Thông cầu vượt lắp ghép tại hai nút giao thông ở Hà Nội: Giảm hẳn ùn tắc
Thông cầu, thông đường
Tại lễ thông xe sáng qua, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo cho biết, việc xây dựng hai cây cầu với kết cấu thép lắp thép tải trọng nhẹ này là một trong những giải pháp cấp bách nhằm góp phần giảm ùn tắc, bảo đảm an toàn giao thông cho Thủ đô. “Mặc dù thi công trong điều kiện hết sức khó khăn (vừa thi công vừa đảm bảo giao thông) nhưng với sự cố gắng của chủ đầu tư và nhà thầu tiến độ hoàn thành được rút ngắn từ 6 tháng xuống còn 4 tháng”, ông Thảo biểu dương.
Thời gian tới, các ban ngành sẽ cùng TP đẩy nhanh tiến độ thi công hai cây cầu với kết cấu tương tự tại nút giao thông Láng - Lê Văn Lương và Láng - Trần Duy Hưng, đảm bảo kế hoạch cho hai cây cầu này sẽ khởi công vào tháng 5 và hoàn thành trong tháng 12, đồng thời lập dự án xây dựng một số cầu tiếp theo tại các nút giao thông đang xảy ra ùn tắc khác.
Nhiều người tham gia giao thông và người dân Hà Nội sống tại hai nút giao thông Tây Sơn - Chùa Bộc và Láng Hạ - Thái Hà hôm qua đã tỏ ra bất ngờ khi thấy hai cầu vượt sau thời gian ngắn thi công đã thông xe, xóa được cảnh chen chúc, ùn tắc thường thấy tại hai nút giao thông này mỗi ngày.
“Hàng ngày chúng tôi thường phải duy trì từ hai đến ba chiến sỹ làm nhiệm vụ tại nút giao thông Tây Sơn - Chùa Bộc và Láng Hạ - Thái Hà, nhưng hôm qua, sau khi cầu vượt được thông xe, lực lượng làm nhiệm vụ ở đây hầu như rút đi để phục vụ các nút, khu vực lân cận”, Trung tá Nguyễn Văn Tài, đội trưởng Đội cảnh sát giao thông số 3, Công an Hà Nội nói.
Cũng theo đội trưởng Đội cảnh sát giao thông số 3, sau khi thông cầu, phương tiện tham gia giao thông trên các tuyến đường dẫn đến cầu như Tây Sơn, Tôn Đức Thắng, Chùa Bộc, Thái Hà và Láng Hạ, Giảng Võ, Huỳnh Thúc Kháng và một số nút thắt không bị dồn ứ lâu nên không còn tình trạng ùn tắc trên diện rộng.
Cầu lắp ghép an toàn đến đâu?
Ông Nguyễn Hoàng Giáp, Chánh Thanh tra Sở Giao thông Vận tải cho biết, do xây dựng bằng công nghệ lắp ghép nên trọng tải của cầu phù hợp với phương tiện lưu thông trong đô thị.
Theo đó, sau khi thông xe, các phương tiện xe máy, ô tô con được phép lưu thông qua cầu với tốc độ không quá 25km/h. Xe thô sơ, xe buýt, ô tô chở khách trên 9 chỗ ngồi; ô tô tải có trọng lượng trên ba tấn, kể cả các loại máy kéo và người đi bộ không được lưu thông qua cầu.
Theo đại diện chủ đầu tư, cầu vượt lắp ghép đảm bảo an toàn tối đa khi hoạt động Ảnh: T.Đảng. |
Vào các giờ cao điểm hôm qua, có nhiều ô tô đi qua, cầu vẫn có hiện tượng rung lắc nhẹ. Nhiều người lo ngại nếu xảy ra ùn tắc các phương tiện đứng kín cầu, độ an toàn sẽ như thế nào? Trao đổi với PV về việc này, ông Dương Đức Thái, Giám đốc ban quản lý Dự án Giao thông đô thị - Sở Giao thông Vận tải, chủ đầu tư dự án cầu vượt lắp ghép tại nút giao thông Tây Sơn - Chùa Bộc cho biết, cầu vượt lắp ghép được xây dựng theo các thông số kỹ thuật đã được cơ quan chuyên môn của thành phố cũng như Bộ Giao thông Vận tải thẩm định.
Hơn nữa sau khi hoàn thành và đưa vào sử dụng cầu còn được một đơn vị độc lập của ĐH GTVT là Cty Tư vấn đầu tư xây dựng công trình giao thông thử tải. Theo ông Thái, biển báo cấm phương tiện trên 3 tấn không được qua cầu, không phải là cầu chỉ chịu được trọng tải 3 tấn mà thực tế phải gấp nhiều lần con số này.
PGS.TS Bùi Xuân Cậy, Trưởng khoa Công trình - ĐH Giao thông Vận tải, một trong những thành viên nhóm nghiên cứu đưa ra phương án xây dựng hai cầu vượt lắp ghép Tây Sơn, Láng Hạ cũng cho biết, sau khi cùng Công ty Tư vấn đầu tư xây dựng công trình giao thông thử tải, các thông số kỹ thuật công trình đều đạt yêu cầu so với thiết kế.
Ông Cậy nói: “Nếu xảy ra ùn tắc, trên cầu dày đặc phương tiện ô tô con và xe máy thì cầu vẫn an toàn”.
Hai cầu vượt Tây Sơn, Láng Hạ có tổng mức đầu tư trên 132 tỷ đồng, hoàn thành sau gần bốn tháng thi công. Cả hai cầu đều cao 4,75m; rộng 9m; dài trung bình 200m, với hai làn ô tô, hai làn xe máy. Công tác thi công được thực hiện đồng hành trong xưởng (với phần cơ khí, chế tạo) và tại công trường (khoan, cọc vít).
Theo TP
End of content
Không có tin nào tiếp theo