Thu phí ATM: Ngân hàng lờ quyền chủ thẻ
Trao đổi với báo chí, luật sư Linh nói:
- Khi ban hành thông tư 35, Ngân hàng Nhà nước đã dẫn ra một số căn cứ vào Bộ luật dân sự nghe có vẻ rất to tát nhưng đọc hết sẽ thấy thông tư này chưa đánh giá được hết thực tế những chủ thẻ đang tồn tại và sẽ phát sinh trong tương lai khi người dân mở thẻ mới, không giải quyết được đầy đủ các quan hệ dân sự đã có, đang có và sẽ xảy ra.
Một điểm không hợp lý nữa là thông tư của Ngân hàng Nhà nước căn cứ trên pháp lệnh phí và lệ phí. Nhưng pháp lệnh này chỉ quy định những loại phí bắt buộc do cơ quan nhà nước quy định. Còn phí ATM là phí dịch vụ không thuộc sự điều chỉnh của pháp lệnh phí và lệ phí. Việc Ngân hàng Nhà nước nhập nhằng dẫn đến chủ thẻ hiểu nhầm là bắt buộc phải tuân thủ, nhưng sự thật không phải như vậy.
Bên cạnh đó quy định của thông tư chưa đầy đủ, tức chỉ quy định phí mà chủ thẻ phải trả cho đơn vị cung cấp dịch vụ (là các ngân hàng), nhưng khi phí đã trả rồi mà chủ thẻ không sử dụng được giao dịch thì xử lý thế nào, trách nhiệm của ngân hàng ra sao... Ngân hàng Nhà nước lại không quy định. Tôi cho rằng như vậy không công bằng.
* Dù có nhiều ý kiến phản đối, Ngân hàng Nhà nước vẫn ban hành thông tư thu phí nội mạng từ ngày 1-3. Thu phí thời điểm này theo ông có phù hợp?
- Hiện nay người nghèo, công nhân cũng phải nhận lương qua thẻ ATM, ngay đến phí thất nghiệp cũng buộc phải rút ở ATM mà bắt trả phí là không hợp lý. Tất nhiên về phía cơ quan quản lý sẽ cho rằng mức phí 1.000-3.000 đồng/giao dịch là quá rẻ vì mức phí thực tế theo tính toán của các ngân hàng lên đến 9.000 đồng/giao dịch. Nhưng khoan hãy nói đến phí mắc hay rẻ, mà nên trả lời câu hỏi rằng liệu trong thời điểm khó khăn như hiện nay nên chăng Ngân hàng Nhà nước với tư cách là một cơ quan quản lý các tổ chức tín dụng, lẽ ra phải đứng ở vị trí trung gian, dung hòa lợi ích giữa ngân hàng và chủ thẻ lại đi ban hành thông tư thu phí ATM đúng thời điểm này có phù hợp hay không. Nhất là trong năm nay có rất nhiều loại phí mới phát sinh, trong đó có phí bảo trì đường bộ, giờ thêm phí ATM.
Nhiều loại phí dồn lại làm người dân ức chế. Khi đó người dân có thể sẽ phản ứng bằng cách không rút làm nhiều lần như trước mà rút hết tiền một lần để khỏi tốn phí. Như vậy ngân hàng có đủ lượng tiền mặt, phương tiện để tiếp tiền kịp thời cho máy ATM hay không? Rút xong liệu có an toàn để chủ thẻ mang về nhà không?... Trong khi Chính phủ đã ban hành Nghị định khuyến khích việc thanh toán qua ngân hàng để đẩy nhanh tốc độ luân chuyển tiền, làm như vậy hóa ra đi ngược lại với chủ trương khuyến khích thanh toán qua ngân hàng. Sẽ rất nhiều chuyện xảy ra mà cơ quan quản lý chưa hình dung hết được.
* Từ ngày 1-3 khi đã trả phí sòng phẳng cho ngân hàng, nếu ngân hàng không phục vụ tốt, chủ thẻ có thể kiện ngân hàng không, thưa ông?
- Tôi thấy thời gian qua mọi người tập trung vào mức phí mà không để ý quy định tiêu chuẩn quản lý ATM. Thông tư 36 quy định tiêu chuẩn mà các ngân hàng phát hành thẻ phải đáp ứng đã không lường hết các tình huống nhằm bảo đảm hài hòa lợi ích của các bên. Chẳng hạn sau khi thu phí, ngân hàng thu hẹp mạng lưới ATM thì sao...
Chính vì nhiều “lỗ hổng” như thế cho nên thông tư về thu phí có khả năng gây ra nhiều tranh chấp dân sự, nhất là khi hợp đồng ký với chủ thẻ ngân hàng không rõ ràng các điều khoản. Lấy ví dụ bản thân tôi đến ngân hàng đăng ký mở thẻ, hợp đồng sử dụng thẻ ngân hàng có điều khoản “Tôi đã đọc, hiểu rõ và đồng ý với các điều kiện, điều khoản phát hành và sử dụng thẻ” nhưng lại không nói rõ là các điều khoản gì. Tôi hỏi thì nhân viên ngân hàng chỉ giải thích sơ sơ là bao gồm phí phát hành, phí thường niên... Như vậy, với chủ thẻ không am hiểu luật liệu họ có biết có điều khoản này hay không khi ngân hàng không đính kèm vào hợp đồng sử dụng thẻ? Rồi đến khi tranh chấp xảy ra, khi đó lỗi thuộc về ai? Ngân hàng có thể đổ lỗi vì trong hợp đồng đã ghi rõ rằng chủ thẻ đã đọc, hiểu và đồng ý với quy định của ngân hàng.
Như vậy, thông tư của Ngân hàng Nhà nước chẳng những không giảm thiểu những rắc rối phát sinh trong thực tế mà có khả năng gây ra những phát sinh tranh chấp, bất ổn trong xã hội. Hậu quả sẽ vô cùng lớn vì số chủ thẻ ATM hiện nay lên đến vài chục triệu.
* Theo ông, giải pháp nào để hài hòa quyền lợi giữa người sử dụng thẻ và ngân hàng?
- Tôi cho rằng Ngân hàng Nhà nước phải xem lại tính toàn diện của thông tư 35 và 36. Thời hạn còn dài, đến ngày 1-3 mới có hiệu lực, nên chăng Ngân hàng Nhà nước nên thu hồi để nghiên cứu, điều chỉnh hoặc phải ban hành thêm những thông tư sửa đổi bổ sung một số vấn đề như đã phân tích ở trên. Các ngân hàng cũng phải sửa đổi hợp đồng kịp thời. Không có chuyện khách hàng đã đọc hiểu đồng ý các điều khoản trong khi ngân hàng không chịu đính kèm các điều khoản này vào.
Ngoài ra, cần tránh trường hợp ngân hàng quy định hợp đồng theo hướng ép chủ thẻ. Chẳng hạn trong hợp đồng sử dụng thẻ hiện nay ngân hàng luôn thòng một câu rằng “trong trường hợp ngân hàng sửa đổi các điều kiện, thay đổi biểu phí, nếu chủ thẻ không đồng ý có thể ngừng sử dụng bằng việc gửi yêu cầu chấm dứt hợp đồng bằng văn bản đến ngân hàng sau khi được thông báo”, như vậy không ổn và quá ép chủ thẻ. Ngân hàng phải có nghĩa vụ thực hiện đúng với chất lượng dịch vụ đã cam kết trước đó, còn nếu chủ thẻ không đồng ý trả thêm phí thì có thể giới hạn các dịch vụ cộng thêm.
Việt Anh (Theo TTO)
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Ngành bia và đồ uống đóng góp gần 60 ngàn tỷ đồng vào ngân sách mỗi năm
Giá cà phê thiết lập mức đỉnh mới
Kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc dự báo đạt kỷ lục
Tỷ giá ngoại tệ ngày 26/11/2024: USD tăng nhẹ
Giá vàng ngày 26/11: Vàng miếng, vàng nhẫn đồng loạt lao dốc
Giá nông sản ngày 26/11/2024: Cà phê, hồ tiêu đồng loạt tăng mạnh