Thiệt thòi lao động nữ trong các doanh nghiệp
Xóm trọ nghèo dưới gầm cầu Thăng Long (Hà Nội) là nơi cư ngụ của đa số công nhân khu công nghiệp Bắc Thăng Long, trong đó chiếm đa số là lao động nữ. Chị Hồ Thị Lê (quê ở Quỳnh Lưu, Nghệ An) đang trọ tại đây cùng chị gái và một người bạn.
Trong căn phòng thuê với giá 600.000 đồng/tháng không có gì đáng giá ngoài chiếc xe đạp. Điều kiện ăn ở tuy tồi tàn nhưng Lê và đa số công nhân ở đây không ngại. Họ ngại nhất là phải yêu, cưới, có bầu và sinh con.
Lê kể, lúc tuyển dụng, công ty không nói rõ về việc cấm đẻ. Nhưng khi đã tuyển vào làm việc rồi thì các nữ công nhân mới như Lê đều được nhận một thông điệp ngầm: Trong 3 tháng thử việc mà có bầu thì sẽ không được ký hợp đồng làm việc.
“Một số công nhân làm tại các khu công nghiệp khác còn bị bắt cam đoan trong 6 tháng đầu không được có con”, chị gái Lê kể thêm. Trước khi Lê vào làm tại khu công nghiệp Bắc Thăng Long, cô từng trải qua hơn 1 năm làm việc ở khu công nghiệp tại TP.Hồ Chí Minh.
Lê kể: Nhiều nữ công nhân đang mang thai hoặc sắp đến ngày sinh, hoặc sau thời gian nghỉ thai sản mà hết hạn hợp đồng thì doanh nghiệp cũng cho nghỉ việc luôn. Họ làm như vậy để trốn tránh việc phải chi trả bảo hiểm lao động, bảo hiểm y tế, chế độ thai sản cho chị em phụ nữ.
Về chuyện lao động nữ thiệt thòi vì... mang bầu, chị Lê Thu Hà (xã Song Phượng, huyện Đan Phượng, Hà Nội) cũng là người hiểu rõ. Phải khó khăn lắm sau 3 năm cưới chồng, chị mới có bầu. Nhưng cùng với niềm vui sắp làm mẹ, chị lại canh cánh nỗi lo mất việc.
“Ngay từ khi phỏng vấn tuyển dụng, công ty đã ra điều kiện, nếu chấp nhận không sinh con trong 2 năm đầu tiên làm tại công ty thì họ mới đồng ý cho thử việc. Đúng lúc sắp qua được thời gian thử việc thì lại có bầu. Bây giờ mà nói ra là chắc chắn phải nghỉ việc thôi”, chị thở dài.
Kiếm đủ cớ để đào thải
Theo Luật Lao động, doanh nghiệp không được chấm dứt hợp đồng lao động với người đang nuôi con nhỏ dưới 12 tháng. Để lách quy định này, nhiều doanh nghiệp đã khôn khéo tạo áp lực để buộc lao động nữ phải tự nguyện xin mất việc.
“Dạo này công ty làm ăn khó khăn lắm. Đơn hàng thì ít. Công ty bắt đầu đặt ra quy định là hàng tháng, tất cả công nhân phải trải qua một lần kiểm tra chuyên môn, nếu không vượt qua được bài kiểm tra thì sẽ bị cho nghỉ việc. Bọn em rất lo sẽ bị mất việc bởi quy định này. Lo nhất là các chị đang nuôi con nhỏ bởi nghỉ việc thì biết lấy gì để nuôi con”, chị Hồ Thị Lê chia sẻ.
Cùng tâm sự này, chị Vũ Thị Bích Tuyền cũng rất ấm ức về việc công ty đã đối xử tệ bạc với mình: “Tôi đang mang thai, công ty lấy cớ tôi đi làm muộn để ép tôi phải nghỉ việc”.
Hai vợ chồng anh Đinh Xuân Tăng và chị Lê Thị Hoài (quê ở Thanh Hóa) cũng ở trọ gần chỗ của chị Lê. Chị Hoài làm công nhân ở công ty Panasonic và đang mang bầu tháng thứ 6.
Chị Hoài kể: “Có chị em nhỡ mang bầu, còn phải tìm cách giấu giếm. Vì nếu bị phát hiện, công ty sẽ tìm cách gây khó dễ để chị em phải bỏ việc. Có người không chịu được căng thẳng đã phải nghỉ làm chờ sinh xong một thời gian mới tính đến chuyện tìm việc khác”.
Đảm bảo quyền lợi cho lao động nữ
Thống kê của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho thấy, ở nước ta có gần 60% phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ đang tham gia vào lực lượng lao động.
Theo bà Đỗ Thị Yên, chuyên gia của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, việc bảo đảm quyền có việc làm và bảo vệ sức khỏe cho các bà mẹ tại nơi làm việc là rất quan trọng. Nếu các ưu tiên với lao động nữ không được thực hiện thì những đối tượng này sẽ gặp nhiều trở ngại khi tìm kiếm việc làm.
Nói về việc doanh nghiệp “xử tệ” với nữ lao động, đặc biệt là trong các doanh nghiệp FDI, một cán bộ thanh tra của ngành Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết: Doanh nghiệp nào cho lao động nữ đang mang thai hoặc nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi nghỉ việc là vi phạm pháp luật.
Tuy nhiên, điều đáng nói, người lao động thường chịu thiệt thòi vì các doanh nghiệp vẫn “nắm đằng chuôi”. Bởi, các điều khoản này đang tồn tại ở dạng các quy định bất thành văn, nên người lao động cũng khó tố cáo doanh nghiệp được.
Chính vì thế, theo bà Yên, để giải quyết tình trạng phân biệt đối xử với lao động nữ, cần có chính sách một cách tổng thể, thực hiện một cách nghiêm túc. Còn với những trường hợp bị doanh nghiệp xử tệ, theo vị thanh tra này, lao động nữ đã khiếu nại mà doanh nghiệp không giải quyết hoặc giải quyết không thỏa đáng thì nên gửi đơn khiếu nại đến thanh tra Sở Lao động - Thương binh và Xã hội hoặc khởi kiện ra tòa.
Theo Tin tức
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Vì sao dự án mở rộng nhà ga T1 sân bay Đà Nẵng chậm được triển khai?
Cảnh báo mưa lớn gây sạt lở ở khu vực miền Trung, người dân cần chú ý đề phòng
Vượt qua nhiều đối thủ nặng ký, Việt Nam lần thứ 8 được vinh danh là "Điểm đến Golf tốt nhất châu Á năm 2024"
Một hãng hàng không lớn tuyển phi công tại Việt Nam
Báo Pháp giới thiệu Việt Nam như một hình mẫu chuyển đổi nông nghiệp sinh thái