Thu hút nhân tài vào cơ quan nhà nước
Chính phủ sẽ ban hành nghị định về thu hút, tạo nguồn cán bộ từ sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ giai đoạn 2015 - 2020. Theo PGS-TS Nguyễn Thanh Hải, Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, đây là việc làm cần thiết để thu hút nhân tài.
Từng có nhiều năm giảng dạy trực tiếp trên giảng đường đại học, bà đánh giá thế nào về chất lượng đầu ra của sinh viên Việt Nam?
Tôi có may mắn được giảng dạy nhiều năm tại một trong những trường đại học hàng đầu Việt Nam (Đại học Bách khoa Hà Nội). Thực tế cho thấy, chất lượng tuyển sinh đầu vào, cơ sở vật chất dạy và học, đội ngũ giáo viên tại những trường đại học hàng đầu, có uy tín, đặc biệt là tại những trường đào tạo kỹ thuật của Việt Nam hiện nay khá cao, nên chất lượng đầu ra của rất nhiều sinh viên không hề kém cạnh bất cứ kỹ sư, cử nhân nào của các nước trong khu vực.
Nếu các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp cả trong và ngoài Nhà nước sử dụng đúng chuyên môn, chuyên ngành, tạo điều kiện cho đội ngũ kỹ sư, cử nhân này phát huy khả năng, thì chúng ta thu hút được đội ngũ cán bộ khoa học trẻ có thực tài đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước.
Tôi cũng muốn nói thêm rằng, Đảng và Nhà nước rất quan tâm tới việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao. Chính sách tạo nguồn cán bộ từ sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ giai đoạn 2015 - 2020 là một trong những chủ trương cụ thể hóa các chính sách đào tạo, sử dụng nhân tài trong giai đoạn tới.
So với các nước trong khu vực như Malaysia, Indonesia, Thái Lan, Philippines, chất lượng cử nhân, kỹ sư được đào tạo tại các trường đại học được gọi là “Top trên” thế nào, thưa bà?
Như tôi đã nói, chất lượng đầu vào của các trường đại học thuộc “Top trên” rất cao, cơ sở dạy và học, đội ngũ giáo viên tại các trường đại học này không kém nhiều so với các nước trong khu vực. Vì thế, có thể khẳng định, về trình độ chuyên môn, kỹ năng, kỹ xảo, đặc biệt là trình độ lý thuyết, đội ngũ kỹ sư, cử nhân được đào tạo tại các trường đại học “Top trên” không hề thua kém đội ngũ kỹ sư, cử nhân được đào tại bất cứ cơ sở đào tạo nào của các nước trong khu vực.
Tuy nhiên, cũng phải nghiêm túc nhìn nhận rằng, các kỹ sư, cử nhân Việt Nam lại khá hạn chế khi đối mặt với công việc thực tế, xử lý công việc cụ thể, xử lý tình huống phát sinh trong công việc chưa tốt. Đặc biệt là kỹ năng làm việc theo nhóm, khả năng ngoại ngữ, kỹ năng tổ chức công việc một cách hợp lý, khoa học, hiệu quả của đội ngũ lao động chất lượng cao còn khá yếu, chưa thể so được với đội ngũ kỹ sư, cử nhân được đào tạo tại cơ sở hàng đầu của các nước trong khu vực.
Tôi cho rằng, khi có chính sách thu hút nhân tài một cách hợp lý, cộng với việc cải tiến chương trình đào tạo, thời gian đào tạo giữa lý thuyết và thực hành cho phù hợp với thực tế, thì trong tương lai gần, những hạn chế này sẽ được khắc phục vì yếu tố quan trọng nhất là đội ngũ lao động chất lượng cao này có tố chất thông minh. Điều này được khẳng định ở kết quả đầu vào tại các trường đại học “Top trên”.
Khi đi thi thố tài năng với các nước trên thế giới và trong khu vực, thí sinh Việt Nam luôn thuộc nhóm dẫn đầu, nhưng chất lượng nguồn nhân lực của Việt Nam vẫn còn rất thấp. Bà nghĩ gì về điều này?
Thí sinh được lựa chọn đi thi thố tài năng với bạn bè năm châu và trong khu vực đều là những người thông minh, có tố chất và đặc biệt là họ được theo học lĩnh vực mà họ đam mê, yêu thích, nên phát huy được khả năng. Tuy nhiên, đây chỉ lực lượng lao động thiểu số, còn đại đa số chất lượng nguồn nhân lực sau khi được đào tạo không đáp ứng được với yêu cầu công việc.
Điều này cho thấy, công tác đào tạo chưa theo sát thị trường lao động và bản thân người lao động khi tham gia đào tạo vẫn chạy theo thị hiếu, đám đông, mà không căn cứ xem xã hội cần lĩnh vực gì, ngành nghề gì và mình có khả năng, chuyên môn, đam mê lĩnh vực nào để tham gia đào tạo, nên học những ngành mình không thích, không có đam mê, sở trường vì thế chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng được yêu cầu.
Giải quyết vấn đề này thế nào, thưa bà?
Các cơ sở đào tạo phải tự nâng cao chất lượng giảng dạy, thiết bị dạy và học, giảm chương trình lý thuyết, tăng thời gian thực hành. Bản thân học sinh khi bước vào trung học phổ thông cũng phải ý thức được rằng mình có khả năng gì, đam mê gì, thị trường lao động cần lao động có chuyên môn gì để lựa chọn ngành học.
Nhà nước cũng phải cơ cấu kinh phí cấp cho các cơ sở đào tạo căn cứ trên nhu cầu lao động của từng ngành, từng lĩnh vực không chỉ ở hiện tại mà còn phải dự tính cho cả tương lai. Trên cơ sở đó mới phân bổ kinh phí cho cơ sở đào tạo, thay vì cứ phân bổ bình quân theo đầu sinh viên như hiện nay, sinh viên học ngành thừa lao động cũng như thiếu lao động đều được phân bổ kinh phí hàng năm như nhau.
Nếu không làm được như vậy, tôi cho rằng, tình trạng cư nhân, kỹ sư, thậm chí là thạc sỹ đi làm công nhân, thậm chí hiệu quả làm việc của họ còn không bằng những người công nhân chỉ tốt nghiệp lớp 9 vẫn tiếp tục diễn ra. Hệ quả là, gây lãng phí cho cả xã hội, bản thân người lao động và gia định họ.
Theo Đầu Tư
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Cột tin quảng cáo