Thị trường

Xuất khẩu tôm sang EU: Cần sớm xây dựng thương hiệu

EU được coi là thị trường tiềm năng đối với doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu (XK) tôm trong nước, nhất là khi Hiệp định EVFTA chính thức có hiệu lực tới đây.

Vải thiều chính thức được xuất khẩu sang Nhật Bản / Xuất khẩu vải thiều chinh phục thị trường khó tính

XK tôm sang EU giảm mạnh

Theo Hiệp hội Chế biến và XK thủy sản (Vasep), XK tôm 10 tháng đầu năm 2019 giảm 6,4% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 2,78 tỷ USD. Nguyên nhân do nửa đầu năm nay sản lượng tôm tăng, trong khi lượng tồn kho tại các thị trường cao, nguồn cung từ các nước khác cũng tăng khiến giá tôm tại các thị trường nhập khẩu (NK) hạ thấp hơn so với năm ngoái.

Riêng tại thị trường EU, sau 9 tháng XK tôm của Việt Nam sang thị trường này vẫn tăng trưởng âm tới 20,8%, giá trung bình giảm 1 USD/kg so với năm 2018. Tuy nhiên, so với các nước khác như Ấn Độ, Trung Quốc, giá tôm NK từ Việt Nam vẫn cao hơn 15 - 20% (1 - 2 USD/kg).

Tôm sạch có chứng nhận, giá cạnh tranh sẽ được khách hàng đánh giá cao

Tôm sạch có chứng nhận, giá cạnh tranh sẽ được khách hàng đánh giá cao

Hiện, EU đang tăng mua thủy sản trong các tháng cuối năm 2019, giá tôm đã tăng trở lại. Tổng cục Thủy sản nhận định, tác động của EVFTA sẽ tạo nền tảng để các doanh nghiệp nâng cao sức cạnh tranh. Tuy nhiên, XK sang thị trường này trong nửa cuối năm chưa thể phục hồi như mong đợi.

Cần xây dựng thương hiệu tôm Việt

Theo Vasep, EU chiếm khoảng 31% tổng NK tôm thế giới và chiếm 22% XK tôm của Việt Nam. Nếu biết tận dụng ưu đãi thuế quan, áp dụng hiệu quả quy tắc xuất xứ, XK tôm Việt Nam sang EU sẽ có cơ hội gia tăng từ năm 2020.

Để tận dụng lợi thế từ EVFTA, Vasep cho rằng, trước mắt phải tạo ra nguồn tôm sạch có chứng nhận với giá cạnh tranh; tiếp đó xây dựng được thương hiệu tôm Việt. Vì vậy, cần sự hỗ trợ trong việc kiểm soát chặt chế phẩm nuôi tôm, ngặn chặn từ gốc nguồn thẩm lậu các hóa chất nuôi tôm không có tên trong danh mục cho phép; sắp xếp lại vùng nuôi, tạo nên các trang trại, hợp tác xã nuôi quy mô lớn theo chuẩn quốc tế có chứng nhận…

Bên cạnh đó, cần tận dụng thế mạnh là chế biến hàng caocấp mà đối thủ bị thuế cao như tôm luộc (thuế cơ bản 20%, có GSP còn 7%). Qua đó, thúc đẩy người nuôi ứng dụng các quy trình nuôi ASC, BAP… tăng nguồn nguyên liệu để chế biến bán vào EU.

 

Thương vụ Việt Nam tại Bỉ kiêm nhiệm Luxembourg và EU cho biết, tôm chỉ có thể XK vào EU nếu đến từ các quốc gia được cấp phép, được đánh bắt bởi các tàu được cấp phép (tôm hoang dã) hoặc được nuôi tại các trang trại có đăng ký, được cấp các chứng nhận sức khỏe phù hợp, và vượt qua được bộ phận kiểm tra biên giới của EU. Các quy định dán nhãn thực phẩm của EU đảm bảo rằng, người tiêu dùng nhận được các thông tin cần thiết để quyết định khi mua thực phẩm như: Tên sản phẩm; danh sách các thành phần, bao gồm cả các chất phụ gia; thông tin về các chất có thể gây ra các phản ứng dị ứng và kích ứng cần phải được nêu ra; trọng lượng tịnh của các thực phẩm trước đóng gói theo các đơn vị hệ mét (mét, mét vuông, mét khối); ngày khuyến nghị mà đến thời điểm đó sản phẩm vẫn giữ được các đặc tính chuyên biệt, trình bày dưới dạng ngày, tháng, năm cùng với cụm từ “best - before”… Nhãn dán dễ hiểu, dễ nhìn, rõ ràng, không bị tẩy xóa và phải được sử dụng bằng ngôn ngữ dễ hiểu đối với người tiêu dùng…

Doanh nghiệp XK tiềm năng Việt Nam cần tìm hiểu thông tin về phương thức đáp ứng các tiêu chuẩn của EU nếu muốn thâm nhập thị trường này.
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm