Tin tức - Sự kiện

Thủ tướng Chính phủ nêu 4 nguyên nhân dẫn đến đình trệ phát triển đất nước

Đây là chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc kết luận tại phiên họp trực tuyến Chính phủ với các địa phương vào chiều 2/7.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc.

Phát biểu kết thúc phiên họp trực tuyến Chính phủ với các địa phương vào chiều 2/7, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá các ý kiến phát biểu của lãnh đạo một số bộ ngành, địa phương cụ thể, phong phú, không chỉ phản ánh tình hình mà đặc biệt nêu giải pháp, kiến nghị rất cụ thể. Thủ tướng giao Văn phòng Chính phủ tổng hợp báo cáo Thủ tướng và các Phó Thủ tướng để xử lý cụ thể. Có những kiến nghị tâm huyết, đúng đắn, có thể giải quyết được.

Chính phủ đánh giá cao mức tăng trưởng kinh tế đạt được trong 6 tháng đầu năm 2018. "Ngay từ đầu năm, tôi đã nói "không được ngủ quên trên vòng nguyệt quế, không say sưa trên đà thắng lợi của năm 2017".  Nghị quyết 01-NQ/CP được chủ động triển khai ngay từ đầu năm 2018. Các địa phương thường xuyên kiểm tra đôn đốc thực hiện, cùng sự hỗ trợ của Quốc hội, các Bộ, các cơ quan có liên quan thì mới có kết quả hôm nay.

Mặc dù đạt tăng trưởng cao nhất trong 8 năm nhưng quán tính đang giảm đi, cần tiếp tục bổ sung động lực mới cho tăng trưởng trong quý III, IV năm 2018 và năm 2019" - Thủ tướng lưu ý.

Thủ tướng cũng nêu bật 4 nguyên nhân dẫn đến những đình trệ trong phát triển đất nước. Đó là chưa tuân thủ đúng tinh thần kinh tế thị trường định hướng XHCN; kỷ cương phép nước không thực hiện nghiêm túc; tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm xảy ra trầm trọng kéo dài và bệnh quan liêu, xa dân trong nhiều vấn đề, nhiều chủ trương, chính sách.

Chính vì vậy, tại Hội nghị quan trọng này, Thủ tướng đề nghị các ngành, các cấp, các địa phương cần tiếp tục huỷ bỏ các điều kiện kinh doanh vô lý, không cần thiết với tiến độ nhanh hơn; phát hiện và ngăn chặn nguy cơ xuất hiện các điều kiện kinh doanh mới nằm núp bóng ở thể chế, chính sách pháp luật mới ban hành. Và nền kinh tế cần lấy mục tiêu hiệu quả làm đầu, cần cải thiện mạnh mẽ hơn nữa hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước nhờ sự trợ giúp của CNTT.

 

"Cán bộ mà cứ ôm vào mình quyền lợi không chính đáng, cái gì cũng phải gặp tôi; các Cục, Vụ; các chuyên viên có liên quan phải cải cách mạnh mẽ việc này hơn..." - Thủ tướng nêu.

Thủ tướng cũng cho rằng đang xuất hiện sức ì ngày càng lớn cản trở mục tiêu cải thiện môi trường kinh doanh. "Không thể để tình trạng không làm cũng không sao, làm không tốt cũng không sao. Chúng ta không thể dung túng cho sự thờ ơ, thiếu trách nhiệm, không cần nỗ lực của cán bộ. Cần một cơ chế đánh giá cán bộ tốt hơn, công bằng hơn" - Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng cũng đánh giá, 2 năm gần đây, môi trường kinh doanh liên tục được cải thiện nhưng mức độ quyết liệt, cải cách thực chất chưa đồng đều giữa các bộ, ngành và địa phương. Tình trạng "trên nóng dưới lạnh", tình trạng chia lẻ các quyền lực khác nhau vẫn còn phổ biến. Sức ì cải cách xuất hiện và ngày càng lớn, nhất là một số vụ việc gần đây. Việc xử lý nghiêm những cán bộ vi phạm thì sức ì này, trách nhiệm này chúng ta chưa làm đến nơi đến chốn.

Thủ tướng nêu: "Cứ ngại trách nhiệm, sợ trách nhiệm, cứ né tránh trách nhiệm thì làm sao xã hội phát triển  được  trong khi quyền lực đó, trách nhiệm đó thuộc về các đồng chí, những người thực thi".

Thủ tướng nhấn mạnh đến việc phải coi vấn đề tạo  môi trường kinh doanh thuận lợi là nhiệm vụ chính trị. Cải cách hành chính ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường kinh doanh. Do đó, không  được coi cải cách  hành chính là hình thức mà phải thực chất, không hô khẩu hiệu.

 

Về vấn đề truyền thông, Thủ tướng cho rằng cần tập trung tuyên truyền để dân hiểu đối với chủ trương chính sách của chúng ta. Vừa rồi một số chủ trương dân chưa hiểu, dân chống đối, đó là trách nhiệm của chúng ta. Thứ hai, phải đấu tranh phản bác thông tin sai sự thật, nhất là tin đồn bịa đặt vu khống. Thứ ba là xử lý nghiêm vi phạm.

"Chủ trương đường lối nhiều nhưng không tuyên truyền tốt cho người dân qua các kênh khác nhau thì cũng không có tác dụng" - Thủ tướng lưu ý.

Về các vấn đề xã hội mà Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã nêu tại Hội nghị, Thủ tướng đề nghị các đồng chí Bí thư, Chủ tịch cấp địa phương cần đặc biệt quan tâm.

Tại Kỳ họp Quốc hội thứ 5 vừa diễn ra, qua lắng nghe ý kiến các đại biểu, Thủ tướng nhận thấy, bên cạnh các ý kiến đóng góp về kinh tế  thì các đại biểu còn quan tâm nhiều đến các vấn đề xã hội, ở cả nông thôn, miền núi lẫn đô thị... Đó là các vấn đề liên quan đến đạo đức xã hội, gây bất an trong xã hội rất lớn.

Cuối cùng, Thủ tướng yêu cầu các địa phương phải có cuộc họp chuyên đề, đối thoại, giải quyết các vấn đề của nhân dân, trong đó chủ yếu  liên quan đến đất đai, đền bù giải phóng mặt bằng. Thủ tướng cho biết vấn đề Thủ Thiêm sẽ được tập trung giải quyết và kết luận. Thủ tướng đề nghị không để xảy ra khiếu kiện đông người kéo dài ở Hà Nội, TP.HCM... và các tỉnh, thành khác.

 

Nên đọc
Theo Infonet
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo