Xuất khẩu trực tuyến: Đi lối tắt sẽ khó bền vững
Thương mại điện tử - sợi dây cứu sinh thời Covid cho các nhà bán lẻ / Thị trường thương mại điện tử sẽ phát triển mạnh mẽ hơn trong thời gian tới
Theo đánh giá từ Bộ Công Thương, Việt Nam nằm trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, là quốc gia có tốc độ phát triển thương mại điện tử (TMĐT) xuyên biên giới nhanh nhất thế giới. Tỷ trọng trung bình của khu vực so với toàn cầu tăng liên tục qua các năm, đạt giá trị trung bình 41,3%/năm và tốc độ tăng trưởng đạt trung bình 37,7%/năm, cao hơn mức trung bình toàn cầu 27,4%/năm trong giai đoạn 2014-2020.Với doanh thu TMĐT B2C toàn cầu năm 2023 dự kiến đạt 2.883 tỷ USD, TMĐT xuyên biên giới sẽ là kênh vô cùng hiệu quả cho doanh nghiệp (DN) mở rộng thị trường.
Kiếm bộn tiền nhờ kênh XK trực tuyến
Hiện, đang có rất nhiều DN lớn nhỏ bán hàng trên Amazon, từ các thương hiệu có tiếng tăm lớn như cà phê Trung Nguyên, giày Biti's, đến các nhà sản xuất nội địa như MDK, các công ty khởi nghiệp như Andre Gift Shop hay Mary Craft. Theo số liệu cung cấp bởi Amazon Global Selling Việt Nam, hiện đã có hàng nghìn DN Việt Nam đưa hàng qua kênh TMĐT này với doanh thu năm 2020 vượt mốc 1 triệu USD, tăng gấp 3 lần so với năm 2019.
Sản phẩm chổi đót Việt Nam được bán với giá rất cao trên Amazon. |
Tìm đến kênh xuất khẩu (XK) trực tuyến kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát, đại diện công ty TNHH Vinescraft bày tỏ đây là cơ hội lớn để DN tránh được sự đứt gẫy thị trường. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất với DN là hàng thủ công mỹ nghệ vốn làm gia công cho các nhà nhập khẩu nên mức độ am hiểu thị trường rất hạn chế. Vì vậy, DN thực hiện XK trực tuyến đã phải dựa vào hiểu biết trước đó để phát triển, điều chỉnh sản phẩm cho phù hợp với nhu cầu khách hàng. Bên cạnh đó là những vướng mắc về thủ tục mở gian hàng, thời gian giao nhận hàng...
Đã kinh doanh trên Amazon từ nhiều năm nay, ông Trần Đức Trung, Nhà sáng lập thương hiệu Natural Neo, cho biết lý do chọn bán hàng xuyên biên giới là để trả lời câu hỏi của chính mình là: "Tại sao không thử ở Việt Nam mà vẫn có thể kinh doanh ở nhiều quốc gia khác, nhất là thời đại công nghệ ngày càng phát triển".
Tất nhiên, ông Trung cho biết bắt đầu hành trình này rất khó khăn. Trong đó, phải kể tới như rào cản ngôn ngữ hạn chế, thiếu hiểu biết nhu cầu của người dùng thế giới. "Có những sản phẩm tôi nghĩ không bán được nhưng kết quả lại bán được rất nhiều và ngược lại. Điều đó có nghĩa việc tìm kiếm thị hiếu của khách hàng là điều rất quan trọng", ông nhìn nhận.
Mặt khác, ông Trung nêu ví dụ, chính sách hoàn tiền cho người dùng cũng đặt người bán hàng trước thách thức là làm sao sản phẩm của mình phải đạt chất lượng, tạo hài lòng cho khách hàng. Có như vậy công sức của DN mới không "đổ sông, đổ bể".
Theo ông Nguyễn Văn Thành, Giám đốc Trung tâm Phát triển thương mại điện tử, DN không sợ không bán được hàng mà phải sản xuất ra sản phẩm đúng nhu cầu người dùng thế giới cần, đăng ký bản quyền, đạt tiêu chuẩn chất lượng, cũng như cạnh tranh về giá.
'Mở lối' vào chuỗi cung ứng toàn cầu
Ông Thành kể, đã biết rất nhiều cá nhân ở Việt Nam dù không tốt nghiệp đại học nhưng họ dùng phương thức TMĐT để bán hàng xuyên biên giới rất giỏi, đó có thể là những sản phẩm đặc sản địa phương như tinh bột nghệ, chè thảo dược, mật ong...
Tuy nhiên, trong bối cảnh DN, người bán hàng ở Việt Nam vẫn "chập chững" tham gia môi trường kinh doanh số thì việc cơ quan chức năng đứng ra hỗ trợ, đào tạo nâng cao trình độ là rất cần thiết. Điều này sẽ giúp các DN nhỏ và vừa tiếp cận trực tiếp với khách hàng thế giới, thay vì XK qua công ty trung gian, làm "không đến đầu đến đũa".
Đặt vấn đề cần xây dựng thương hiệu của sản phẩm trên kênh online,ôngTrịnh Khắc Toàn, Giám đốc Amazon Global Selling Việt Nam khu vực phía Bắc, cho rằng đây là điều rất quan trọng để khách hàng nhận diện thương hiệu, gia tăng mua sắm.
Lên Amazon bán gì? ông Toàn cho biết có thể bán hàng trang trí, nâng cấp thiết bị nhà cửa, đồ bếp, may mặc, giày da, thủ công mỹ nghệ...
Trong khi đó, đại diện Dự án Thúc đẩy Cải cách và Nâng cao Năng lực Kết nối của DN Nhỏ và Vừa (USAID LinkSME) nhìn nhận, thách thức để DN XK trực tuyến là làm thế nào để phát triển thương hiệu của mình, nâng cao nhận diện với người mua nước ngoài, đồng thời giảm chi phí giao hàng vì sản phẩm bán online thường có giá trị không lớn.
Theo đó, vị đại diện USAID đưa ra những khuyến nghị với DN XK trực tuyến như thế giới đang thay đổi nhanh chóng nên đặt ra thách thức với nhà cung cấp về áp lực cạnh tranh ngày càng khốc liệt. Khách hàng có nhiều lựa chọn nên đòi hỏi DN cần không ngừng nâng cao chất lượng.
Đặc biệt, bản thân các DN cần phải nâng cao chất lượng cho sản phẩm. Sản phẩm cần phải đáp ứng các tiêu chuẩn mà thị trường, người dùng thế giới cần. Thời gian qua, một số DN đi lối tắt bằng cách làm việc với đơn vị tư vấn trung gian nên thông tin không chuẩn, dẫn đến DN hiểu sai về các tiêu chuẩn, quy chuẩn sản phẩm.
"Lợi nhuận ngắn hạn không mang đến sự bền vững cho DN. XK trực tuyến còn liên quan tới đạo đức kinh doanh trong chuỗi giá trị. Nhà nhập khẩu thế giới người ta cũng quan tâm tới xuất xứ sản phẩm có bền vững không, sử dụng lao động ra sao...", đại diện USAID nhấn mạnh.
End of content
Không có tin nào tiếp theo