Thông xe và khởi công các công trình giao thông trọng điểm phía nam
Ngày 7 và 8/2, người dân Nam Bộ đón nhận nhiều tin vui với việc thông xe đường cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây, khởi công dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, khánh thành cầu Năm Căn nối liền các tỉnh ĐBSCL. Các sự kiện trên đánh dấu sự phát triển mạnh mẽ về cơ sở hạ tầng giao thông, đặc biệt là hệ thống đường cao tốc đang dần hình thành nối liền một vòng Nam Bộ, tạo thuận tiện cho người dân và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội (KTXH) các tỉnh miền Tây và Đông Nam Bộ.
Rút ngắn 2/3 thời gian từ TPHCM đi các tỉnh miền Đông
Ngày 8.2, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng phát lệnh thông xe tuyến đường cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây (dài 55km) sau hơn 5 năm thi công. Thủ tướng đánh giá việc hoàn thành đưa vào khai thác tuyến đường sẽ góp phần phát triển KTXH, giải quyết việc làm, cải thiện đời sống nhân dân trong khu vực. Đồng thời, đề nghị TPHCM, tỉnh Đồng Nai cập nhật, bổ sung quy hoạch phát triển KTXH của địa phương mình để đồng bộ với tuyến đường, thúc đẩy phát triển KTXH.
Việc thông xe tuyến cao tốc này đúng vào dịp cuối năm khi nhu cầu đi lại của người dân trong dịp Tết Nguyên đán tăng cao sẽ góp phần giải quyết tình trạng quá tải, kẹt xe trên tuyến xa lộ Hà Nội, quốc lộ 1, quốc lộ 51 (đoạn đi qua TPHCM và các tỉnh miền Đông Nam Bộ). Tuyến đường cao tốc đưa vào khai thác đã rút ngắn khoảng cách, giảm thời gian, chi phí vận chuyển và đẩy mạnh giao thương giữa TPHCM và các vùng lân cận. Trước đây, từ TPHCM đi Vũng Tàu (qua trục xa lộ Hà Nội - quốc lộ 51), phải mất gần 3 giờ để đi hết đoạn đường dài 120km, nay đường cao tốc rút ngắn xuống còn 95km với thời gian chỉ khoảng 1 giờ 20 phút.
Ngay trong ngày thông xe, anh Nguyễn Hữu Dũng - lái xe khách chạy tuyến TPHCM - Đà Lạt - vui mừng nói: “Cách đây vài hôm, tôi đi hướng xa lộ Hà Nội - quốc lộ 1 đến ngã ba Dầu Giây mất 3 giờ đồng hồ, vì đoạn qua khu vực Suối Tiên, giao lộ xa lộ Hà Nội - quốc lộ 51 thường bị kẹt xe. Nhưng hôm nay, từ TPHCM đến Dầu Giây đi theo hướng đường cao tốc chỉ mất khoảng 1 giờ đồng hồ, thuận lợi cho nhà xe lẫn hành khách”. Theo ông Nguyễn Ninh - đại diện Cty vận tải Minh Lợi (Q.Tân Phú, TPHCM) - đi đường cao tốc này, các DN giảm được thời gian và chi phí nhiên liệu khoảng 20% đối với xe chở hàng từ cảng Cát Lái (TPHCM) đến các KCN ở Đồng Nai, do xe không phải vòng lại xa lộ Hà Nội và cầu Đồng Nai.
Kết nối các tỉnh miền Đông và Tây Nam Bộ
Tuyến cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây còn đảm nhận vai trò như trục cửa ngõ quan trọng tiếp nhận lượng xe từ các tỉnh miền Đông Nam Bộ, miền Trung, miền Bắc, Tây Nguyên thông qua TPHCM kết nối với các tỉnh ĐBSCL. Ông Thái Văn Chung - Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa TPHCM - cho rằng: “Chưa bao giờ sự kết nối giao thông giữa các tỉnh Nam Bộ lại thuận tiện, nối liền một vòng như hiện nay. Xe từ hướng các tỉnh miền Đông Nam Bộ đi theo đường cao tốc Long Thành - Dầu Giây về TPHCM, sau đó tiếp tục hướng vành đai 2 của TPHCM qua cầu Phú Mỹ - Nguyễn Văn Linh rồi kết nối vào tuyến cao tốc TPHCM - Trung Lương về các tỉnh ĐBSCL và ngược lại. Theo đó, thời gian đi lại giữa các tỉnh miền Đông và miền Tây tiết kiệm được thời gian 1-2 giờ đồng hồ, giảm chi phí nhiên liệu”.
Theo thạc sĩ Phạm Sanh (nguyên cán bộ Sở GTVT, giảng viên ĐH GTVT TPHCM), tuyến quốc lộ 1 lâu nay chật hẹp, chất lượng đường lại xấu, nhà cửa lại mọc sát ra quốc lộ. Tình trạng này khiến quốc lộ 1 quá tải và thường xảy ra tai nạn. Vì vậy, chủ trương của Chính phủ những năm gần đây đẩy mạnh đầu tư xây dựng mạng lưới đường cao tốc Bắc - Nam, trong đó các tuyến cao tốc khu vực Nam Bộ như chớp đúng thời cơ. Tuyến cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây được thông xe ngày 8.2, cùng tuyến cao tốc hiện hữu TPHCM - Trung Lương dài 40km (Tiền Giang) cộng với tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận (dài 51km) vừa được khởi công ngày 7.2 và sắp tới triển khai tiếp tuyến cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ, Dầu Giây - Phan Thiết, sẽ hình thành được mạng lưới đường cao tốc nối liền một vòng các tỉnh miền Tây và Đông Nam Bộ. Khi đó, từ các tỉnh miền Đông (như Long Thành - Đồng Nai) đi về các tỉnh ĐBSCL (đến Cần Thơ) chỉ mất hơn 2 giờ, thay vì hiện nay mất đến 4-5 giờ. “Hiện nay, từ TPHCM đi các tỉnh ĐBSCL, tuy đã có tuyến cao tốc TPHCM - Trung Lương nhưng giao thông chỉ nhanh được có một đoạn khoảng 40km. Các đoạn còn lại từ Trung Lương đến Vĩnh Long hay Cần Thơ, đường vẫn xấu, chật hẹp và xe phải “bò” mất nhiều giờ. Vài năm tới, khi tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận hoàn thành và tiếp theo là cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ xong thì từ TPHCM đi Cần Thơ mất chỉ khoảng hơn 1 giờ” - ông Phạm Sanh cho biết.
Không chỉ giải quyết bài toán giao thông, các tuyến đường cao tốc đã và đang xây dựng cũng tạo ra một cú hích giúp các tỉnh khu vực Nam Bộ đột phá phát triển kinh tế - xã hội
Theo Lao động
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Cảnh báo mưa lớn gây sạt lở ở khu vực miền Trung, người dân cần chú ý đề phòng
Thời điểm không khí lạnh mạnh nhất của mùa đông năm nay diễn ra khi nào?
Dinh dưỡng đầy đủ cho mẹ và bé
8 chương trình đào tạo của trường Đại học Đông Á được cấp chứng nhận kiểm định chất lượng
Lễ hội Áo dài Đà Lạt 2024 với nhiều điểm nhấn độc đáo
Cột tin quảng cáo