Yên Bái: Làm giàu từ trồng rau, dưa sạch trong nhà lưới
Lạng Sơn: Làm giàu từ chăn nuôi gia cầm / Sơn La: Khá giả nhờ bỏ ngô trồng nhãn
Khu nhà lưới 1.500 m2 trồng rau sạch của anh Đinh Xuân Trung nằm giữa cánh đồng thôn Yên Hòa và cạnh đó là nhà kho để sơ chế, đóng gói sản phẩm. Dẫn chúng tôi đi tham quan, anh Trung cho biết: "Trồng rau trong nhà lưới tuy có đầu tư cao hơn so với cách làm truyền thống nhưng nhận thức của người tiêu dùng hiện nay đã khác và ngày càng hướng đến những sản phẩm an toàn nên tôi quyết định đầu tư”.
Đầu năm 2018, sau một thời gian tìm hiểu thị trường và nhu cầu của người dân, anh quyết định dựng nhà lưới để trồng rau, củ sạch. Với số vốn 700 triệu đồng tích góp và vay mượn, anh bắt tay vào thực hiện dự án của mình.
Anh Đinh Xuân Trung thường xuyên kiểm tra và ghi chép để theo dõi sinh trưởng, phát triển các loại rau, củ.
Chỉ vào những luống rau mới trồng, anh Trung cho biết: "Ban đầu, tôi phải dùng máy bóc hết lớp đất mặt do lo ngại bị nhiễm hóa chất rồi chuyển đất bùn ao và phù sa từ nơi khác đến, hệ thống tưới tiêu nước cũng được tự động hóa. Tất cả quá trình trồng, chăm sóc, thu hoạch đều được ghi chép đầy đủ; qua đó, quản lý được lượng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật nhằm đảm bảo sản phẩm có chất lượng tốt nhất”.
Theo anh Trung, sau khi nhà lưới hoàn thiện, nhiệt độ trong nhà lưới luôn cao hơn nhiệt độ trung bình ngoài trời khoảng 2 - 4 độ C nên anh tập trung đưa các loại rau, quả trái vụ vào sản xuất nên cũng dễ tiêu thụ và thu nhập cũng cao hơn.
Như để chứng minh cho sự an toàn của vườn rau, trực tiếp ngắt quả dưa chuột trên dàn đưa lên miệng, cắn ngon lành, anh Trung chia sẻ: "Các loại phân bón, thuốc dùng tại đây đều là sản phẩm sinh học, không hề có hóa chất. Chúng tôi bảo đảm hàng hóa đến tay người tiêu dùng luôn an toàn”. Được biết, ngoài việc cung cấp cho người dân trong vùng, anh Trung đã ký hợp đồng với một số cơ quan, trường học, quán ăn trên địa bàn nên đầu ra của sản phẩm luôn ổn định.
Bên cạnh việc phát triển kinh tế gia đình, mô hình sản xuất nông nghiệp của anh Trung còn tạo việc làm thường xuyên cho 3 lao động và một số lao động thời vụ đóng góp vào công tác xóa đói giảm nghèo cho bà con địa phương.
Bà Trương Thị Ý - người dân xã Yên Hợp cho biết: "Chúng tôi được thuê làm ở đây, công việc cũng như những việc nhà nông thường ngày và có phần còn nhẹ nhàng hơn vì đã được tự động như việc tưới cây, tôi chỉ việc mở van nước, ấn công tắc là sẽ tự phun tưới cho cả khu vườn. Công việc không quá nặng nhọc, chúng tôi cũng được trả lương bình quân 5 triệu đồng/1 tháng”.
Áp dụng sản xuất nông nghiệp sạch, mô hình trồng rau, củ, quả trong nhà lưới của anh Đinh Xuân Trung đã mang lại hiệu quả kinh tế cao. Từ các loại rau, quả, bình quân mỗi tháng, anh thu lợi nhuận gần 20 triệu đồng.
Điều đáng nói, các loại rau, củ, quả thực phẩm trồng trong nhà lưới, áp dụng nông nghiệp công nghệ cao không bị ảnh hưởng bởi thời tiết, năng suất tăng cao, sâu bệnh giảm, không cần sử dụng đến các loại thuốc bảo vệ thực vật, chất lượng nông sản được nâng lên, hiệu quả kinh tế tăng gấp nhiều lần so với cách canh tác truyền thống.
Thời gian tới, anh Trung tiếp tục đầu tư mở rộng mô hình và đầu tư cây trồng thủy canh để tận dụng tối đa không gian nhà lưới, tăng lợi nhuận trên cùng diện tích. "Trồng rau thủy canh đòi hỏi đầu tư cao hơn, kỹ thuật khó hơn, nhưng tôi tin mình sẽ làm được để nâng cao năng suất, giá trị canh tác và cung cấp những thực phẩm sạch, bảo đảm an toàn đến người tiêu dùng” - anh Đinh Xuân Trung cho biết thêm.
End of content
Không có tin nào tiếp theo