Pháp luật

Thiên Ngọc Minh Uy đóng cửa, sẽ "biến hình"?

Thiên Ngọc Minh Uy có thể đã lợi dụng việc pháp luật không cấm lập công ty mới để chuyển hoạt động bán hàng đa cấp sang công ty con.

Công ty TNHH Nhã Khắc Lâm (Công ty Nhã Khắc Lâm) được cho là sẽ tiếp nhận hoạt động bán hàng đa cấp (BHĐC) của Công ty Thiên Ngọc Minh Uy - chủ nhân là ông Huỳnh Vĩnh Lợi, Phó Giám đốc Chi nhánh Thiên Ngọc Minh Uy tại TP HCM, theo tin tức trên báo Người lao động. 

Trụ sở  Thiên Ngọc Minh Uy tại Hà Nội. Ảnh Internet.

“Tiền thân” của Công ty Nhã Khắc Lâm là Công ty TNHH Gano Excel Việt Nam, được cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động BHĐC lần đầu vào ngày 30/11/2015 và xin tạm dừng hoạt động đa cấp từ giữa năm 2016. 

Đầu năm 2017, công ty này tiếp tục xin dừng hoạt động kinh doanh đa cấp cho tới ngày 17/5 nhưng lại được cho phép tiếp tục BHĐC kể từ ngày 13/4. Công ty TNHH Gano Excel Việt Nam cũng đã chuyển chủ sở hữu và người quản lý sang ông Huỳnh Vĩnh Lợi. 

Công ty Nhã Khắc Lâm hoạt động với 8 ngành nghề kinh doanh, chủ yếu là bán buôn thực phẩm chức năng; bán lẻ theo phương thức đa cấp các mặt hàng thực phẩm, thực phẩm chức năng, đồ uống, đồ điện gia dụng... Bộ Công Thương cho biết đã nắm được sự việc này và Cục Quản lý cạnh tranh cùng các đơn vị đang xác minh.

Ông Trịnh Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranh - Bộ Công Thương, xác nhận đã trình báo cáo liên quan đến Công ty Nhã Khắc Lâm lên cơ quan có thẩm quyền. 

Đại diện Bộ Công Thương cũng khuyến cáo người dân nên rút khỏi hệ thống đa cấp của Thiên Ngọc Minh Uy, tránh nghe theo các chiêu trò biến hình của công ty này. Đồng thời, bộ sẽ giám sát việc chấm dứt hoạt động bán hàng đa cấp của Thiên Ngọc Minh Uy.

 

Theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, Thiên Ngọc Minh Uy là lời nhắc nhở để chúng ta xem xét lại hệ thống pháp luật quản lý BHĐC.
“Luật của mình không cấm việc một công ty lập ra các công ty khác nhưng phải làm rõ những liên quan giữa công ty nọ với công ty kia và trách nhiệm chia sẻ như thế nào, ai chịu trách nhiệm về mặt pháp lý, chịu trách nhiệm đến đâu trong các hoạt động... 

Cái đó phải rành mạch, tránh chuyện dùng nhiều công ty khác nhau, dưới nhiều danh nghĩa khác nhau nhưng cuối cùng là cùng một hoạt động, cùng một mạng lưới và lập ra hoạt động mang tính lừa đảo những người tham gia” - bà Lan cảnh báo.

Bà Lan cho rằng với hệ thống quản lý nhà nước như hiện nay thì hoàn toàn có thể kiểm soát được tình trạng công ty mẹ xin thành lập công ty con. Quan trọng là hoạt động giám sát cần sát hơn, tích cực hơn.

Trước đó, như Doanh nghiệp Việt Nam đã đưa tin, ngày 25/4 Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương) công bố kết quả xử lý vi phạm Công ty TNHH Thiên Ngọc Minh Uy có địa chỉ trụ sở chính tại A6/D11-A7/D11 đường Đồng Bông, phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy, Hà Nội, giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp số 0101987103 do Sở Kế hoạch và Đầu tư Thành phố Hà Nội cấp lần đầu ngày 30/6/2006.

Theo đó, Cục Quản lý cạnh tranh đã tiến hành điều tra theo quy định của Luật Cạnh tranh và ban hành quyết định xử lý đối với Công ty TNHH Thiên Ngọc Minh Uy trong đó phạt tiền 140.000.000 đồng đối với 03 hành vi vi phạm.

 

Bên cạnh đó, Cục Quản lý thị trường đã tiến hành xử phạt Công ty TNHH Thiên Ngọc Minh Uy tổng cộng 75.000.000 đồng đối với 2 hành vi không thông báo với Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi doanh nghiệp có hoạt động bán hàng đa cấp sau khi sửa đổi, bổ sung Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp và Kinh doanh hàng hóa có nhãn ghi không đúng các nội dung bắt buộc phải thể hiện trên nhãn theo tính chất hàng hóa.

Quan điểm của Bộ Công Thương là xử lý nghiêm minh các vi phạm của Công ty TNHH Thiên Ngọc Minh Uy. Tuy nhiên, vừa qua, Công ty TNHH Thiên Ngọc Minh Uy đã chủ động nộp hồ sơ chấm dứt hoạt động bán hàng đa cấp. Do đó, Bộ Công Thương đã tiến hành quy trình chấm dứt hoạt động để Công ty giải quyết quyền lợi của người tham gia bán hàng đa cấp. 

Nên đọc
Trân Châu (Tổng hợp)
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo