Thu hút các doanh nghiệp tham gia tái cơ cấu ngành lúa gạo
Sản xuất, xuất khẩu lúa, gạo tăng nhanh nhưng chưa bền vững; Áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất lúa còn hạn chế dẫn đến chi phí cao, chất lượng gạo thấp.
Đây là những vấn đề được các đại biểu nêu lên tại hội thảo “Nghiên cứu chính sách phát triển sản xuất lúa gạo bền vững phục vụ tái cơ cấu ngành hàng lúa gạo Việt Nam” diễn ra chiều 10/11 tại Hà Nội do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức.
Báo cáo của Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn cho thấy: hơn 20 năm qua, ngành lúa gạo Việt Nam đạt được những thành tựu to lớn, sản lượng lúa gạo liên tục tăng giúp Việt Nam không những đảm bảo an ninh lương thực trong nước mà còn giữ vị trí là một trong 3 nước xuất khẩu gạo nhiều nhất thế giới. Từ năm 1986 đến nay, năng suất lúa đã tăng 2 lần, từ 28,1 tạ/ha lên 55,8 tạ/ha. Sản lượng lúa tăng từ 16 triệu tấn lên 44 triệu tấn.
Tuy nhiên, sản xuất lúa, gạo đang phải đối mặt với nhiều thách thức như tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu; thị trường cạnh tranh quốc tế ngày càng gay gắt, đất sản xuất lúa bị thu hẹp do quá trình đô thị hóa và việc chuyển đổi sang trồng các loại cây trồng khác…
Bà Trần Thị Thu Thủy, Trưởng phòng trồng trọt, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Phú Thọ nêu ý kiến: “Chúng tôi làm cánh đồng 1 giống khoảng 20ha thì có đến 400 hộ tham gia, dẫn đến việc chỉ đạo trên diện tích đó cấy một giống lúa gặp rất nhiều khó khăn. Phú Thọ có địa hình đồng bằng, trung du, miền núi, đối với huyện đồng bằng thì có thể làm được cánh đồng 1 giống khoảng 50ha, 70ha, thậm chí 100ha thế nhưng đối với những huyện miền núi thì chỉ có khoanh vùng 10ha cũng khó khăn”.
Các đại biểu cho rằng, ngành nông nghiệp nói chung và sản xuất lúa gạo nói riêng cần tăng cường ứng dụng các biện pháp kỹ thuật canh tác lúa tiên tiến theo hướng giảm chi phí đầu vào, tăng hiệu quả đầu ra.
Theo đó, mô hình canh tác lúa tiên tiến (SRI), ruộng lúa bờ hoa, “3 giảm 3 tăng”, sản xuất theo tiêu chuẩn sản xuất nông nghiệp Tốt (VietGap)… đã được triển khai rất có hiệu quả ở một số địa phương. Đồng thời thúc đẩy các cơ chế, chính sách nhằm kêu gọi doanh nghiệp tham gia vào chuỗi sản xuất lúa gạo hiện nay, trong đó có tính đến yếu tố bao tiêu sản phẩm và xúc tiến thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu…
Ông Nguyễn Văn Vương, Phó trưởng phòng cây Lương thực, cây Thực phẩm, Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phân tích: “Các doanh nghiệp xuất khẩu gạo phải gắn kết hơn nữa đối với bà con nông dân, doanh nghiệp phải tăng cường công tác xúc tiến thương mại để khai thác những thị trường xuất khẩu ổn định từ đó quay lại ký hợp đồng với các hợp tác xã, địa phương để sản xuất những sản phẩm mà doanh nghiệp cần có như vậy sản xuất mới bền vững. Hiện nay có tình trạng là nông dân sản xuất ra nhưng không biết bán cho ai, đến khi doanh nghiệp cần đến loại gạo nào, sản phẩm nông sản nào thì người nông dân lại không sản xuất nữa không đảm bảo thu nhập của người nông dân”./.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Nghiên cứu cơ chế khuyến khích doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư vào thị trường Mỹ
Việt Nam - Nhật Bản bắt tay mở rộng thị trường, vượt qua thách thức toàn cầu
FPT mở thêm văn phòng tại Cần Thơ
Bất động sản, hàng không, bán lẻ được dự báo tăng trưởng ấn tượng
Doanh nghiệp nước giải khát đẩy mạnh phát triển bền vững