Xuất khẩu thuỷ sản sang Mỹ gặp khó, doanh nghiệp cần làm gì?
Kết nối thị trường, hỗ trợ lao động tìm việc cuối năm / Giá năng lượng trượt dốc kéo chỉ số hàng hóa suy yếu
Nhiều thách thức
Theo thống kê của cơ quan Thương vụ Mỹ, xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam sang thị trường Mỹ trong 9 tháng chỉ đạt 1,16 tỷ USD giảm 34%. Tuy nhiên, so với 2 quý đầu năm 2023 thì mức suy giảm đã được cải thiện đáng kể.
Trong đó, xuất khẩu tôm đạt 520 triệu USD, giảm 23%, cá tra đạt 207 triệu USD, giảm 54%, cá ngừ đạt 238 triệu USD, giảm 41%…
Theo ông Đỗ Ngọc Hưng - Tham tán thương mại tại Mỹ, với số liệu trên, nếu so với các đối tác cạnh tranh xuất khẩu của các nước trong khu vực, chẳng hạn như Ấn Độ, Ecuador thì mức sụt giảm xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam vẫn thấp hơn các quốc gia trên.
Đánh giá các yếu tố thuận lợi, ông Hưng cho biết, thuận lợi lớn nhất của thuỷ sản Việt Nam là đa dạng các sản phẩm xuất khẩu, giá trị xuất khẩu của Việt Nam luôn gia tăng và tăng trưởng trong suốt thời gian vừa qua cũng như các mặt hàng có khả năng cạnh tranh lớn như tôm, cá tra.
Nhu cầu thị trường Mỹ mặc dù thời gian qua có sụt giảm so với cùng kỳ năm 2022 nhưng đây vẫn là thị trường lớn trong tương lai của Việt Nam và Việt Nam có lợi thế hơn các nước khác trong việc chế biến các sản phẩm có giá trị gia tăng cao như tôm hấp, bóc vỏ, rút chỉ lưng.
Trong khi đó, thách thức lớn nhất với thuỷ sản Việt Nam là Mỹ liên tục áp dụng các hàng rào kỹ thuật khắt khe theo tiêu chuẩn, chất lượng cũng như thủ tục của FDA. Quy định về kiểm dịch của Bộ Nông nghiệp Mỹ, đặc biệt về môi trường nuôi trồng, dư lượng kháng sinh, quy định về ghi nhãn, xuất xứ hàng hoá, bản quyền..
Ngoài ra, Mỹ cũng áp dụng nhiều chính sách bảo hộ phi thuế quan và biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp, phòng vệ thương mại.
Theo Tham tán thương mại tại Mỹ, sản phẩm cá tra Việt Nam hiện nay vẫn bị áp thuế chống bán phá giá và luôn trong nguy cơ bị kiện chống bán phá giá.
Bộ Công Thương đã gửi đơn đề nghị phía Bộ Thương mại Mỹ rà soát về việc thay đổi hoàn cảnh đối với mặt hàng mật ong và đây là điều kiện tiên quyết để Mỹ xem xét, từ đó mở rộng sang các ngành hàng khác và công nhận nền kinh tế thị trường của Việt Nam.
Ngày 30/10 vừa qua, thông qua kênh công báo của Liên bang Mỹ, phía Mỹ chính thức khởi xướng rà soát về thay đổi hoàn cảnh về vấn đề kinh tế thị trường của Việt Nam.
“Đây là tín hiệu ban đầu rất tích cực bởi khi có thông tin Việt Nam nộp đơn, các nhà nhập khẩu, nhà sản xuất Mỹ đã có đơn phản đối và cho rằng các điều kiện của Việt Nam chưa đáp ứng tiêu chuẩn về kinh tế thị trường, đặc biệt trong đó có CFA - Hiệp hội các chủ nông trại, chủ nuôi mặt hàng thuỷ sản cá da trơn của Mỹ phản đối rất mạnh mẽ. Các hiệp hội ngành hàng liên quan đến ngành thép, gỗ cũng có đơn phản đối”, ông Hưng chia sẻ.
Bất lợi tiếp theo là việc bảo vệ thương hiệu đối với mặt hàng thuỷ sản của Việt Nam gặp nhiều khó khăn.
Trong khi đó, kênh phân phối chủ yếu hiện nay là qua kênh trung gian cũng như qua hệ thống bán lẻ nhóm các nhà phân phối châu Á chứ chưa đưa vào hệ thống kênh phân phối trực tiếp của Mỹ, trừ một số nhà phân phối thuỷ sản lớn của Việt Nam.
Ngoài ra, khó khăn liên quan đến logistics, vận chuyển khiến cho sự cạnh tranh của mặt hàng thuỷ sản thấp hơn so với các nhà xuất khẩu khác như Ecuador hay Ấn Độ.
Giải pháp thúc đẩy xuất khẩu
Đề xuất giải pháp thúc đẩy xuất khẩu thuỷ sản sang Mỹ, ông Hưng bày tỏ mong muốn các đơn vị hữu quan trong nước, đặc biệt là Bộ NN&PTNT, Bộ Công Thương xem xét thông qua các khuôn khổ hợp tác với Mỹ để xem xét, đàm phán, ký kết các điều ước và thoả thuận để hạn chế khả năng Mỹ áp dụng các biện pháp phi thuế quan đối với mặt hàng thuỷ sản của Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ.
Thúc đẩy, mở rộng thị trường cho các sản phẩm tiềm năng như cá ngừ, mực và bạch tuộc. Đẩy mạnh sử dụng kênh thương mại điện tử như một trong những kênh phân phối lớn tại Mỹ.
Đặc biệt, tăng cường xuất khẩu các sản phẩm chế biến sâu, đa dạng hoá sản phẩm để phục vụ nhu cầu thị trường bởi Mỹ là quốc gia đa sắc tộc với nhu cầu tiêu dùng lớn, thị trường rộng lớn với yêu cầu khác nhau về chất lượng sản phẩm.
Với doanh nghiệp, ông Quân khuyến nghị cần phải có sự tìm hiểu thị trường kỹ lưỡng cũng như tăng cường định hướng việc gia tăng cạnh tranh thông qua chất lượng và hạn chế cạnh tranh về mặt hàng giá rẻ.
Bảo đảm chế độ ghi chép kế toán, tài chính rõ ràng, tuân thủ quy định tài chính quốc tế. Thắt chặt kiểm tra, giám sát chặt chẽ các lô hàng sản xuất sang Mỹ. Hạn chế tối đa việc bị cơ quan quản lý Mỹ áp thuế cũng như đánh giá các lô hàng chất lượng kém, không đủ tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm xuất khẩu sang Mỹ.
“Doanh nghiệp cần hướng đến các sản phẩm chế biến sâu, phục vụ phân khúc bán lẻ đang có nhiều tiềm năng để nâng cao khả năng cạnh tranh so với hàng của Ecuador, Ấn Độ khi các sản phẩm chế biến của những quốc gia này so với Việt Nam còn hạn chế”, Tham tán thương mại Việt Nam tại Mỹ nhấn mạnh.
Các doanh nghiệp cần thường xuyên cập nhật xu hướng cũng như cảnh báo các mặt hàng có khả năng bị áp thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp của cơ quan quản lý Mỹ để có kế hoạch ứng phó hiệu quả, có chiến lược kinh doanh, xuất khẩu phù hợp.
Khi xuất khẩu sang Mỹ cần lưu ý về quy định chất lượng, bao bì đóng gói, lưu trữ hồ sơ, xuất xứ hàng hoá để tiến trình xuất khẩu được thuận lợi.
End of content
Không có tin nào tiếp theo