Thứ trưởng Công thương: "Tôi thấy vô lý, dư luận cần lên án"
Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thăng Hải thẳng thắn nêu quan điểm trước khi giá xăng tiếp tục giảm gần 2 nghìn đồng mỗi lít vào chiều 21/1.
Tại buổi làm việc với UBND thành phố Hà Nội và tất cả các sở ngành liên quan về công tác chuẩn bị hàng hóa phục vụ Tết Nguyên đán Ất Mùi năm 2015, bên cạnh các mặt hàng thiết yếu, Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thăng Hải cũng chỉ ra nhiều bất cập trong quản lý điều hành giá cước vận tải khi giá xăng dầu liên tiếp giảm trong thời gian qua.
Ông Đỗ Thắng Hải cho biết, tại cuộc họp Chính phủ mới đây về vấn đề giá, dù với vai trò Ủy viên Ủy ban điều hành giá quốc gia, ông cũng đã phản ánh thực trạng “giá xăng dầu đã giảm gần 10.000 đồng một lít mà cước taxi và các phương tiện vận tải khác không giảm giá thì thể hiện sự bất lực của cơ quan quản lý Nhà nước”.
Thứ trưởng Bộ Công thương cũng chỉ ra thực trạng, chỉ cần xăng dầu tăng giá một chút, giá cước vận tải đã tăng. Ngược lại khi xăng dầu giảm giá họ viện đủ lý do khó khăn để không chịu giảm giá cước.
“Giá xăng giảm tại sao tôi đi taxi giá lại không giảm? Điều này tôi thấy rất vô lý, dư luận cần phải lên án” – ông Hải nhấn mạnh và nói thêm, nếu đánh giá toàn diện thì việc giảm giá xăng dầu mang lại lợi ích nhiều hơn cho nền kinh tế Việt Nam.
Trao đổi với phóng viên bên lề buổi làm việc, ông Hải cho biết tỷ trọng chi phí nhiên liệu chiếm khoảng 30 đến 40% vận tải. Nếu tính từ đầu năm 2014 đến nay, qua 15 lần giảm giá xăng dầu với mức giảm khoảng 10.000 đồng, nghĩa là chi phí nhiên liệu vận tải cũng giảm gần 40%, thì không có lý do gì giá cước không giảm.
“Mức giảm cước vận tải cụ thể bao nhiêu là phù hợp thì cần tới sự tính toán của các chuyên gia, nhưng xăng giảm giá như vậy mà cước vận tải không giảm thì thật vô lý” – ông Hải cho hay.
Như nhiều cơ quan báo chí đã phản ánh, chiều 21/1, liên Bộ Tài chính – Công thương đã thông báo về việc điều chỉnh giảm giá bán lẻ xăng dầu trong nước. Qua đó từ xăng RON92 giảm giá từ 17.570 đồng/lít, xuống còn 15.673 đồng/lít. Giá dầu cũng giảm nhẹ xuống còn 15.616 đồng/lít, dầu madut giảm xuống mức 12.222 đồng/kg. Như vậy đợt điểu chỉnh này, mỗi lít xăng đã giảm xuống 1.897 đồng.
Mặc dù giá xăng giảm liên tiếp tới 15 lần, song người tiêu dùng tỏ ra bức xúc vì giá cước vận tải không có sự điều chỉnh theo giá xăng dầu. Đây được xem là một điều vô lý trong chính sách điều hành quản lý giá hiện nay.
Tại buổi làm việc giữa Hà Nội với Bộ Công thương, bà Trần Thị Phương Lan, Phó giám đốc Sở Công thương Hà Nội cho biết, dự kiến nhu cầu tiêu dùng trong dịp Tết tăng từ 15 – 18% so với các tháng bình thường trong năm. Năm nay sẽ TP sẽ làm quyết liệt chủ trương người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, đưa hàng hóa về nông thôn, sắp xếp các điểm bình ổn giá. Tại buổi làm việc, nhiều doanh nghiệp cũng phản ánh về việc khó tiếp cận gói lãi suất ưu đãi để tham gia bình ổn giá. Lý do được đưa ra vì doanh nghiệp không còn tài sản thế chấp do đã dùng tài sản để vay vốn tại các ngân hàng đã giao dịch, dẫn đến ngân hàng không chấp thuận cho vay tín chấp trong lần đầu thực hiện giao dịch.
Tuy nhiên đại diện NHNN chi nhánh Hà Nội lại cho rằng, doanh nghiệp đánh giá cao cơ chế cho vay, thậm chí nhiều ngân hàng còn cho các doanh nghiệp tham gia bình ổn giá vay với mức ưu tiên 5-6%. Thậm chí các ngân hàng “kêu gọi nhiều nhưng doanh nghiệp lại chưa có nhu cầu. Về tài sản đảm bảo, hiện ngân hàng sẵn sàng cho vay tín chấp và rất tạo điều kiện cho phía doanh nghiệp. Đại diện NHNN chi nhánh Hà Nội khẳng định nếu doanh nghiệp có nhu cầu nhưng lại khặp khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn thì cứ phản ánh trực tiếp tới đường dây nóng và phía NHNN sẽ can thiệp trực tiếp.
End of content
Không có tin nào tiếp theo