Xuất khẩu thủy sản quay lại đà tăng trưởng
Việt Nam dẫn đầu Đông Nam Á về thương mại điện tử / 10 quốc gia có dự trữ vàng lớn nhất thế giới
Xuất khẩu thủy sản quay lại đà tăng trưởng
Xuất khẩu thủy sản 9 tháng đã đạt 7,2 tỷ USD, tăng gần 10% so với cùng kỳ năm ngoái. Như vậy là sau 4 năm bị xáo trộn bởi dịch Covid-19, chiến tranh, lạm phát trên thế giới, diễn biến của các thị trường đang dần ổn định trở lại. Nhờ đó xuất khẩu thủy sản Việt Nam đã quay trở lại quỹ đạo tăng trưởng.
Giá trị kim ngạch quý III đã đạt hơn 2,7 tỷ USD, tăng gần 13% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, các mặt hàng chủ lực đều đã có những bứt phá đáng kể như cá tra tăng hơn 13%, tôm tăng hơn 17%, cua ghẹ tăng 56%, nhuyễn thể có vỏ tăng đến 95%. Năm nay, tôm đông lạnh xuất khẩu vẫn bị tác động bởi xu hướng giá chưa phục hồi rõ rệt, cùng với áp lực bán cạnh tranh với tôm Ecuador và Ấn Độ. Tuy nhiên, tôm chế biến của Việt Nam vẫn có vị thế tốt ở các thị trường. Tính chung trong 9 tháng, xuất khẩu tôm mang về kim ngạch cao nhất với gần 2,8 tỷ USD, tăng hơn 10% so với cùng kỳ năm ngoái.
Thủy sản phục hồi đáp ứng nguồn cung
Quý IV được dự báo là sẽ có nhiều khó khăn thách thức, bởi sau bão số 3, hoạt động nuôi trồng thủy sản ở các tỉnh phía Bắc bị thiệt hại nặng nề với gần 6.200 tỷ đồng với hàng trăm ngàn tấn sản phẩm đã bị cuốn trôi, hạ tầng nuôi bị phá hủy nặng nề. Mặc dù sẽ phải mất thời gian để dựng lại hạ tầng nhưng lúc này, tinh thần chung của bà con là có đến đâu nuôi đến đó. Nỗ lực khôi phục để đảm bảo nguồn cung cho thị trường cuối năm đang được các bên cùng vào cuộc tích cực.
Tại vùng biển Vân Đồn, Quảng Ninh, từ nguồn cát xốp giữ được sau bão, các thành viên của HTX Ngọc Thắng đã quyết định bắt tay ngay vào nuôi nhuyễn thể như ngao, tu hài, ốc vì không mất chi phí thức ăn lại nhanh có sản phẩm. Lấy ngắn nuôi dài là cách để gượng dậy sau bão.
Theo các doanh nghiệp, hợp tác xã, giống là vấn đề lớn khi bà con bắt tay khôi phục sản xuất. Trên cơ sở nắm bắt thiệt hại, chủ trương đưa giống từ miền Trung, miền Nam ra phía Bắc đã được Cục Thủy sản tính toán.
Việt Nam đặt mục tiêu cho ngành nuôi biển có thể sớm đem về giá trị kim ngạch xuất khẩu từ 800 triệu đến 1 tỷ USD.
Ông Trần Đình Luân - Cục trưởng Cục Thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: "Như tôm, rong biển, có thể chúng ta hỗ trợ được phục hồi sản xuất ngay, từ nay đến Tết là có sản phẩm để đáp ứng nhu cầu. Còn đối với một số sản phẩm chúng ta cần phải điều tiết, cần có thời gian dài hơn, chúng tôi đã có kế hoạch cùng với địa phương, những địa phương nào có giống, những địa phương nào thiệt hại để chúng ta làm kết nối cung cầu, để cho người nuôi có được nguồn giống, có được vật tư, thức ăn, chất xử lý cải tạo môi trường, để tiếp tục có được sản phẩm cho các tháng dài hơn, đầu năm 2025".
Ông Phan Thanh Nghị - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ninh nhận định: "Quảng Ninh đã hướng đến cởi bỏ các chính sách về tín dụng, làm việc với các ngân hàng để hỗ trợ cho bà con vay vốn với lãi suất hỗ trợ rất thấp, gần như về 0. Và chính sách tín chấp, có thể thế chấp bằng phương án sản xuất kinh doanh của mình để bà con tiếp cận nguồn vốn nhanh, thực hiện tái sản xuất".
Trong khi các tỉnh phía Bắc chịu ảnh hưởng nặng nề của cơn bão số 3, các tỉnh phía Nam vẫn phát triển nuôi trồng ổn định, một số vùng trọng điểm về thủy sản tăng khá đã góp phần đảm bảo nguyên liệu cho xuất khẩu, duy trì đà tăng tốc trong những tháng cuối năm.
Thay đổi nuôi biển để đạt mục tiêu 1 tỷ USD
Việt Nam đặt mục tiêu cho ngành nuôi biển có thể sớm đem về giá trị kim ngạch xuất khẩu từ 800 triệu đến 1 tỷ USD vào cuối năm nay. Tuy nhiên, sau những thiệt hại từ cơn bão số 3, mục tiêu này sẽ lại phải lùi sang năm sau. Để có thể chạm mốc 1 tỷ USD vào năm sau, ngay bây giờ việc tính toán nuôi biển cần một tư duy mới để thích ứng với thiên tai.
Ngay sau bão một ngày, những lồng nuôi HDPE này đã có thể tìm thấy nhờ thiết bị định vị gắn trên lồng. Mặc dù bão lớn nhưng hiện trạng lồng chỉ bị thay đổi phần tay vịn do va đập, còn lại vẫn đảm bảo để có thể bắt tay ngay vào sản xuất. Từ thực tế này, sau giai đoạn chuẩn hóa vật liệu nuôi biển mới chỉ nghiêng về những vật liệu thân thiện với môi trường, nâng cấp lên mức chống chịu bão là bài toán đặt ra cho các bên
Bà Nguyễn Thị Hải Bình - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần tập đoàn STP cho biết: "Từ trước đến giờ, bà con hay dùng hệ neo bằng cọc, đặc biệt Quảng Ninh là vùng đáy, vùng bùn đáy biển thì chúng ta dùng hệ cọc sẽ rất yếu. Thứ hai là chúng ta phải nâng cấp lồng HDPE lên cấp chống chịu bão bằng thiết kế bền hơn, đặc biệt là những mối hàn, những lắp ghép chúng tôi đang thiết kế bằng lego, chúng tôi có thể cải tiến không chỉ dùng phương pháp lego được vì phương pháp này chỉ nuôi trong bờ, nếu chịu bão, lego vẫn bị giật ra, chúng ta phải dùng phương pháp khác là hàn nhiệt".
Tuy đã có hệ thống thiết bị thích ứng thiên tai nhưng việc chưa giao biển, hay còn gọi là giao quyền sử dụng mặt nước là một bất cập lớn khiến đồng vốn đầu tư chông chênh.
Hiện chi phí làm một ô nuôi truyền thống bằng gỗ là 15-20 triệu đồng. Với lồng HDPE, một ô nuôi chi phí đầu tư gấp 3-4 lần. Trước bão đã có những lồng nuôi trị giá đầu tư lên tới hàng tỷ đồng. Tuy nhiên, khi chưa giao biển thì lồng nuôi này lại chưa đủ cơ sở pháp lý để thế chấp ngân hàng vay vốn hay tham gia bảo hiểm.
Ông Nguyễn Hữu Dũng - Chủ tịch Hiệp hội nuôi biển Việt Nam nhận định: "Các công trình đó phải được đăng kiểm và chúng tôi cung cấp những doanh nghiệp sẽ chế tạo những thiết bị đó ngay tại Vân Đồn, ngay tại Quảng Ninh để cung cấp cho nhân dân, cùng với dân làm. Sau đó tiến hành đăng kiểm, đăng ký rồi bảo hiểm và vay tiền ngân hàng để đầu tư".
Ngay sau bão, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đặt hàng doanh nghiệp và Cục Thủy sản phải nghiên cứu để có giải pháp về liên kết giằng phao khi bão lũ, tiến tới trên các phao có tên người nuôi và phải di chuyển được lồng nuôi đến chỗ an toàn hơn khi có thiên tai.
Sẽ còn cần nhiều thời gian để khôi phục sản xuất tại phía Bắc nên ngành thủy sản đặt mục tiêu thận trọng cho năm 2024 với kim ngạch xuất khẩu đạt gần 10 tỷ USD, tăng 7% so với năm ngoái. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khuyến nghị trong quý IV, hầu hết thị trường nhập khẩu đang gia tăng tiêu chuẩn khắt khe nên các doanh nghiệp cần tập trung vào những chứng nhận bền vững để có thể tiếp tục duy trì năng lực cạnh tranh.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Vàng vẫn là ‘chân ái', trở thành top 1 mặt hàng nên mua vào năm 2025
Công bố bộ quy tắc đạo đức, ứng xử nghề nghiệp môi giới bất động sản
Đề xuất cho doanh nghiệp tự quyết giá xăng dầu có tỷ trọng tiêu thụ thấp
Vĩnh Phúc nỗ lực 'xanh' hoá để phát triển bền vững
Bất động sản miền Trung khởi sắc: Đà Nẵng, Quảng Bình dẫn đầu xu hướng tăng trưởng