Quốc tế

Thỏa thuận ngừng bắn ở Syria có là bong bóng xà phòng?

(DNVN) - Ngày 27/2, lệnh ngừng bắn tại Syria do hai đầu tàu Mỹ và Nga đồng thuận sẽ có hiệu lực. Đây là giải pháp hiệu quả hay là một điều viển vông trong nỗ lực giải quyết khủng hoảng Syria?

Để đạt được thỏa thuận ngừng bắn, cả Mỹ và Nga phải thuyết phục các đồng minh hạ vũ khí, tuy nhiên không áp dụng với lực lượng tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng và Mặt trận Al-Nusra cũng như các nhóm thánh chiến khác có quan hệ với mạng lưới khủng bố al-Qaeda.

Tuyên bố được đưa ra một ngày sau vụ tấn công khủng bố kép đẫm máu nhất trong 5 năm nội chiến kéo dài tại Syria, khiến 134 người thiệt mạng.

Cuộc nội chiến kéo dài 5 năm tại Syria đã gây ra nhiều hệ lụy.

Trong khi Tổng thống Mỹ Barack Obama hoan nghênh thỏa thuận, ông chủ Điện Kremlin gọi đây là “cơ hội cuối cùng” để chấm dứt nhiều năm nội chiến và bạo lực tại Syria. Chính quyền Tổng thống Syria Bashar al-Assad cũng lên tiếng chấp nhận những điều khoản của lệnh này, tuy nhiên khẳng định sẽ duy trì tấn công các lực lượng khủng bố.

Lệnh ngừng bắn ở Syria mà Mỹ và Nga vừa đưa ra là “phiên bản thứ hai” sau rất nhiều tuần đàm phán. Thỏa thuận tương tự trước đó đã kết thúc “trong trứng nước” khi còn chưa được thực hiện. Như vậy, có lý do để nghi ngờ tính khả thi và hiệu quả của thỏa thuận mới này.

Nhóm hỗ trợ quốc tế Syria (ISSG) đã xác định các đối tượng khủng bố là mục tiêu vẫn được duy trì tấn công sau khi lệnh ngừng bắn có hiệu lực. Thực tế, giữa ISSG tồn tại khá nhiều mâu thuẫn về vấn đề này.

Cho đến nay, điều khoản loại trừ Nhà nước Hồi giáo (IS) và Mặt trận Al-Nusra cũng như các nhóm thánh chiến khác có quan hệ với mạng lưới khủng bố al-Qaeda trong thỏa thuận được coi là một “sơ hở”. Qua đó tạo cơ sở cho Tổng thống Syria và lực lượng đồng minh tiếp tục tấn công những khu vực do lực lượng đối lập kiểm soát.

Bên cạnh đó, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tìm được “lỗ hổng” để duy trì tấn công vào lực lượng Tự vệ Nhân dân Người Kurd (YPG) tại Syria. Thời gian qua, Ankara và Washington cáo buộc nhóm này là khủng bố, nhưng chưa được quốc tế công nhận.

 

Thỏa thuận mới cũng chưa có điều khoản về quá trình giám sát ngừng bắn. Nga và Mỹ tuyên bố thiết lập đường dây nóng để tiếp nhận thông tin nếu xảy ra vi phạm, nhưng chưa có kế hoạch cụ thể.

Tuy nhiên, theo các nhà quan sát, những lỗ hổng hay sơ hở này chưa phải hòn đá tảng lớn nhất trên con đường hiện thực hóa lệnh ngừng bắn tại Syria mà chính là uy tín suy giảm của đầu tàu Mỹ tại khu vực Trung Đông. Trang Al Jazeera nhận định, ảnh hưởng của Mỹ tại Trung Đông đang ở mức tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ, khi quan hệ với Israel sứt mẻ và thỏa thuận hạt nhân với Iran khiến một số đồng minh tại đây nghi ngờ.

Nên đọc
Thu Phương (Theo Reuters)
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo