Tin tức - Sự kiện

Thu phí Thăng Long: Đóng phí đường phải hoàn quỹ bảo trì?

Với trách nhiệm tham mưu, biết sai vẫn đề xuất thu phí trên đại lộ Thăng Long, Hà Nội đang làm sai luật - nhiều độc giả thắc mắc.

Yếu kém hay thách thức?

Sở GTVT Hà Nội khẳng định quyền quyết định thu phí đại lộ Thăng Long là do Thủ tướng. Ông Nguyễn Xuân Tân - Phó GĐ Sở GTVT Hà Nội cho rằng, Thủ tướng giao cho họ nhiệm vụ xây đề án thu phí từ trước khi có quỹ bảo trì, nhưng hiện đã có quỹ bảo trì Hà Nội vẫn phải thực hiện trách nhiệm báo cáo để Thủ tướng quyết định có cho thu hay không.
 
Đại lộ Thăng Long
 
Lý lẽ này một lần nữa không nhận được sự đồng tình, bởi lẽ Hà Nội là cơ quan tham mưu cho Thủ tướng nhưng lại đẩy khó cho Thủ tướng, “chẳng lẽ Hà Nội cho rằng, Thủ tướng sẽ phá lệ lách luật cho Hà Nội thực hiện một chủ trương trái luật do chính mình ban hành”, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long đặt câu hỏi.
 
TS Lê Hồng Sơn - Cục trưởng Cục kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp) khẳng định: “Nếu đồng ý cho thu phí trên đại lộ Thăng Long là phạm luật”. Ông Sơn cho rằng, trong trường hợp này Hà Nội biết phạm luật mà vẫn đề xuất là chưa làm hết trách nhiệm tham mưu.
 
Mặc dù Hà Nội lên tiếng giải thích không đẩy khó cho Thủ tướng, tuy nhiên độc giả Nguyễn Văn Pha nghi ngờ:
 
“Tôi cho rằng những người LĐ Hà Nội biết chắc 100% việc thu phí trên là trái luật nhưng sao họ cứ muốn làm?. Là họ không hiểu quyết định thu phí bảo trì cầu đường qua đầu xe thì phải bãi bỏ các trạm thu phí trên những cung đường làm bằng ngân sách hay sao? Nếu vậy, thể hiện hoặc là họ yếu kém chuyên môn hoặc hoặc đẩy khó cho Thủ tướng hoặc họ thách thức dư luận?”.
 
Độc giả Đức Long lo ngại, nếu địa phương nào cũng như Hà Nội thì không những làm khó Thủ tướng mà luật ra cũng chẳng biết để làm gì: “Đã ra luật thu phí trên đầu phương tiện có nghĩa là những văn bản yêu cầu lập đề án trạm thu phí đã không còn hiệu lực. Chẵng lẽ sở GTVT Hà Nội không hiểu điều này. Nếu tất cả các địa phương khác cũng làm như Hà Nội thì luật để làm gì?”.
 
Trong khi đó, độc giả Hương Chanh cám cảnh, cho rằng Hà Nội đã tự biết đề xuất của mình là trái pháp luật, phí chồng phí và mất lòng dân còn cố đấm ăn xôi.
 
Băn khoăn của Hương Chanh khiến độc giả Dân lo ngại trước tình trạng hàng loạt văn bản trên trời vì sao được ban hành. Độc giả này cho rằng “cả một Sở GTVT Hà Nội to đẹp, đông đúc như vậy nhưng khi không thực hiện hết chức năng tham mưu thì lại đẩy khó sang cho Thủ tướng”.
 
“Thế mới biết cán bộ, công chức của Hà Nội tận tụy thật. Bảo rằng họ không biết việc cứ xây dựng dự án thu phí trên đại lộ Thăng Long để “dự án” thành “dự phá” thì oan cho trình độ nhận thức của công chức Thủ đô quá. Họ biết cả đấy, nhưng họ cứ làm vì có làm thì mới có tiền mà.
 
Cái gì bỏ đi mặc kệ, đó là sai lầm của người khác, là tiền đóng thuế của nhiều người khác, không quan tâm. Ai nói thế nào mặc kệ người ta, tiền làm dự án đã vào túi rồi, xong rồi! Nói lại dư luận để cho mọi người biết là "chúng tôi làm vì nghĩa lớn cả đấy, không phải vì chúng tôi ít suy nghĩ để đỡ tốn tiền dân đâu!!!!!!!!!!!", độc giả Hoàng Trường Sa sót xa.
 
Nhưng ai sẽ là người chịu trách nhiệm dù biết rõ mười mươi đề xuất sai trái này. Độc giả Tran Phuong đề xuất, “lãnh đạo TP Hà Nội phải tự phê bình mình vì đưa ra những đề nghị sai luật (trình độ yếu kém)”,
 
Đi nhanh thì thu phí, tắc đường ai chịu?
 
Câu hỏi khó của độc giả Nguyen Duong buộc ngành giao thông Hà Nội phải suy nghĩ. “Không thể tùy tiện thu thêm tiền của dân nữa dù là tiền từ ngân sách Trung ương hay ngân sách Thành phố. Người dân đã đóng thuế đường bộ theo đầu phương tiện rồi, không thể nói là khi phương tiện đi nhanh hơn thì phải đóng thuế, còn lúc tắc đường thì ai chịu ?”. Lý lẽ của Hà Nội khi muốn thu bằng được phí thì quả là không thiếu, vậy nhưng khi cần câu trả lời không hiểu lãnh đạo nào sẽ trả lời những câu hỏi này?
 
