Xuất khẩu thủy sản đang trên đà phục hồi mạnh mẽ
Chỉ có 389/724 doanh nghiệp niêm yết đạt chuẩn trên sàn chứng khoán / Thoái vốn IDC, Bitexco thu về hơn 2.195 tỷ đồng
Bức tranh xuất khẩu thủy sản khởi sắc nhờ vaccine
Theo số liệu của Hiệp hội Thủy sản và của các doanh nghiệp, doanh số bán hàng đã có sự tăng trưởng khả quan kể từ tháng 3 và tiếp tục được khẳng định trong tháng 4/2021.
Trong báo cáo mới nhất từ Mirae Asset Securities, việc các quốc gia lớn trên thế giới đã triển khai nhanh chóng vaccine COVID-19 đã giúp các quốc gia này dần mở cửa trở lại, giúp nhu cầu cũng như chuỗi cung ứng thủy sản từ Việt Nam ra thế giới dần phục hồi. Kết quả khả quan được kỳ vọng từ kim ngạch xuất khẩu của các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản của Việt Nam trong quý 2 cũng như 6 tháng cuối năm 2021.
Những tín hiệu khởi sắc xuất hiện trên bức tranh doanh thu, lợi nhuận trái chiều. Tổng doanh thu của 11 công ty xuất khẩu thủy sản niêm yết lớn nhất quý 1/2021 đạt 9.173 tỷ đồng, tăng 4,3% so với cùng kỳ 2020. Đa số các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản ghi nhận biên lợi nhuận gộp cải thiện so với cùng kỳ nhờ tiêu thụ được tồn kho giá thấp trong khi giá xuất khẩu phục hồi trong kỳ. Tuy nhiên, 5 trong số 11 doanh nghiệp này ghi nhận biên lợi nhuận hoạt động giảm so với cùng kỳ vì các chi phí bán hàng tăng cao do ảnh hưởng của dịch COVID-19 tại các thị trường xuất khẩu. Kết quả, tổng lợi nhuận sau thuế trong kỳ của các doanh nghiệp này giảm 3,9% so với cùng kỳ, đạt 327 tỷ đồng.
Chặng đường phục hồi vẫn còn một số chướng ngại do giá thủy sản nguyên liệu cũng như chi phí vận chuyển đường biển bằng container từ Việt Nam đến các thị trường chính (Hoa Kỳ, Châu Âu) đang ở mức cao so với cùng kỳ 2020, do áp lực của giá thức ăn chăn nuôi tăng cũng như việc thiếu phương tiện vận tải do đại dịch COVID-19. Những yếu tố này sẽ khiến biên lợi nhuận của các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản chịu sức ép trong ngắn hạn. Những yếu tố bất lợi này được hy vọng sẽ dần được cải thiện trong 6 tháng cuối năm 2021.
36 triệu người Pháp đã được tiêm vaccine. Trong đó có 10 triệu người đã được tiêm đủ hai mũi (tương đương 15% dân số). Nhờ vậy, nhà hàng, quán café và các dịch vụ công cộng tại quốc gia này được mở cửa trở lại từ ngày 19/5/2021 sau 6 tháng cách ly. Xu hướng tương tự cũng đang diễn ra tại các quốc gia thuộc EU. 130 triệu người trưởng thành ở Hoa Kỳ (40% dân số) đã được tiêm đủ 2 liều vaccine COVID-19 trong tổng số 286 triệu người đã sử dụng vaccine. Nhờ tỉ lệ tiêm vaccince cao, Hoa Kỳ đang dần áp dụng các biện pháp nới lỏng giãn cách xã hội. Hoa Kỳ là nhà nhập khẩu thủy sản lớn thứ 2 của Việt Nam. Việc các biện pháp nới lỏng giãn cách được áp dụng kỳ vọng sẽ giúp giá trị xuất khẩu thủy sản Việt Nam tăng nhờ tốc độ luân chuyển hàng hóa phục hồi.
Hiệp hội thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết giá trị xuất khẩu cá tra trong tháng 3 và 4 năm 2021 tăng trưởng lần lượt 11,3% và 30,0% so với cùng kỳ với mức giá xuất khẩu trung bình tăng nhẹ so với cùng kỳ năm 2020. Tốc độ tăng trưởng giá trị xuất khẩu khả quan trên chủ yếu nhờ sự phục hồi mạnh mẽ của thị trường Hoa Kỳ, EU và HongKong. Bên cạnh đó, kim ngạch xuất khẩu tôm quí 1/2021 đạt 661,1 triệu USD, tăng 5,2% so cùng kỳ cùng với diễn biến khả quan của đa số thị trường. Trong đó, CPTPP tăng 4,1%; Hoa Kỳ 16.5% và EU tăng 8,1% so với cùng kỳ.
Tiêu biểu như Vĩnh Hoàn Corp (VHC) công bố kết quả doanh thu tháng 4/2021 tăng trưởng mạnh 61% so với cùng kỳ. Trong đó, doanh thu cá tra tại thị trường Hoa Kỳ tăng 130% so cùng kỳ và doanh thu từ Trung Quốc tăng 246% so cùng kỳ lên 158 triệu USD.
VASEP dự báo kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sẽ tăng 10% trong quí 2/2021, đạt 2,1 tỷ USD. Riêng với mặt hàng tôm, dự báo trong quý II, tổng giá trị xuất khẩu mặt hàng này có thể tăng hơn 20% so với cùng kỳ năm trước do giá trị xuất khẩu ở hầu hết thị trường sẽ phục hồi hoặc tăng trưởng dương.
Các nhân tố bất lợi đối với nhóm cổ phiếu xuất khẩu thủy sản Việt Nam đã được phản ánh vào thị giá trong tháng 5/2021. Bên cạnh đó, việc giao dịch của nhóm cổ phiếu thủy sản sôi động trở lại kể từ tuần cuối tháng 5 vừa qua cho thấy dòng tiền đầu tư đã phản ứng tích cực với những tin tức hỗ trợ được công bố trong tháng 5 đến nay.
Chi phí vận chuyển container vẫn tăng phi mã
Khó khăn vẫn còn, tuy nhiên thị giá cổ phiếu xuất khẩu thủy sản có thể đã hoàn thành tạo đáy. Vẫn còn hai trở ngại trong ngắn hạn gây áp lực lên kết quả kinh doanh các doanh nghiệp trong nửa sau năm 2021. Thứ nhất là chi phí tăng gây áp lực lên biên lợi nhuận. Tính chung 4 tháng đầu năm 2021, trung bình giá cá tra nguyên liệu tăng khoảng 11% so với cùng kỳ còn giá tôm thẻ tăng khoảng 20% so với cùng kỳ năm.
Bên cạnh đó, chi phí vận chuyển đường thủy bằng container từ Châu Á đi các châu lục khác tăng phi mã (tuyến Thượng Hải – Los Angeles tăng 238% so cùng kỳ) trong 4 tháng đầu năm 2021 do hiện tượng thiếu tàu và thiếu vỏ thùng container gây ra bởi đại dịch Covid-19. Các chi phí tăng trong hoàn cảnh giá bán trung bình cá 4 tháng đầu năm 2021 không có sự thay đổi so với cùng kỳ. Vấn đề này sẽ gây áp lực lên biên lợi nhuận của các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản Việt Nam.
Làn sóng Covid-19 thứ 4 tại Việt Nam gây lo ngại về gián đoạn nguồn cung. Số ca bệnh trong đợt dịch này đã cao gấp 6 lần tổng số ca bệnh của đại dịch kể từ năm 2020. Tuy Việt Nam đã có kinh nghiệm trong việc kiểm soát dịch nhưng trước thực tế các biến chủng Corona virus ngày càng phức tạp và Việt Nam nằm trong số quốc gia có tỉ lệ phổ biến vaccine Covid-19 thấp nhất thế giới là một rủi ro lớn. Nếu các vùng nguyên liệu thủy sản chính ở Việt Nam bị buộc phải cách ly sẽ dẫn đến gián đoạn nguồn cung làm khả năng doanh thu, lợi nhuận của các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản bị giảm.
Tuy nhiên, các áp lực trên sẽ dần dần được gỡ bỏ trong nửa sau năm 2021 vì tình hình cước vận chuyển cũng như làn sóng Covid-19 thứ 4 tại Việt Nam sẽ được giải quyết nhờ tốc độ triển khai nhanh của vaccine trên toàn cầu cũng như các kế hoạch tiêm chủng ở Việt Nam. Trên cơ sở này và việc dòng tiền đầu tư phản ứng tích cực với các tin mới cập nhật, giá các cổ phiếu nhóm xuất khẩu thủy sản được đánh giá sẽ bước vào giai đoạn phục hồi trong tháng 6 và nửa sau năm 2021. Thị giá của các cổ phiếu nhóm xuất khẩu thủy sản có khả năng vượt qua các đỉnh trước đây nhờ việc mặt bằng giá được điều chỉnh theo tương quan với mức VNIndex mới được hình thành ở khu vực 1,300 điểm.
Hai cổ phiếu tiềm năng nhất trong nhóm các công ty xuất khẩu thủy sản
Căn cứ vào sự kết hợp giữa 3 yếu tố: “sức mạnh giá”, “dòng tiền đầu tư” và “tiềm năng tăng trưởng của doanh nghiệp”, Mirae Asset cho rằng cổ phiếu của CTCP Tập đoàn Sao Mai (ASM) và CTCP Nam Việt là những lựa chọn tiềm năng nhất trong nhóm các công ty xuất khẩu thủy sản cho tháng 6 và nửa cuối năm 2021.
CTCP Tập đoàn Sao Mai (ASM) là doanh nghiệp hoạt động đa ngành gồm xuất khẩu thủy sản, bất động sản, xây dựng, du lịch và năng lượng tái tạo. Trong đó, doanh thu từ xuất khẩu cá tra và các sản phẩm từ cá tra chiếm khoảng 80% với thị trường chủ yếu là Hoa Kỳ và Trung Quốc. Năm 2021, dự phóng lợi nhuận sau thuế của ASM sẽ tăng 35% so với CK lên 770 tỷ đồng nhờ sự phục hồi sức mua cá tra của thị trường thế giới và lợi nhuận tăng thêm từ mảng năng lượng tái tạo. ASM có điểm số kỹ thuật theo thang điểm đánh giá của Mirae Asset ở mức Tích Cực (+7 điểm).
CTCP Nam Việt (ANV) là một trong những nhà sản xuất và xuất khẩu cá tra lớn nhất Việt Nam. ANV cũng là nhà sản xuất duy nhất hoàn toàn chủ động được nguồn cá đầu vào (vùng tự chủ và liên kết hộ nông dân) nên sẽ ít bị tác động nhất bởi giá cá nguyên liệu gia tăng. Năm 2021, doanh thu thuần và lãi ròng của ANV dự báo tăng trưởng 14.4% và 96% so với cùng kỳ nhờ thị trường cá tra phục hồi và mảng điện mặt trời bắt đầu cho doanh thu. ANV có điểm số kỹ thuật theo thang điểm đánh giá cua Mirae Asset ở mức Tích Cực (+7 điểm).
End of content
Không có tin nào tiếp theo