Thôi đường sắt cao tốc, vẫn xin 1,8 tỉ USD sửa đường
Tổng công ty đường sắt Việt Nam đã bỏ đề xuất làm ngay đường sắt cao tốc trong tờ trình gửi Bộ GTVT mới đây.
Trong tờ trình của Tổng công ty Đường sắt VN gửi Bộ GTVT về việc điều chỉnh chiến lược phát triển GTVT đường sắt VN đến năm 2020 cho biết, mục tiêu xây dựng đường sắt mới trên trục Bắc - Nam của Đường sắt VN đã có sự đồng nhất với mục tiêu của Bộ GTVT đưa ra trong tờ trình gửi Thủ tướng vào tháng 12/2013.
Cụ thể, Đường sắt VN đưa ra mục tiêu giai đoạn đến năm 2020 ưu tiên nâng cấp, hiện đại hóa đường sắt Bắc - Nam hiện tại lên tốc độ chạy tàu bình quân 80-90 km/giờ với tàu khách và 50-60 km/giờ với tàu hàng.
Giai đoạn 2020-2030 sẽ chuẩn bị các điều kiện để từng bước xây dựng mới đường sắt đôi, khổ 1,435m trên trục Bắc - Nam với tốc độ khai thác từ 160-200 km/giờ.
Còn tầm nhìn đến năm 2050 sẽ phấn đấu hoàn thành tuyến đường sắt đôi, khổ 1,435m trên trục Bắc - Nam và nghiên cứu nâng cấp tốc độ thiết kế cho phù hợp để đáp ứng nhu cầu khai thác (dự kiến 300-350 km/giờ), tuyến đường cũ (khổ 1m) sẽ chuyển sang vận tải hàng hóa là chủ yếu.
Trước đó, theo kết quả nghiên cứu của các đơn vị tư vấn Nhật Bản đã đưa ra bốn kịch bản nâng cấp tuyến đường sắt dài 1.762km từ Hà Nội tới TP.HCM.
Trong đó phương án A2 (nâng cấp đường đơn, không điện khí hóa, tốc độ chạy tàu lớn nhất 90 km/giờ, thời gian chạy tàu Bắc Nam còn 25 giờ 24 phút, hiện tại là 29 giờ, với năng lực khai thác 50 tàu/ngày đêm, chi phí đầu tư là 1,8 tỉ USD) thực hiện sau khi đã hoàn thành phương án A1. Phương án này cần được hoàn thành trong giai đoạn 2020-2025.
Phương án A2 được JICA kiến nghị lựa chọn do có tính khả thi nhất khi xét yếu tố kỹ thuật và hiệu quả kinh tế. Cụ thể, việc nâng cấp này đáp ứng cả nhu cầu vận tải hàng hóa lẫn hành khách với nhiều cự ly vận chuyển (trung bình, vận tải địa phương, đô thị) và gom khách cho ĐSCT.
Về kinh tế cũng được xem là hiệu quả cao với tỉ suất nội hoàn vốn đạt 14%. Sau khi được nâng cấp và đi vào khai thác năm 2030.
Sau 2030 mới xây đường sắt cao tốc
Về xây mới đường sắt Bắc Nam, JICA cho rằng với các dự án mở rộng, xây mới đường bộ cao tốc, hàng không thì từ nay tới năm 2030 trục Bắc Nam đáp ứng được nhu cầu vận tải mà không cần ĐSCT.
Tuy nhiên sau năm 2030, nếu không có ĐSCT sẽ dẫn tới ùn tắc và quá tải trên đường bộ, đường không. ĐSCT là cách thức phù hợp nhất để thỏa mãn nhu cầu về dịch vụ vận tải khách tốc độ nhanh, chất lượng cao.
Theo đó, JICA tính toán nếu tốc độ tăng trưởng GDP của VN với giả định 6%/năm thì thời điểm phù hợp để làm một trong hai đoạn ĐSCT ưu tiên là khoảng năm 2030 và hoàn thành toàn tuyến vào sau năm 2040.
Trong báo cáo JICA đưa ra để xây dựng ĐSCT tốc độ thiết kế tối đa 350 km/giờ, tốc độ khai thác 320 km/giờ thì chi phí xây dựng đoạn ưu tiên phía Bắc (Hà Nội - Vinh, dài 284km, khai thác từ năm 2036) có chi phí 10,2 tỉ USD với đơn giá 35 triệu USD/km; đoạn ưu tiên phía Nam (TP.HCM - Nha Trang dài 366km, khai thác từ năm 2031) có chi phí 9,9 tỉ USD với đơn giá 27,1 triệu USD/km.
Dự án xây dựng tuyến đường sắt cao tốc Bắc - Nam được các cơ quan chuyên môn và Chính phủ trình Quốc hội từ năm 2010 với tổng kinh phí khoảng 56 tỷ USD.
Tuy nhiên, do không đủ sức thuyết phục về hiệu quả và khả năng huy động, trả nợ vốn đầu tư, đề án này đã không được Quốc hội thông qua về chủ trương đầu tư.
Báo Đất Việt
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo