Thu ngân sách bớt khó khăn nhờ... tăng thuế môi trường đối với xăng dầu
Số liệu mới nhất của Tổng cục thống kê vừa công bố cho thấy, tổng thu ngân sách Nhà nước từ đầu năm đến thời điểm 15/9/2015 ước tính đạt 640,4 nghìn tỷ đồng, bằng 70,3% dự toán năm, trong đó thu nội địa 474,6 nghìn tỷ đồng, bằng 74,3%; thu từ dầu thô 49,6 nghìn tỷ đồng, chỉ bằng 53,3% dự toán do giá dầu giảm; thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất, nhập khẩu 112,8 nghìn tỷ đồng, bằng 64,5%.
Theo đánh giá của Tổng cục thống kê, nhờ điều chỉnh chính sách thu đối với một số tài nguyên khoáng sản và thuế bảo vệ môi trường đối với mặt hàng xăng, dầu, kết hợp với việc tích cực triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính của cơ quan Thuế nên nhiều khoản thu nội địa đạt khá, có khoản thu đã hoàn thành dự toán năm.
Cụ thể, số liệu cho thấy, thu thuế công, thương nghiệp và dịch vụ ngoài Nhà nước 88,4 nghìn tỷ đồng, bằng 74%; thuế thu nhập cá nhân 40,7 nghìn tỷ đồng, bằng 79,3%; lệ phí trước bạ 15,4 nghìn tỷ đồng, bằng 99,9%; thuế bảo vệ môi trường 15,1 nghìn tỷ đồng, bằng 117,1%; thu tiền sử dụng đất 39,4 nghìn tỷ đồng, bằng 101%.
Tuy nhiên còn một số khoản thu có tiến độ chậm: Thu từ khu vực doanh nghiệp Nhà nước đạt 145,1 nghìn tỷ đồng, bằng 65,7% dự toán năm; thu từ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (không kể dầu thô) đạt 94,2 nghìn tỷ đồng, bằng 66,1%.
Tổng cục thống kê cũng cho biết, chi ngân sách Nhà nước từ đầu năm bảo đảm tiến độ thực hiện các nhiệm vụ chủ yếu và nhu cầu đột xuất phát sinh.
Tổng chi ngân sách Nhà nước từ đầu năm đến thời điểm 15/9/2015 ước tính đạt 776,4 nghìn tỷ đồng, bằng 67,7% dự toán năm, trong đó chi đầu tư phát triển 116,6 nghìn tỷ đồng, bằng 59,8% (riêng chi đầu tư xây dựng cơ bản 113,2 nghìn tỷ đồng, bằng 59,4%); chi phát triển sự nghiệp kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, quản lý hành chính ước tính đạt 542,8 nghìn tỷ đồng, bằng 70,8%; chi trả nợ và viện trợ 110,4 nghìn tỷ đồng, bằng 73,6%.
Về hoạt động ngân hàng và bảo hiểm, số liệu của Tổng cục thống kê cho thấy, tính đến thời điểm 21/9/2015, tăng trưởng tín dụng đạt 10,78% so với thời điểm cuối năm 2014, đây là mức tăng trưởng cao nhất kể từ năm 2011; huy động vốn của các tổ chức tín dụng tăng 8,9%; tổng phương tiện thanh toán tăng 8,88%.
Thanh khoản của hệ thống ngân hàng thương mại tiếp tục được cải thiện, đảm bảo khả năng thanh toán và chi trả của hệ thống. Tỷ giá hối đoái bình quân của đồng Việt Nam so với đô la Mỹ biến động mạnh với các mức điều chỉnh linh hoạt trước những diễn biến bất thường của thị trường tiền tệ Trung Quốc và thế giới.
Thị trường bảo hiểm trong 9 tháng năm 2015 ghi nhận những tín hiệu khả quan với tốc độ tăng doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ đạt trên 30%; tốc độ tăng doanh thu phí bảo hiểm phi nhân thọ hơn 12%.
Trong những tháng qua, các doanh nghiệp bảo hiểm có nhiều cố gắng trong việc cung cấp ra thị trường những gói sản phẩm bảo hiểm mới cùng những quyền lợi hấp dẫn khách hàng. Cơ chế, chính sách trong hoạt động bảo hiểm cũng ngày càng được hoàn thiện và phù hợp hơn với mọi đối tượng tham gia.
Trước đó, ngày 10/3/2015, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã thông qua Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 1269/2011/UBTVQH12 điều chỉnh thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/5/2015.
Theo đó, từ ngày 1/5, mức thuế bảo vệ môi trường đối với một số mặt hàng xăng dầu sẽ chính thức được điều chỉnh tăng gấp 3 lần so với mức hiện hành. Cụ thể, theo Bộ Tài chính, mức thuế bảo vệ môi trường đối với mặt hàng xăng, nhiên liệu bay sẽ điều chỉnh tăng từ 1.000 đ/lít lên 3.000 đ/lít; mặt hàng dầu diesel tăng từ 500 đ/lít lên 1.500 đ/lít; mặt hàng dầu mazut tăng từ 300 đ/lít lên 900 đ/lít; mặt hàng dầu hoả giữ nguyên mức thuế là 300 đ/lít. Ngân sách nhà nước sẽ tăng thu 10.831 tỷ đồng từ việc tăng thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu. |
End of content
Không có tin nào tiếp theo