“Khi muốn thu phí giao thông trên đầu phương tiện, thì nói là bỏ thu phí ở các trạm. Nay thu được rồi thì xin mở lại trạm thu phí với "những lý do được sáng tác". Và với lý do mà Hà Nội đưa ra để xin thu phí thì hóa ra cái phí mà Nhà Nước thu trên đầu phương tiện là chỉ phục vụ cho các phương tiện lưu thông những con đường kém chất lượng. Còn ai muốn đi các con đường chất lượng thì phải trả phí khác”, độc giả NVM đặt câu hỏi.
 
Độc giả Đinh Khắc Bình phân tích, “Lý lẽ này nghe không ổn? Đã là tiền ngân sách,thì không thể thu phí? Là người dân về thủ đô bất kể phương tiện gì? Đi trên đại lộ nào bằng tiền ngân sách phải là miễn phí.Việc hoàn vốn cho các công trình này là 50-100 năm, nếu khai thác hiệu quả?
 
Không người dân nào đồng tình với các dự án bằng tiền ngân sách, sau đó lại thu phí? Chuyện nhỏ như nhà vệ sinh 5 sao ở TP HCM miễn phí, không phải tiền ngân sách được dư luận đồng tình. Đã đến lúc lãnh đạo thành phố phải hiểu rằng: người dân,du lịch trong nước và nước ngoài... càng đổ về thăm thú thủ đô đông lên mới là nguồn lợi cơ bản và lâu dài... Rất nhiều các cơ sở du lịch tầm quốc gia phải đi qua đại lộ này: Làng Văn hóa Du lịch các dân tộc VN, khu chùa Thày,....họ sẽ nghĩ gì khi HN thu phí?”. 
 
Còn độc giả Thanh Nguyen hài hước nêu sáng kiến: “Theo tôi thì việc thu phí vẫn có thể thực hiện bình thường nhưng các chủ xe mỗi lần tham gia giao thông trên đoạn đường này thì lên giữ lại cuống vé, để khi tới kỳ đăng kiểm xe và phải nộp tiền phí bảo trì đường bộ thì cơ quan quản lý đó sẽ phải thanh toán lại số tiền theo trị giá vé đó”.
 
Dân đã mệt
 
Đại lộ Thăng Long dài hơn 29km, có tổng đầu tư 7.527 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách 1.840 tỷ đồng và vốn của Hà Nội là 5.687 tỷ đồng. Nếu chấp nhận cho thu phí trên đại lộ Thăng Long, là phạm luật.
 
Theo tính toán của một chuyên gia, nếu dự thảo này được thông qua, đối với ô tô, tổng hợp các loại phí có thể lên đến ít nhất 70 triệu đồng/năm. Đối với người sở hữu xe máy là 31 triệu đồng/năm.  
 
 TS Nguyễn Xuân Thủy cho biết, các loại thuế, phí của Việt Nam đã quá khủng khiếp không những “phí chồng phí” mà còn khiến cả thế giới phải kinh ngạc.
 
"Đây là những thuế phí không tưởng, không nên làm và thiếu nhân văn", ông Thủy nói về tình trạng thuế, phí đè đầu các phương tiện tham gia giao thông.
 
Độc giả VT ca thán: "Mình ra trường đi làm đã hơn chục năm nay ăn lương mỗi năm cũng chỉ được 72 triệu. Công việc thì bấp bênh làm vài tháng doanh nghiệp sản xuất lại phá sản lại chạy, tích cóp mãi mua con xe cũ 4 triệu đi làm mà phí như thế thì chắc ngỏm cù tỏi thôi. Mệt chán chính sách không biết các cụ cầm cân nảy mực nghĩ thế nào hay toàn nghĩ cái cao siêu "cái thiết thực thì Không cần biết"”.
 
Đó cũng là băn khoăn của độc giả Tran Hai Anh: “Thu lắm phí thế, kinh tế khó khăn dân còn đói nghèo mà bác cứ chia tách huyện xã ra, ngân sách hụt thu lại nghĩ đến tăng thu phí để bù vào. Mỗi xe máy bây giờ đóng từ 2 triệu tăng lên 4 triệu tiền biển và bao nhiêu khoản khác nữa. Cớ sao Hà Nội lại thu thêm phí nữa?”
 
Độc giả Bao Nguyên cho rằng Hà Nội cần phải cân nhắc giữa cái lợi trước mắt và cái lợi lâu dài. “Người ta làm đường to đẹp để giảm chi phí đi lại thu hút đầu tư tăng trưởng kinh tế, giảm phân hóa vùng. Nay mình làm đường to đẹp để thu phí hạn chế đi lại giảm phát triển kinh tế gia tăng phân hóa giầu nghèo. Làm một bài toán so sánh tiền thu phí được với tiền mà nhà nước thu được từ sự đầu tư sản xuất , tiết kiệm chi phí sản xuất, lưu thông hàng hóa, giảm được chi phí ùn tắc, tai nạn giao thông… cái nào lợi hơn.  
Báo Đất Việt
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo