Thủ tướng ‘gỡ’ nhiều nỗi lo cho công nhân
Gặp gỡ, đối thoại với Thủ tướng sáng 20/5, công nhân Vũ Xuân Đạt, Công ty Kefico (Hải Dương) chia sẻ, tốt nghiệp năm 1997, anh phải vào Nam mưu sinh, làm nghề phụ hồ rồi được giới thiệu làm công nhân ở TP.HCM. Anh đã thi đỗ vào trường trung cấp nghề thuộc trường Đại học Sư phạm kỹ thuật, nhưng chỉ học được 1 tháng vì số tiền dành dụm của công nhân không đủ trang trải cuộc sống. Sau đó, anh đã lập gia đình với người vợ cũng là công nhân. Năm 2011, anh Đạt trở về quê, với kinh nghiệm nghề nghiệp, anh thi tuyển vào vị trí trưởng chuyền, tự học thêm tin học quản lý và bây giờ là trưởng ca phụ trách hơn 80 lao động.“Thưa Thủ tướng, khát khao được học tập nâng cao trình độ, phải nỗ lực học tập, không ngừng nâng cao trình độ nghề nghiệp để tiến bộ là mong muốn cháy bỏng không chỉ của em mà còn nhiều công nhân khác”, anh Vũ Xuân Đạt bày tỏ mơ ước về dự định trong tương lai: “Em có một chiếc máy tính đã dùng gần 10 năm, giờ đã không còn sử dụng được, cả nhà em đang tích cóp để mua máy tính mới, cả nhà cùng học vì con em cũng cần sử dụng máy vi tính”.
Lắng nghe chia sẻ của anh Đạt, Thủ tướng thay mặt đoàn đại biểu Trung ương quyết định tặng ngay cho gia đình công nhân Vũ Xuân Đạt một bộ máy vi tính. Thủ tướng mong muốn bản thân anh Đạt có phương tiện để học tập tốt hơn, khuyến khích những trường hợp tương tự như anh Đạt nỗ lực học tập nâng cao trình độ và mong muốn tất cả công nhân cần có khát vọng vươn lên.
Đánh giá cao nỗ lực của anh Đạt từ nông dân đi làm thợ hồ rồi trở thành công nhân kỹ thuật và có khát vọng cao hơn trong cuộc cách mạng 4.0, Thủ tướng cho rằng: “Nếu các bạn có khát vọng, có niềm say mê để tiến bộ thì Đảng, Nhà nước, người chủ doanh nghiệp và gia đình luôn luôn tạo mọi điều kiện và tôi tin sẽ có nhiều phần quà hơn nữa cho các bạn có khát vọng”.
Cũng liên quan đến vấn đề cách mạng công nghiệp 4.0, công nhân Đoàn Văn Vương, Cty TNHH Youngone (Nam Định) đặt câu hỏi: “Chính phủ đã và sẽ có giải pháp gì để đảm bảo việc làm, thu nhập của người lao động trong lĩnh vực này và các lĩnh vực khác, thưa bác?”.
“Tôi rất vui khi được nghe các em chủ động trao đổi với tôi về những thách thức mà cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 tạo ra đối với chúng ta. Điều này thể hiện nhận thức, thái độ của một bộ phận anh chị em công nhân là rất chủ động, sẵn sàng đón nhận, đối diện, quan tâm đến những vấn đề lớn, quan trọng của đất nước”, Thủ tướng nói. Quan điểm tiếp cận của Chính phủ đó là cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 là cơ hội thực hiện khát vọng phồn vinh của dân tộc. Chúng ta không thể bỏ lỡ và cần chủ động nắm bắt. Vấn đề là phải biến thách thức thành cơ hội. Nhiều việc làm mất đi nhưng phải làm xuất hiện những việc làm mới tốt hơn.
Lắng nghe chia sẻ của công nhân, Thủ tướng đã hỏi lại: “Bạn đã chuẩn bị gì cho cuộc cách mạng 4.0?”.
Anh Đoàn Văn Vương cho biết, bản thân luôn có gắng học tập, nâng cao tay nghề, tự mày mò học hỏi để có thể sử dụng ngày càng thành thục những máy móc mới của doanh nghiệp, để từng bước nâng cao năng suất lao động.
Giải quyết vấn đề nhà ở, tiền lương
Một vấn đề được nhiều công nhân quan tâm là nhà ở, tiền lương. Công nhân Trần Thị Thanh, Công ty TNHH Vietinak (Hưng Yên) bày tỏ: “Chính phủ chuẩn bị sửa đổi Nghị định 49/2013, trong đó có việc bỏ hoặc cắt giảm thang lương, bảng lương, điều này ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người lao động, dễ tạo cơ hội cho doanh nghiệp ép tiền lương anh em công nhân. Kính mong Thủ tướng xem xét việc này, vì đại đa số anh em công nhân đang hết sức quan tâm và không đồng tình với phương án sửa này?”
Lắng nghe tâm tư của công nhân, Thủ tướng khẳng định: Vấn đề lương trong doanh nghiệp đã được đề cập trong Nghị quyết Trung ương 7 về cải cách chính sách tiền lương với định hướng: Tiền lương là giá cả sức lao động, hình thành trên cơ sở thỏa thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động theo quy luật của thị trường có sự quản lý của Nhà nước.
Nhà nước quy định tiền lương tối thiểu là mức sàn thấp nhất để bảo vệ người lao động, đồng thời là một trong những căn cứ để thỏa thuận tiền lương và điều tiết thị trường lao động. Doanh nghiệp (kể cả doanh nghiệp 100% vốn nhà nước) được tự chủ quyết định chính sách tiền lương (trong đó có thang, bảng lương, định mức lao động) và trả lương theo năng suất lao động và hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
“Qua ý kiến của anh chị em, tôi đề nghị Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, cơ quan chủ trì soạn thảo Nghị định 49 sửa đổi cần lấy ý kiến rộng rãi người lao động và tổ chức Công đoàn các cấp, cẩn trọng xem xét thấu đáo các vấn đề, không gây sốc cho số đông người lao động, không tạo kẽ hở để người sử dụng lao động ép lương người lao động”, Thủ tướng nêu rõ.
Đề cập đến gánh nặng nhà ở, chi phí học hành, chị Phạm Thị Khuyên, công nhân Công ty TNHH Canon Việt Nam cho biết, do là người ngoài tỉnh nên việc học hành của con em công nhân gặp rất nhiều khó khăn. Hiện ở Hà Nội, chính quyền và một số doanh nghiệp chỉ bố trí được 10% nhu cầu nhà ở và 1 trường mầm non với số lượng 300 cháu cho công nhân lao động tại Khu Công nghiệp. Số còn lại đều phải thuê nhà ở trong dân và gửi con tại các nhóm trẻ tư thục nên chi phí sinh hoạt rất cao.
“Cháu đề nghị Chính phủ và chính quyền địa phương tạo điều kiện xây dựng nhiều nhà ở cho công nhân thuê, nhiều trường công lập gần các khu công nghiệp để công nhân an tâm làm việc”, chị Khuyên kiến nghị.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết vấn đề nhà ở, trường học cho công nhân là vấn đề lớn, luôn được lãnh đạo Đảng, Nhà nước quan tâm chỉ đạo thực hiện. Tại 2 lần gặp gỡ, đối thoại với công nhân ở Đồng Nai (2016) và Đà Nẵng (2017), Thủ tướng đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tập trung triển khai thực hiện quyết liệt nhiệm vụ này. Đến nay nhiều địa phương, bộ, ngành đã tích cực vào cuộc và đã đạt được một số kết quả nhất định.
Tuy nhiên, người đứng đầu Chính phủ cho rằng những kết quả này vẫn chưa đáp ứng được mong mỏi của anh chị em công nhân cũng như yêu cầu của Chính phủ. Nhiều địa phương cần áp dụng mô hình xây dựng khu thiết chế công đoàn, bán nhà ở giá rẻ đối với công nhân. Thủ tướng hoan nghênh Hà Nội đã dành đất xây dựng nhà ở xã hội tại Thủ đô.
Thủ tướng yêu cầu phải có hệ thống nhà trẻ để con em công nhân có chỗ ở nhà trẻ đạt tiêu chuẩn. Việc xây dựng nhà trẻ bằng phương thức xã hội hóa, tạo điều kiện tối đa cho công nhân. Thủ tướng cũng chỉ đạo không riêng Hà Nội, các địa phương cũng cần dành quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội cho công nhân.
Công nhân Nguyễn Thị Thanh Huyền, đến từ Công ty TNHH NMS Việt Nam (Hà Nam) bày tỏ với Thủ tướng rằng, hiện tại người lao động ngoại tỉnh thuê nhà trọ phải chịu tiền điện, nước theo giá kinh doanh, tức là giá cao hơn các hộ gia đình sinh hoạt bởi chủ các nhà trọ kinh doanh phòng trọ phải chịu giá này và áp lên người thuê. "Đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương xem xét, giải quyết kiến nghị này".
Thủ tướng khẳng định việc những ông chủ nhà trọ yêu cầu công nhân trả tiền điện, nước cao hơn quy định là trái pháp luật. Đồng thời, yêu cầu ông Dương Quang Thành, Chủ tịch HĐQT, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) giải đáp việc này.
Giải đáp trước Thủ tướng và công nhân, ông Dương Quang Thành, cho biết việc cung ứng điện cho các khu nhà trọ đã được quy định tại Thông tư 16 của Bộ Công Thương. Theo đó, tại các khu nhà trọ áp dụng giá điện sinh hoạt như giá điện bậc thang… Vì vậy, ông Thành khẳng định với công nhân, việc tăng giá là không đúng quy định pháp luật: “EVN sẽ phối hợp địa phương kiểm tra việc áp giá, các quy định của Chính phủ để có biện pháp xử lý kịp thời…”.
“Nếu công nhân gặp khó khăn hoặc bị tăng giá điện sai quy định có thể gọi đến tổng đài 19006768 để phản ánh”, ông Thành nhấn mạnh.
Nói thêm về việc này, Thủ tướng yêu cầu cầu Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam, Bộ Công Thương, Tập đoàn EVN, kiểm tra xử lý nghiêm việc các chủ nhà trọ thu giá điện, nước sai quy định.
Sau khoảng 100 phút đối thoại, giải đáp hàng loạt nguyện vọng, thắc mắc của công nhân, Thủ tướng cho rằng công nhân nước ta vẫn còn gặp nhiều khó khăn, một số vấn đề lớn mà công nhân đặc biệt quan tâm, bức xúc chưa được giải quyết hoặc giải quyết chưa triệt để. Bên cạnh nhiều bộ, ngành, địa phương nỗ lực giải quyết các kiến nghị của công nhân, quan tâm, hỗ trợ, giúp đỡ công nhân thì vẫn còn một số bộ, ngành và địa phương chưa tích cực tham mưu, chỉ đạo và tập trung giải quyết các nguyện vọng chính đáng của công nhân lao động.
Đối với doanh nghiệp, để nâng cao năng suất và phúc lợi cho người lao động, các doanh nghiệp cần phải tập trung ứng dụng khoa học, đổi mới công nghệ đi đôi với đào tạo đội ngũ chuyên gia, công nhân lành nghề để chủ động làm chủ khoa học-công nghệ ở từng doanh nghiệp...
Đối với các bộ, ngành và địa phương, Thủ tướng yêu cầu cần có chính sách và giải pháp quyết liệt tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, hỗ trợ người lao động. Phải kiên trì theo đuổi mục tiêu tăng năng suất và nâng cao phúc lợi ở từng doanh nghiệp thông qua việc tham mưu thể chế, lắng nghe doanh nghiệp và người lao động, kiểm tra, đôn đốc, kịp thời giải quyết các vấn đề phát sinh.
Tại buổi gặp gỡ, đối thoại, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã trao học bổng cho 65 công nhân đang làm việc tại các doanh nghiệp của 11 tỉnh đồng bằng sông Hồng.
Thủ tướng Chính phủ và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cũng quyết định hỗ trợ 18 “Mái ấm Công đoàn” cho công nhân có hoàn cảnh khó khăn đặc biệt.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Vừa đi xe đạp vừa nghe điện thoại bị phạt bao nhiêu tiền?
Làng Tom Sara Đà Nẵng được trao giải thưởng Du lịch Cộng đồng ASEAN
Thủ tướng Phạm Minh Chính dự phiên thảo luận 'ASEAN gắn kết để vươn xa'
Thủ tướng yêu cầu bảo đảm an toàn thực phẩm dịp Tết và lễ hội xuân
Chủ tịch FPT: Dược phẩm là một trong những ngành sẽ ứng dụng AI nhiều nhất