Thủ tướng chỉ đạo kiểm tra lương doanh nghiệp nhà nước
Công văn số 1436/TTg-KTTH gửi các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và UBND các tỉnh, thành cho biết, trong thời gian qua, mặc dù Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản quy định về đổi mới chính sách lao động, tiền lương phù hợp với tiến trình đổi mới nền kinh tế, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước. Tuy nhiên, vẫn còn một số doanh nghiệp chưa tuân thủ các quy định của nhà nước.
Để đảm bảo thực hiện đúng các quy định về chính sách lao động và tiền lương trong các doanh nghiệp nhà nước, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiến hành kiểm tra toàn diện việc thực hiện các quy định về chính sách lao động và tiền lương trong các doanh nghiệp nhà nước thuộc thẩm quyền quản lý trong thời gian từ năm 2010 đến năm 2012.
Văn bản này nêu rõ: Trường hợp phát hiện sai phạm thì phải chấn chỉnh và xử lý theo đúng quy định của Nhà nước.
Cùng với đó là thực hiện rà soát lại các chính sách hiện hành của nhà nước về việc thực hiện các nhiệm vụ dịch vụ công ích, định mức kinh tế, kỹ thuật, định mức lao động trong việc lập dự toán đối với các công trình xây dựng cơ bản từ nguồn vốn ngân sách nhà nước và các doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thực hiện nhiệm vụ công ích theo đơn đặt hàng của nhà nước hoặc được nhà nước giao.
Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương gửi báo cáo có kèm theo đề xuất, kiến nghị sửa đổi, bổ sung các quy định hiện hành về lao động, tiền lương; các chính sách của nhà nước về việc thực hiện các nhiệm vụ dịch vụ công ích, định mức kinh tế, kỹ thuật, định mức lao động trong việc lập dự toán các công trình xây dựng cơ bản từ nguồn vốn ngân sách nhà nước và các doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thực hiện nhiệm vụ công ích đến Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trước ngày 30/11/2013. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội có trách nhiệm tổng hợp báo cáo của các bộ, cơ quan, địa phương trình Thủ tướng Chính phủ trước ngày 31/12/2013.
Trước đó, dư luận “choáng váng” khi vụ việc lãnh đạo của 4 doanh nghiệp công ích tại TP.HCM nhận lương tiền tỷ mỗi năm được công bố.
Bức xúc trước sự việc này, ông Nguyễn Ngọc Bảo – ĐB Quốc hội (tỉnh Vĩnh Phúc) nói: “Đất nước ta còn nghèo, trong lúc Đảng, Nhà nước và Chính phủ đang tìm mọi biện pháp nỗ lực, kêu gọi tất cả các thành phần kinh tế cùng nỗ lực cố gắng góp phần đưa đất nước vượt qua khó khăn thì thông tin những ông sếp ở các doanh nghiệp công ích nhận lương cả tỷ đồng mỗi năm càng thêm phản cảm.
Tôi không hiểu sao chuyện kéo dài hàng năm trời mà cho đến bây giờ vụ việc mới bị phanh phui? Trách nhiệm của cơ quan quản lý các doanh nghiệp này đặt ở đâu? Các cơ quan kiểm toán, thuế… không thấy có điều gì bất thường hay sao? Tất cả những điều bất thường ấy khiến cho người dân phải đặt ra câu hỏi: Liệu có lợi ích nhóm hay không?”.
Bên cạnh đó, ĐBQH Nguyễn Ngọc Bảo còn đặt ra một dấu hỏi lớn về tư cách đạo đức của các lãnh đạo doanh nghiệp với cái tiếng “công ích” này: “Dùng chiêu trò ký hợp đồng thời vụ thay vì ký hợp đồng có thời hạn hoặc không thời hạn với nhiều người để cắt xén đi quyền lợi đáng ra họ được hưởng là một việc làm vô lương tâm.
Qua sự việc lãnh đạo của 4 doanh nghiệp công ích tại TP.HCM nhận “lương khủng” gấp nhiều lần lương Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng và cả Chủ tịch UBND TPHCM, ĐBQH Nguyễn Ngọc Bảo đề nghị cần sớm phát động một chương trình kiểm tra với toàn bộ các doanh nghiệp nhà nước ở các tỉnh.
