oai - quyền Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản - cho biết: Tổng sản lượng thủy sản và kim ngạch xuất khẩu 6 tháng đầu năm đạt và vượt so với cùng kỳ năm 2018, tuy nhiên chưa đạt 50% so với kế hoạch năm 2019 Bộ giao. Việc triển khai Luật Thủy sản 2017 còn một số khó khăn, bất cập như: Một số văn bản hướng dẫn thi hành luật đã được Tổng cục trình đúng hạn nhưng không được ban hành đúng thời điểm (trước 1/1/2019), do đó có khoảng trống pháp lý, gây khó khăn trong việc triển khai tại địa phương tại thời điểm Luật Thủy sản năm 2017 phát sinh hiệu lực; có một số nội dung mới của Luật Thủy sản 2017 khi triển khai trên thực tiễn còn bất cập, cần chỉ đạo, định hướng, tháo gỡ từ Trung ương; mặc dù Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ và Tổng cục Thủy sản quyết liệt tham mưu, chỉ đạo chống khai thác IUU, tuy nhiên kết quả triển khai trên thực tế tại nhiều địa phương chưa đáp ứng được yêu cầu theo 4 nhóm khuyến nghị của EC; ...

xuat khau thuy san 6 thang nam 2019 dat gan 4 ty usd
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - ông Phùng Đức Tiến - nhận định, mặc dù 6 tháng đầu năm đạt được những kết quả đáng khích lệ, song 6 tháng còn lại năm 2019, ngành thủy sản đứng trước 3 vấn đề lớn đòi hỏi cần có quyết tâm cao, cần có kế hoạch hành động cụ thể. Theo đó, Luật Thủy sản có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2019 phát huy hiệu quả và đi vào thực tiễn đỏi hỏi phải đẩy mạnh thông tin tuyên truyền, tập huấn, bởi việc từ nghề cá nhân dân chuyển sang hoạt động theo khung pháp lý đầy đủ và theo đúng thông lệ quốc tế là cả một quá trình bài bản, lâu dài. Bên cạnh đó, để đạt được mục tiêu xuất khẩu 10,5 tỷ USD, tăng trưởng 6,7%, đòi hỏi ngành phải nỗ lực, chủ động hơn nữa, đặc biệt là cần sự quyết tâm, đoàn kết của toàn bộ hệ thống.

Đáng chú ý, tháng 10/2019, EC sẽ vào kiểm tra lại việc cải thiện xóa bỏ “thẻ vàng” đối với thủy sản Việt Nam, trong khi chúng ta mới làm tốt và hoàn thiện được khung pháp luật, pháp lý, còn khâu quản lý giám sát tàu cá, truy xuất, chứng nhận nguồn gốc hải sản nếu không làm tốt có nguy cơ cao hơn cả “thẻ vàng”. Do đó, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đề nghị, cần tăng cường kiểm tra, bám sát, tổng hợp thực tiễn, từ đó có các giải pháp cụ thể khắc phục thẻ vàng của EC về IUU. Các đơn vị chức năng cần tham mưu, tổ chức triển khai đồng bộ các nhóm giải pháp khắc phục thẻ vàng của EC về IUU, trong đó: duy trì việc họp Ban chỉ đạo quốc gia về khai thác IUU hàng tháng; tăng cường tổ chức các đoàn công tác liên ngành kiểm tra tình hình chống khai thác IUU tại các địa phương trọng điểm; ban hành các văn bản hướng dẫn và kiểm tra tại thực địa về công tác chuẩn bị tiếp và làm việc với Đoàn thanh tra của EC vào tháng 10/2019.

Theo Nguyễn Hạnh/congthuong.vn
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm