ThS Tống Đăng Hưng: Người dân đang dần được tôn trọng
Thừa nhận lâu nay ở đâu đó vẫn có chuyện công chức lạm quyền dẫn đến tư tưởng "ban phát" cho người dân thay vì phải phục vụ nhân dân, ThS Tống Đăng Hưng, Phó Trưởng khoa Đào tạo bồi dưỡng công chức, Học viện Hành chính Quốc gia cho rằng, việc chấm điểm công chức thật sự cần thiết. Nó cho thấy tiếng nói của người dân đang dần được lắng nghe - là bước đệm để tiến tới một xã hội dân chủ thực sự.
Biểu hiện của dân chủ
- Bắt đầu từ tháng 1 này, tỉnh Quảng Trị áp dụng việc dân chấm điểm công chức qua điện thoại. Theo ông thì động thái này thể hiện điều gì?
- Trước hết, phải thừa nhận rằng việc chấm điểm này là cần thiết. Nó cho thấy sự dân chủ hóa xã hội mà ở đó, người dân đã thực sự được lắng nghe, tôn trọng với sự hiểu biết.
- Nói thế nghĩa là, tiếng nói của người dân chỉ thực sự được coi trọng khi thực hiện chấm điểm công chức?
- Không hẳn như vậy nhưng đúng là có thực tế rằng, từ trước đến nay, ở đâu đó vẫn có chuyện nhấn mạnh vai trò của Nhà nước trong mối quan hệ với công dân quá lớn, dẫn đến quan niệm gần như Nhà nước mang tính chất ban phát cho người dân mà đúng ra phải hiểu quyền của người dân được hưởng những dịch vụ chung do Nhà nước mang lại. Nhà nước hiện đại chẳng khác nào nhà cung cấp dịch vụ còn người dân là khách hàng, mà khách hàng thì luôn luôn cần được tôn trọng.
- Nhưng có vẻ, điều này vẫn còn khá lạ lẫm ở ta?
Là bởi vì nhiều khi Nhà nước quyết định mọi vấn đề của xã hội, thậm chí còn hiểu ở góc độ quyết định mọi cái với dân. Khi quyết định quá nhiều, quyền lực quá lớn thì dễ có xu hướng là toàn quyền ban phát, không cần quan tâm tới Nhân dân xem họ có cần hay không, cần như thế nào... Bởi vì, quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân và cần hiểu Nhân dân ủy quyền của mình cho Nhà nước. Bây giờ, thông qua việc chấm điểm này, chắc chắn người dân đã được lắng nghe rồi.
- Xin chia sẻ với ông là ngay bản thân tôi khi đi làm hồ sơ, giấy tờ ở phường vẫn mang tâm lý đi "xin", vậy nên dù có bị cán bộ hành chính cao giọng hay tỏ thái độ thì đôi khi cũng đành chọn giải pháp nhún nhường để sớm được việc.
- Tôi nghĩ tâm lý này không hề hiếm gặp. Bởi thực tế thì một bộ phận công chức ngộ nhận, tưởng rằng mình có quyền lực trong tay thay vì cần hiểu rằng mình chỉ là người được Nhà nước ủy quyền để thực hiện nhiệm vụ phục vụ Nhân dân, từ đó dẫn đến lạm quyền theo kiểu thích thì làm, không thích thì thôi. Lâu dần, cả phía người thừa hành công vụ lẫn người dân quen với kiểu tư duy đó nên tâm lý trên vẫn tồn tại.
Chắc chắn giảm văn bản "trên trời"
- Ở một góc độ nào đó, ông có cho rằng chính những người dân ở Quảng Trị là những người may mắn?
- Nếu hiểu theo nghĩa người dân được quyền lên tiếng, phản hồi với Nhà nước về chất lượng dịch vụ hành chính công, điểm gì chưa hài lòng và mong muốn điều gì thì có thể nói như vậy. Nhưng như tôi biết thì không phải chỉ ở Quảng Trị đâu mà một số địa phương khác cũng đã áp dụng việc chấm điểm công chức này.
- Việc chấm điểm công chức rõ ràng là có lợi?
- Nó có lợi chứ, cho cả người dân và chính quyền. Từ phía người dân thì được quyền lên tiếng và được lắng nghe, tôn trọng; còn từ phía chính quyền là thông qua những ý kiến nhận xét, đánh giá, góp ý của người dân sẽ có cơ sở để điều chỉnh, thay đổi, từ đó nâng cao hiệu quả hoạt động của cơ quan hành chính. Đặc biệt, chắc chắn sẽ hạn chế được những văn bản "trên trời", xa rời thực tế.
- Thực tế thì chỉ có một số địa phương áp dụng việc chấm điểm công chức. Ông bình luận gì về điều này?
- Về mặt lý thuyết và thực tiễn thì không thể dàn hàng ngang trong phát triển vì nó còn phụ thuộc vào sự phát triển và điều kiện kinh tế - xã hội ở từng địa phương. Thứ nữa, bản thân người đứng đầu địa phương cũng phải nhận thức được rằng việc dân chấm điểm công chức là cần thiết thì mới có thể triển khai, từ đó có kinh nghiệm để mở rộng đến các địa bàn và địa phương khác học hỏi.
- Như vậy nghĩa là dù việc chấm điểm này thể hiện sự tôn trọng với người dân thì cũng không có nghĩa người dân trong cả nước sẽ được tôn trọng bằng nhau?
- Không nên hiểu đơn giản một chiều như thế. Bởi vì, việc chấm điểm cũng chỉ là một phương thức để tiệm cận gần hơn đến người dân mà thôi. Về mặt nguyên tắc người dân ở đâu cũng phải có được những quyền lợi bình đẳng ngang nhau. Vậy nhưng, đơn cử như trong chuyện chăm sóc sức khoẻ, đó là quyền cơ bản của con người nhưng không phải ở đâu cũng có điều kiện thực hiện ngang nhau. Ở thành phố, người dân có điều kiện tiếp cận các dịch vụ chăm sóc y tế hiện đại, dễ dàng hơn người dân ở vùng sâu, vùng xa là điều dễ hiểu. Thêm nữa, ở đâu đó, chất lượng dịch vụ hành chính công đã khiến người dân hài lòng thì không nhất thiết phải triển khai việc chấm điểm này.
- Như vậy, việc chấm điểm công chức không phải là giải pháp duy nhất trong việc đánh giá cán bộ, công chức, hiệu quả hoạt động hành chính công?
- Đúng.
Cần có khâu trung gian
- Theo ông thì điều gì chi phối việc có nên áp dụng chấm điểm công chức ở một địa phương nào đó?
- Trước hết, người lãnh đạo địa phương phải có nhận thức về việc làm sao để phục vụ Nhân dân được tốt hơn, lắng nghe ý kiến Nhân dân nhiều hơn. Thứ hai, phải xem xét các điều kiện thực tế của địa phương, trong đó có nhận thức của người dân ở địa phương như thế nào mới áp dụng. Bởi thực tế hiện nay có những nơi trình độ nhận thức của người dân còn hạn chế thì việc áp dụng chấm điểm công chức có khi chỉ là hình thức.
- Lâu nay, nhiều hoạt động của cơ quan nhà nước vẫn bị cho là hình thức. Liệu mối lo này có cơ sở trong việc chấm điểm công chức không, thưa ông?
- Bất cứ khả năng gì cũng có thể xảy ra, nhưng tôi cho rằng chúng ta có cơ sở để tin tưởng ở những địa phương áp dụng việc chấm điểm này. Dĩ nhiên, cũng cần tránh hiện tượng người dân vì hạn hẹp nhận thức hoặc quá đề cao lợi ích cá nhân dẫn đến lợi dụng việc chấm điểm này mà hạ thấp, thậm chí bôi nhọ công chức nào đó; hay có chuyện công chức nhờ cậy người dân hòng đánh bóng tên tuổi của mình. Vậy nên cần phải có cách làm khoa học để việc chấm điểm này được thực chất.
- Đó là cách gì vậy?
- Trước hết, cần phải đưa ra tiêu chí chấm điểm, đánh giá cụ thể, gần gũi, dễ hiểu với dân. Đồng thời, phải có một cơ quan độc lập để tổng hợp, đánh giá việc chấm điểm này, xem những góp ý của người dân có hợp lý không để tư vấn cho người có thẩm quyền quyết định. Sau đó, phải công khai cho người dân biết vì sao lại chọn góp ý này của người dân mà không theo góp ý kia... Làm được như thế thì không bao giờ lo việc chấm điểm công chức chỉ là hình thức.
- Trân trọng cảm ơn ông!
Từ đầu tháng 1/2015, người dân đến giao dịch tại 9 văn phòng "một cửa" ở Quảng Trị được hỏi để chấm điểm công chức, dịch vụ qua tin nhắn hoặc cuộc gọi.
Theo đó, người dân sẽ nhận được tin nhắn và điện thoại từ tổng đài ngay sau khi hoàn thành giao dịch tại văn phòng "một cửa", qua đó đánh giá kết quả phục vụ tại các văn phòng này. Ngoài ra, người dân có thể gọi điện trực tiếp đến đường dây nóng 1800 8081 để góp ý về thái độ và cách làm việc của cán bộ, nhân viên. Kết quả khảo sát sẽ được công khai trên báo, đài, loa phát thanh địa phương, cũng như trên website www.danchamdiem.vn.
Dự kiến, sau 9 văn phòng "một cửa" này, mô hình sẽ được nhân rộng trong toàn tỉnh, tiến tới toàn quốc.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Vừa đi xe đạp vừa nghe điện thoại bị phạt bao nhiêu tiền?
Làng Tom Sara Đà Nẵng được trao giải thưởng Du lịch Cộng đồng ASEAN
Thủ tướng Phạm Minh Chính dự phiên thảo luận 'ASEAN gắn kết để vươn xa'
Thủ tướng yêu cầu bảo đảm an toàn thực phẩm dịp Tết và lễ hội xuân
Chủ tịch FPT: Dược phẩm là một trong những ngành sẽ ứng dụng AI nhiều nhất