Ông Bảo nói: “Tôi cho rằng, không chỉ kiểm tra các hoạt động với doanh nghiệp nhà nước trong năm nay mà cần phải kiểm tra lại cả những năm trước nữa, ai làm trái các quy định mà đã nghỉ hưu cũng phải đưa ra xét xử bình thường, dứt khoát phải ngăn chặn được tình trạng hạ cánh an toàn, không thể để những con người như vậy kéo tụt sự phát triển của đất nước này”.
Trong khi đó, ông Nguyễn Sỹ Cương - Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cũng nhận định, sự việc kéo dài hàng năm trời mà không bị phát hiện là rất đáng ngờ.
“Nếu so sánh lương hành chính với lương doanh nghiệp là khập khiễng. Tuy nhiên, đây là doanh nghiệp công ích đưởng hưởng nhiều ưu đãi của nhà nước, vì thế một ông giám đốc hưởng mức lương cao hơn 41 lần người lao động tại đơn vị ấy là không chấp nhận được. Mức lương của vị giám đốc này cũng gấp khoảng 20 lần những đại biểu quốc hội như tôi. Vai trò của các cơ quan liên quan có trách nhiệm giám sát hoạt động của 4 doanh nghiệp này không có tiếng nói gì, vì thế dư luận có quyền đặt câu hỏi: Một là có sự quan liêu trong quy trình phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước, hai là đang có vấn đề lợi ích nhóm. Bây giờ, chúng ta mới được biết về mức lương tiền tỷ của các ông giám đốc này trong năm 2012. Vậy còn những năm trước thì sao, không ai hay biết?”, ĐB Cương nói.
ĐB Quốc hội Nguyễn Sỹ Cương cũng đồng tình với một số nhận định: Cần phải có một cuộc kiểm tra ở nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước sau sự cố lương “khủng” này.
Ông Cương nhận định: “Ở một địa phương lớn như TP.HCM mà còn xảy ra chuyện như vậy thì cũng không loại trừ những chuyện tương tự có thể cũng đã xảy ra ở một số địa phương khác, có thể số tiền không lớn tới mức ấy nhưng tỷ lệ chênh lệch phần trăm giữa nhóm người làm công tác quản lý và người lao động còn lớn hơn nhiều
Thất thoát lãng phí thì rất nhiều, có khi hàng chục tỷ đồng nhưng chẳng ai bị làm sao cả. Tiền thất thoát không thu hồi được, nhưng lại không thể quy được trách nhiệm cho cơ quan quản lý nhà nước, hay nói cách khác là không ai chịu trách nhiệm… rồi lại kết luận chung chung là do buông lỏng quản lý”.
Trả lời câu hỏi của phóng viên về sự so sánh lương của Thủ tướng Chính phủ với lãnh đạo của 4 doanh nghiệp nhận "lương khủng" ở TPHCM, Bộ trưởng Vũ Đức Đam cho biết: "Tôi không nhớ con số chính xác lương Thủ tướng là bao nhiêu, nhưng khoảng 14 lần hệ số lương cơ bản. Theo hệ số mức lương tối thiểu mới điều chỉnh là 1.150.000 đồng thì có thể tính ra mức lương của Thủ tướng khoảng trên dưới 15 triệu đồng (hệ số lương của Thủ tướng là 12,5)". |
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Bộ LĐ-TB&XH sẽ rà soát, đề xuất Chính phủ mức tăng lương tối thiểu vùng phù hợp
Đà Nẵng: Cuộc thi ‘Hồn phố’ thu hút giới trẻ
Giáo dục tiếng Hàn trong bối cảnh xã hội siêu kết nối
Năm 2025, EVNCPC xây thêm 70 nhà tình nghĩa tại miền Trung - Tây Nguyên
Năm 2025, phấn đấu nâng hạng ga quốc nội sân bay Đà Nẵng chuẩn 4 sao Skytrax
Nâng cao nhận thức về mối đe doạ của kháng thuốc