Thu hút đầu tư nước ngoài trong phát triển công nghiệp phụ trợ
Trong nhiều năm qua, Chính phủ đã có quyết định về chính sách phát triển đối với 6 ngành công nghiệp hỗ trợ và nhiều chính sách cụ thể để doanh nghiệp công nghiệp phụ trợ trong nước phát triển chế tạo và sản xuất, tiến tới là nước công nghiệp hiện đại vào năm 2020. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, ngành công nghiệp phụ trợ của nước ta chưa tận dụng được sự hỗ trợ của các tổ chức và doanh nghiệp ngành công nghiệp phụ trợ nước ngo
Ngành công nghiệp phụ trợ của nước ta trong thời gian qua chưa phát triển được do các doanh nghiệp tham gia chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa, tiềm lực về vốn, trình độ còn hạn chế. Trong khi đó, thiết bị, công nghệ dành cho lĩnh vực công nghiệp phụ trợ còn lạc hậu, nên gặp khó khăn khi tham gia vào một sản phẩm nào đó trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Do đó phần lớn linh kiện phải nhập khẩu của nước ngoài. Phân tích về tình hình cung ứng linh kiện điện, điện tử cho các doanh nghiệp lắp ráp tại Việt Nam hiện nay, vẫn còn tới 47% các loại linh kiện phải nhập khẩu, 40% do doanh nghiệp đầu tư nước ngoài tại Việt Nam cung cấp, chỉ có 1% do doanh nghiệp Việt Nam cung cấp. Tỷ lệ nội địa hóa của các sản phẩm Nhật Bản lắp ráp tại Việt Nam chỉ đạt 28%, trong khi đó ở Indonesia là 43%, Thái Lan 53% và Trung Quốc là 61%.
Theo Tổng giám đốc Doanh nghiệp Canon tại Việt Nam Kinya Okada, đối với sản phẩm Canon, riêng với máy văn phòng, 18% là sản phẩm liên doanh, 13% là sản phẩm của doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, 10% của doanh nghiệp Việt Nam, còn lại gần 60% vẫn là hàng nhập khẩu. Vì vậy, Canon luôn mong muốn có sự hợp tác, chuyển giao công nghệ của doanh nghiệp Nhật Bản cho Việt Nam để vừa nâng cao tỷ lệ nội địa hóa, vừa giảm chi phí hàng hóa, nâng cao sức cạnh tranh, nhất là trong bối cảnh kinh tế khó khăn hiện nay.
Thực tế nhiều doanh nghiệp nước ngoài hiện nay có định hướng mở rộng chiến lược nội địa hóa và nhà cung cấp tại Việt Nam. Song việc hỗ trợ nội địa hóa linh kiện còn gặp khó khăn như hiếm nhà cung cấp linh phụ kiện nào của Việt Nam đạt được trình độ công nghệ cao...
Trưởng đại diện Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản tại Hà Nội – JETRO Hirokazu Yamaoka cho rằng, nếu Việt Nam tận dụng được cơ hội này sẽ giúp ngành công nghiệp phụ trợ có những bước tăng trưởng mới. Vấn đề đặt ra là Việt Nam cần nâng cao hơn nữa năng lực công nghệ của ngành công nghiệp tại Việt Nam, bằng cách kết hợp với các doanh nghiệp nước ngoài để có nguồn linh kiện phụ tùng đầu vào, đặc biệt là doanh nghiệp Nhật Bản, Hàn Quốc.
Công tác xúc tiến thương mại và quảng bá cho sản phẩm công nghiệp phụ trợ của nước ta cũng cần được đầu tư xứng đáng để nhiều đối tác trên thế giới biết đến. Triển lãm Quốc tế về công nghệ chế tạo phụ tùng công nghiệp tại Việt Nam và Triển lãm công nghệ cao Nhật Bản, Triển lãm Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam - Nhật Bản tổ chức thường niên tại Hà Nội là một trong những cơ hội để doanh nghiệp Việt Nam tìm kiếm đối tác sản xuất và phân phối linh kiện cho ngành công nghiệp phụ trợ, đồng thời chuyển giao công nghiệp chế tạo sản phẩm công nghiệp phụ trợ cho Việt Nam hiệu quả.
Ông Chainarong Limkittisin - Giám đốc điều hành Công ty Reed Tradex - Thái Lan, một đơn vị chuyên tổ chức triển lãm, hội chợ về công nghiệp hỗ trợ cho biết, sẽ hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam trong việc quảng bá sản phẩm và giới thiệu cho Việt Nam những công nghệ cao tiên tiến trên thế giới, để nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm ở khu vực và phát triển trong cộng đồng kinh tế chung ASEAN vào năm 2015.
Để giúp ngành công nghiệp phụ trợ của Việt Nam có những bước tiến, rất cần những chính sách hỗ trợ, chiến lược cụ thể của các doanh nghiệp trong nước, chương trình xúc tiến thương mại hiệu quả. Tận dụng sự hỗ trợ của các tổ chức nước ngoài cũng là một trong những yếu tố giúp ngành công nghiệp phụ trợ của nước ta phát triển, đưa Việt Nam trở thành nước công nghiệp vào năm 2020.
Quyết Thắng
Theo ĐBND
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo