Thông tư 02 về phân loại nợ & dự phòng
Thông tư 02/2013/TT-NHNN nội dung về phân loại nợ và tiêu chuẩn trích lập dự phòng. Tuy là một văn bản của ngành Ngân hàng nhưng nó lại có ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động của các doanh nghiệp đang gặp muôn vàn khó khăn trong thời điểm hiện tại.
Ngày 21/01/2013, NHNN đã ban hành Thông tư 02/2013/TT-NHNN về việc phân loại nợ và tiêu chuẩn trích lập dự phòng, sẽ thay thế Quyết định 493/2005/QĐ-NHNN và Quyết định 780/QĐ-NHNN đang áp dụng và sẽ có hiệu lực từ ngày 01/06/2013.
Dưới đây là một số thay đổi chính.
1. Thông tư mới mở rộng định nghĩa các khoản vay. Định nghĩa mới bao gồm cả (i) các khoản vay bằng thẻ tín dụng ; (ii) các khoản mục ngoại bảng; (iii) đầu tư vào trái phiếu công ty chưa niêm yết, (iv) đầu tư ủy thác và (v) tiền gửi tại các tổ chức tín dụng (TCTD) khác. Với quyết định 493 trước đây, các TCTD có thể tìm cách tránh trích lập dự phòng bằng cách cho vay dưới các hình thức khác. Với định nghĩa mới về khoản vay, các TCTD sẽ phải thận trọng và cân nhắc hơn khi cho vay cũng như trích lập dự phòng.
2. Áp dụng tỷ lệ chiết khấu thận trọng hơn (giá trị thế chấp = tỷ lệ chiết khấu * giá trị sổ sách) đối với một số tài sản thế chấp. Điều này có nghĩa là giá trị thế chấp sẽ thấp đi, đòi hỏi dự phòng cho khoản vay tăng lên.
3. TCTD phải gửi kết quả phân loại nợ và cam kết ngoại bảng cho Trung tâm Thông tin tín dụng (CIC) ít nhất một lần mỗi quý. Mặt khác, TCTD cần cập nhật thông tin hồ sơ khách hàng, gồm cả thông tin từ từ CIC. Mục đích của việc này là giúp TCTD biết được uy tín và khả năng trả nợ của khách hàng tại các TCTD khác để họ có thể tái phân loại khách hàng vào nhóm thích hợp. Chúng tôi cho rằng điều này sẽ giúp tránh sự khác biệt giữa tỷ lệ nợ xấu theo báo cáo (4,9% - hợp nhất từ bảng cân đối kế toán của các ngân hàng) và nợ xấu ước tính (8,82% - theo ước tính của NHNN).
4. Đối với các ngân hàng áp dụng phân loại nợ theo phương pháp định tính, cần phải kết hợp cả phương pháp định lượng. Trong trường hợp có sự khác biệt giữa hai phương pháp, cần phải phân loại các khoản vay vào nhóm có rủi ro cao hơn. Hiện chỉ có một số ít ngân hàng sử dụng phương pháp định tính là BIDV, Vietcombank và Ngân hàng Quân đội.
5. TCTD cần phải xây dựng hệ thống xếp hạng tín dụng nội bộ để đánh giá khách hàng dựa trên các tiêu định tính và định lượng, hiệu quả kinh doanh, quản trị doanh nghiệp. Hệ thống xếp hạng tín dụng nội bộ cần được cập nhật hàng năm. Trong Quyết định 493, các ngân hàng không bắt buộc phải xếp hạng tín dụng nội bộ. Lợi ích của hệ thống xếp hạng tín dụng nội bộ là nhằm cải thiện quản lý rủi ro tín dụng, do đó giảm chi phí dự phòng và xóa nợ.
PV
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo