Thị trường

Lạng Sơn: Làm giàu từ chăn nuôi gia cầm

Thời gian qua, xã Quốc Khánh, huyện Tràng Định đang là một trong những xã phát triển mạnh về chăn nuôi gia cầm, từ đó giúp kinh tế người dân dần ổn định, nâng cao thu nhập. Trong đó, nổi bật là chị Phạm Thị Huệ, thôn Bản Phạc.

Quảng Ninh: Giàu lên từ con cáy / Trà Vinh: Chuyển đổi cây trồng thích nghi với thời tiết mang lại hiệu quả cho người dân

Xuất thân từ nông dân “chính hiệu”, gia đình chị Huệ sống chủ yếu dựa vào trồng trọt và chăn nuôi. Trước đây, phần lớn thời gian, vợ chồng chị đều ở ngoài đồng chăm sóc lúa, ngô. Cùng với đó là chăn nuôi khoảng vài chục con gà, vịt để phục vụ nhu cầu của gia đình.

Chị Huệ tâm sự: Cách đây 5 năm, việc cấy lúa, trồng ngô và nuôi gà, vịt của gia đình chủ yếu theo kiểu tự cung tự cấp, thỉnh thoảng đến phiên chợ huyện tôi mới bán được 1 – 2 đôi gà và một ít trứng. Vì vậy, kinh tế gia đình còn gặp nhiều khó khăn.

Trăn trở, suy nghĩ tính hướng làm giàu, năm 2016, chị Huệ bàn bạc với chồng sử dụng số vốn ít ỏi của gia đình tích góp được để phát triển, mở rộng quy mô chăn nuôi. Nghĩ là làm, ngay sau đó, chị bắt tay vào việc xây dựng chuồng trại, đồng thời đặt mua hơn 100 con giống gà, vịt về để nuôi.

Ban đầu, vì kinh nghiệm của gia đình còn hạn chế nên việc chăn nuôi chưa phát triển như ý muốn, có thời điểm đàn gia cầm bị chết do dịch bệnh. Thời gian đó, gia đình chị rất chán nản, muốn trở về với công việc đồng áng như trước. Dù vậy, sau nhiều lần suy nghĩ, chị Huệ không những không bỏ cuộc mà còn đưa ra quyết định táo bạo, đó là bỏ hẳn trồng trọt, tập trung toàn bộ công sức vào chăn nuôi gà, vịt.

Chị  Phạm Thị Huệ (bên phải) tiêm phòng bệnh cho đàn gia cầm

Chị Phạm Thị Huệ (bên phải) tiêm phòng bệnh cho đàn gia cầm

Với quyết tâm cùng sự tháo vát, nhanh nhạy, đầu năm 2018, chị Huệ mạnh dạn vay thêm gần 200 triệu đồng từ người thân để mở rộng chuồng trại và quy mô chăn nuôi gà, vịt lên tới hàng nghìn con. Để tránh những rủi ro như trước kia, chị đã tìm hiểu rất nhiều từ Internet, từ các mô hình trong tỉnh và nhận được sự tư vấn từ kỹ sư chăn nuôi của một công ty chuyên về lĩnh vực chăn nuôi ở Thái Nguyên. Nhờ đó, việc chăn nuôi của gia đình chị dần phát triển ổn định, năng suất, hiệu quả dần tăng lên.

Giờ đây, với kinh nghiệm cũng như kiến thức từ thực tiễn, đàn gia cầm của chị Huệ luôn duy trì ở mức khoảng 1.500 con, bao gồm cả gà và vịt nuôi để lấy thịt và lấy trứng. Trung bình mỗi năm, gia đình chị cung cấp cho thị trường khoảng 4.000 con gà, vịt thịt cùng với trứng thương phẩm. Cùng với đó, chị Huệ liên kết với doanh nghiệp chăn nuôi, trở thành đại lý phân phối thức ăn chăn nuôi cũng như cung cấp con giống cho bà con trong vùng. Chỉ tính riêng thu nhập từ chăn nuôi gà, vịt, mỗi năm, gia đình chị thu nhập trên 200 triệu đồng, từ đó, kinh tế gia đình ngày càng khá hơn.

Với kinh nghiệm chăn nuôi của mình, chị Huệ thường xuyên chia sẻ kinh nghiệm chăn nuôi với những người khác. Không chỉ vậy, ngoài việc vận động được nhiều người trong xã Quốc Khánh thực hiện mô hình chăn nuôi để thoát nghèo, chị Huệ không ngần ngại cho họ vay vốn không tính lãi để làm ăn. Nhờ đó, chị được nhiều người ở đây quý mến. Hiện nay, chị Huệ đang cùng các hộ chăn nuôi gia cầm trong thôn tiến tới thành lập hợp tác xã sản xuất nông nghiệp với mong muốn phát triển kinh tế tập thể, khắc phục tình trạng sản xuất theo quy mô nhỏ lẻ, manh mún đồng thời hướng tới phát triển thị trường ổn định.

Với sự cố gắng nỗ lực của mình, năm 2019, chị Phạm Thị Huệ được nhận bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh vì có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua lao động, sản xuất, kinh doanh giỏi.

 

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm