Tin tức - Sự kiện

Thịt heo tiêm thuốc an thần

Khi Tổ kiểm tra liên ngành huyện Bình Chánh (Thành phố Hồ Chí Minh) bất ngờ ập vào bắt quả tang ông Bùi Anh Hiến (31 tuổi, Bình Phước) đang tổ chức mổ lậu hiện trường là căn nhà cấp 4 cũ nát, tối tăm với 2 con heo đang giết mổ nằm lăn lóc trên sàn dơ bẩn.

Điều đáng chú ý là tại hiện trường, tổ kiểm tra còn phát hiện 19 lọ thuốc Prozil (thuốc an thần), trong đó 16 lọ đã sử dụng, 3 lọ đang sử dụng, 1 ống xi lanh nhựa đang đựng thuốc Prozil. Trong 9 con heo sống đang nhốt ở chuồng trong “lò” này có đến vài con lừ đừ, có con vẫn còn “phê” thuốc ngủ chưa tỉnh dậy đi lại được.

 

Theo lời khai của ông Hiến, số thuốc này được mua tại một cửa hàng trên địa bàn Q.12, thông thường tiêm vào heo sống tối hôm trước thì sáng sớm hôm sau giết mổ. Lò mổ này tồn tại từ năm 2011 đến nay, nếu căn cứ số lọ thuốc còn lại ở hiện trường và liều lượng thuốc tiêm vào mỗi con heo, thời gian tồn tại lò giết mổ này có thể thấy có cả ngàn con heo bị tiêm thuốc an thần trước khi giết mổ, đưa ra thị trường lượng lớn thịt heo còn tồn dư thuốc an thần, một loại thuốc không có phép sử dụng phổ biến trong thú y.

 

Ông C. (một chủ lò giết mổ heo trên địa bàn H.Hóc Môn, TP.HCM), cho biết hiện nay nhiều lò giết mổ vẫn còn sử dụng thuốc an thần, kể cả các lò giết mổ chính quy chứ không riêng gì lò giết mổ lậu.

 

Do cạnh tranh nên nhiều chủ lò còn “bao” dẻo thịt theo yêu cầu của mối hàng. Bạn hàng cần bao nhiêu thịt dẻo họ đều đáp ứng, thường là tiêm thuốc vào heo vài tiếng đồng hồ trước khi giết mổ làm cho thịt heo dẻo hơn, tươi hơn, ướt hơn nên để lâu miếng thịt vẫn tươi ngon, tiểu thương bán được giá hơn, có khi hơn đến 10 giá (10.000 đồng/kg) so với thịt heo không tiêm thuốc.

 

Ông Khương Trần Phúc Nguyên - Trưởng trạm Thú y H.Bình Chánh, cho biết theo quy định, thuốc thú y sau khi loại thải khỏi cơ thể gia súc, gia cầm mới được giết mổ, thời gian loại thải này là 14 ngày, nếu giết mổ trước thời gian này thì thịt gia súc, gia cầm không được làm thực phẩm cho người. Đối với thuốc an thần Prozil là loại thuốc dùng chữa bệnh cho động vật, chỉ sử dụng theo chỉ định của bác sĩ nhưng vì lợi nhuận nên bị lợi dụng sử dụng sai mục đích.

 

Loại thuốc này mua trôi nổi bao nhiêu cũng có, người giết mổ lậu sử dụng vô tội vạ, không thể kiểm soát được, cũng không tuân thủ thời gian để thuốc loại thải khỏi cơ thể heo nên sẽ tồn dư thuốc trong thịt gây ảnh hưởng sức khỏe người dùng. “Người tiêu dùng rất khó nhận biết loại thịt heo có tồn dư chất an thần, chỉ có các xét nghiệm mới biết được. Về việc này, có thể kiểm soát bằng cách tăng cường kiểm tra các lò giết mổ chính quy nhưng các lò giết mổ lậu thì chịu thua”, ông Nguyên bày tỏ lo ngại.

 

 

 

Theo Thanh Niên Online

 

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo