Thủ tướng: Công tác cán bộ tại Bộ Công Thương còn nhiều bất cập
Đây là đánh giá của người đứng đầu Chính phủ tại Hội nghị trực tuyến tổng kết công tác năm 2016 và triển khai nhiệm vụ năm 2017 ngành Công Thương diễn ra sáng nay 6/1.
Tại Hội nghị, Thủ tướng đánh giá, công tác cải cách hành chính, cơ cấu lại bộ máy, hoạt động của Bộ Công Thương đã đạt kết quả tốt theo hướng tinh giản và hiệu quả.
“Có thể nói, đây là Bộ làm việc này tốt nhất”, Thủ tướng nhìn nhận. “Số đầu mối giảm xuống, biên chế giảm xuống. Số phòng trong cục, vụ giảm xuống. Đặc biệt, một số thể chế quan trọng để thực hiện chủ trương Chính phủ kiến tạo, phục vụ người dân và doanh nghiệp thì các đồng chí làm hết sức tiến bộ và ấn tượng”, Thủ tướng nói và cho biết thêm, Bộ Công Thương đã bỏ nhiều quy định, thủ tục về đầu tư, kinh doanh; khai trương cổng dịch vụ công trực tuyến tích hợp toàn bộ các dịch vụ công cấp độ 3, 4 của Bộ tại một cửa duy nhất.
“Hôm qua, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đã ký quyết định bãi bỏ quy hoạch thương nhân xuất khẩu gạo để chúng ta điều hành vấn đề này sát thị trường hơn. Đây là điểm nhấn trong cải cách hành chính của các bộ, ngành Trung ương để phục vụ người dân, doanh nghiệp tốt nhất, thuận lợi nhất”, Thủ tướng nói và đề nghị hội trường dành tràng pháo tay biểu dương sự cố gắng này của Bộ Công Thương.
Bên cạnh đó, hoạt động hội nhập kinh tế quốc tế đạt được nhiều kết quả tích cực; đặc biệt là tổng kim ngạch xuất khẩu tăng 8,6%, xuất siêu 2,68 tỷ USD, góp phần quan trọng cải thiện cán cân thanh toán. Việt Nam tăng 14 bậc và đứng thứ 73/139 quốc gia trong Báo cáo thương mại toàn cầu năm 2016 của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF).
Cũng tại Hội nghị, ngoài những mặt tích cực, Thủ tướng cũng đã chỉ ra một số mặt tồn tại như ngành khai khoáng giảm sút mạnh (gần 6%), trong đó dầu thô giảm gần 10%. Nhiều dự án thuộc ngành công thương bị thua lỗ kéo dài. Một số dự án triển khai chậm, không bảo đảm tiến độ, nhất là một số dự án điện của các đơn vị thuộc Bộ Công Thương.
Một số chiến lược, quy hoạch chưa phát huy được hiệu quả, chưa tạo được động lực và hỗ trợ cần thiết để khu vực tư nhân tham gia trong phát triển công nghiệp quốc gia như chiến lược phát triển ngành cơ khí, ô tô, thép… Sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp Nhà nước, nhất là cổ phần hóa, được chú trọng một bước nhưng nói chung còn chậm, chưa hiệu quả.
Đặc biệt, theo người đứng đầu Chính phủ, công tác cán bộ thời gian qua còn nhiều bất cập, tạo dư luận không tốt, ảnh hưởng đến uy tín của ngành, trong đó có việc quản lý, bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo một số doanh nghiệp Nhà nước trực thuộc.
End of content
Không có tin nào tiếp theo