Thủ tướng: “Nhất định Thanh Hóa sẽ thành công”
Đây là hội nghị xúc tiến đầu tư có quy mô lớn nhất từ trước đến nay của Thanh Hóa - tỉnh có diện tích đứng thứ 5, dân số đứng thứ 3, quy mô kinh tế đứng thứ 8 cả nước (lớn nhất khu vực Bắc Trung Bộ).
“Thanh Hóa là một Việt Nam thu nhỏ”
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhận xét, Thanh Hóa là một Việt Nam thu nhỏ, có đầy đủ điều kiện để phát triển. Đây là một vùng kinh tế năng động của Việt Nam, là điểm đến đầy tiềm năng của nhà đầu tư.
Với tiềm năng và điều kiện đó, Thanh Hoá cần trở thành một tỉnh kiểu mẫu trong thu hút đầu tư, theo Thủ tướng.
Ông nhấn mạnh, Thanh Hóa phải có kế hoạch bố trí sử dụng đất khoa học, hiệu quả, giảm chi phí đất đai cho các nhà đầu tư và doanh nghiệp bảo đảm về lâu dài, không bị mâu thuẫn ảnh hưởng nhau. Chính phủ sẽ trao cơ hội để Thanh Hóa là địa phương mẫu mực và tiên phong trong việc cụ thể hóa mục tiêu và đạt được tầm nhìn sớm nhất cả nước.
Cùng với đó là bảo đảm môi trường kinh doanh bình đẳng cho doanh nghiệp. Đây là điểm then chốt để mở cửa, cải thiện. Chính quyền các cấp cần năng động hơn trong việc cạnh tranh nhằm thu hút các nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư tốt nhất đến với địa phương; không để thụ động để mất đi các lợi thế cạnh tranh của tỉnh.
Thủ tướng nói, Thanh Hóa cần tối ưu hóa điều kiện, nền tảng sẵn có để phát triển một số cụm ngành kinh tế mà Thanh Hóa có lợi thế như lọc hóa dầu, chế biến thủy hải sản, du lịch… Ông cũng lưu ý, Thanh Hóa cần nghiên cứu phát triển nông nghiệp theo định hướng công nghệ cao, quy mô lớn, tập trung vào các sản phẩm mang giá trị kinh tế cao...
Đồng thời, cần đa dạng hóa các loại hình dịch vụ khi mà Thanh Hóa có nhiều di sản văn hóa, như thành nhà Hồ, khu di tích lịch sử Lam Kinh, khu di tích lịch sử văn hóa Hàm Rồng…
“Du lịch nghỉ dưỡng là một lợi thế mà FLC đặc biệt thành công ở đây”, Thủ tướng nói.
Đồng thời, theo Thủ tướng, chính quyền các cấp tại Thanh Hóa cần năng động hơn trong việc cạnh tranh nhằm thu hút các nhà đầu tư, không để sự thụ động làm mất đi lợi thế cạnh tranh vốn có của tỉnh.
Thủ tướng nhấn mạnh, không thể làm kinh tế đơn thuần mà bỏ quên vấn đề môi trường, ảnh hưởng đến xã hội và cuộc sống của người dân. Cùng với Nhà nước, doanh nghiệp đào tạo nguồn nhân lực ở địa phương để người dân địa phương được hưởng lợi.
Với Chính phủ, Thủ tướng khẳng định, sẽ triển khai một số công việc để tỉnh rộng lớn, đông dân như Thanh Hóa đóng góp vào sự phát triển chung của Việt Nam.
Trước hết là nhanh chóng triển khai đường cao tốc Hà Nội-Thanh Hóa-Nghệ An trong nhiệm kỳ này. Đưa sân bay Sao Vàng trở thành sân bay quốc tế trên tinh thần mở cửa bầu trời. Cảng nước sâu Nghi Sơn phấn đấu đón tàu từ 7 lên 10 vạn tấn. Về đường ven biển, Thủ tướng đã có ý kiến, riêng Thanh Hóa sẽ làm 100 km, kết hợp với dân sinh và phòng chống thiên tai.
“Chính phủ tạo môi trường và kinh tế vĩ mô ổn định. Chính phủ bảo đảm quyền con người, quyền công dân, quyền tài sản; thực hiện đúng Hiến pháp và thực hiện tốt Nghị quyết Trung ương 5 khóa XII, trong đó đặc biệt coi trọng vai trò của kinh tế tư nhân”, Thủ tướng nêu rõ.
“Với quyết tâm đổi mới tư duy và cách làm, nhất định Thanh Hóa sẽ thành công”, Thủ tướng nói.
“FLC Sầm Sơn là minh chứng sống động cho thành công của Thanh Hóa”
Phát biểu tại hội nghị, ông Trịnh Văn Quyết - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FLC, FLC Faros nhấn mạnh, cuối tháng 4 vừa qua, tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế Moody’s cũng đã nâng mức triển vọng tín nhiệm của Việt Nam từ mức “Ổn Định” lên mức “Tích Cực”.
“Đây được xem là một thước đo rất quan trọng về niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp trong nước và quốc tế đối với những quyết sách và hành động của Thủ tướng và Chính phủ trong thời gian qua”, ông nói.
Nhận xét thêm về môi trường đầu tư tại Thanh Hoá, ông Quyết nói: "Dự án FLC Sầm Sơn, nơi diễn ra hội nghị xúc tiến đầu tư hôm nay, có thể được xem là một minh chứng sống động cho thành công của tỉnh Thanh Hóa trong việc tạo ra môi trường hấp dẫn để thu hút vốn đầu tư trong nước và ngoài nước".
Người đứng đầu FLC chia sẻ, FLC Sầm Sơn được xây dựng chủ yếu trên một vùng đầm lầy hoang sơ. Nhưng chỉ sau chưa đầy một năm thi công gần như liên tục 24/24 giờ, giải ngân hơn 5.500 tỷ đồng, vùng đầm lầy khi xưa đã trở thành một quần thể nghỉ dưỡng 5 sao quy tụ đồng bộ các hạng mục cao cấp, với hơn 1.000 phòng khách sạn, biệt thự nghỉ dưỡng, trung tâm hội nghị quốc tế 1.300 chỗ, sân golf 18 hố dạng links và trung tâm thương mại, do các đơn vị thiết kế hàng đầu thế giới thực hiện.
FLC Sầm Sơn đã góp phần thay đổi diện mạo du lịch của Sầm Sơn nói riêng, tỉnh Thanh Hóa nói chung, với lượng du khách đến Sầm Sơn tăng đột biến trong năm 2016, đạt hơn 4 triệu lượt người, giải quyết công việc cho hơn 3.000 lao động địa phương, tăng nguồn thu cho ngân sách.
"Để có được những sự thay đổi ngoạn mục này, cần có nhiều yếu tố. Nhưng tôi muốn nhấn mạnh đến một yếu tố quan trọng, đó là chính sách thu hút đầu tư hấp dẫn của Thanh Hóa, là sự thông thoáng tạo điều kiện hết sức của các cấp chính quyền tỉnh trong việc giải quyết các thủ tục đầu tư, vướng mắc của doanh nghiệp, là sự ủng hộ của người dân địa phương", ông Quyết nói.
FLC hiện là doanh nghiệp trong nước có vốn đầu tư lớn nhất tại Thanh Hoá, với hơn 10 dự án, có tổng vốn gần 20.000 tỷ đồng.
Hàng loạt dự án Nhật Bản vào Thanh Hóa
Tại hội nghị, ông Nguyễn Đình Xứng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa cho biết, tỉnh đang huy động các nguồn lực nhằm tạo ra môi trường tốt nhất thu hút đầu tư. Hoàn thành 100% yêu cầu tiến độ giải phóng mặt bằng; chỉ đạo các ngành, các đơn vị, khẩn trương hoàn thành hồ sơ, thủ tục để trong năm 2017 trung tâm hành chính công các cấp đều đi vào hoạt động; giảm tối thiểu 30% thời gian giải quyết thủ tục hành chính so với quy định.
Thanh Hoá cũng cam kết sẽ áp dụng cơ chế chính sách ưu đãi và hỗ trợ đầu tư theo nguyên tắc nhà đầu tư được hưởng mức ưu đãi cao nhất về quyền lợi và thực hiện nghĩa vụ ở mức thấp nhất trong khung quy định.
Theo quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2030, định hướng đến năm 2040 do công ty tư vấn BCG (Mỹ) giới thiệu, Thanh Hóa đưa ra 5 lĩnh vực ưu tiên, gồm: công nghiệp chế biến, chế tạo; nông nghiệp; du lịch; y tế; phát triển hạ tầng, đô thị.
Đến 2030, tỉnh đặt mục tiêu tăng tổng GDP từ 3% của kinh tế Việt Nam hiện nay lên 8%; thu hút 30 triệu lượt du khách; tổng GRDP đạt 50 tỷ USD; chỉ số GRDP bình quân đầu người là 11.000 USD/người.
Một thống kê đáng chú ý tại hội nghị là số lượng dự án đầu tư của các doanh nghiệp Nhật Bản tại Thanh Hóa đã lên đến con số 14, với tổng vốn đầu tư cao hơn cả tổng vốn đầu tư của các doanh nghiệp Nhật Bản tại thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội cộng lại, vượt qua tất cả các tỉnh thành phố khác và đứng đầu cả nước.
"Thanh Hóa là tỉnh rất nhiệt tình trong hoạt động thu hút đầu tư từ doanh nghiệp Nhật Bản. Tháng 10 năm 2016 tỉnh cũng tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư tại Tokyo và Osaka. Việc tỉnh rất nỗ lực trong việc phát đi các thông điệp về thông tin môi trường đầu tư là điều đáng được đề cập đến một cách đặc biệt", ông Hironobu Kitagawa, Trưởng đại diện Văn phòng Xúc tiến thương mại Nhật Bản tại Hà Nội nói.
Cũng tại hội nghị, Thanh Hoá đã trao giấy chứng nhận đầu tư, Quyết định chủ trương đầu tư và ký biên bản ghi nhớ đầu tư cho 32 dự án với tổng mức đầu tư hơn 135.300 tỷ đồng (tương đương 6,1 tỷ USD). Trong đó, Tập đoàn FLC được chấp thuận chủ trương đầu tư dự án sản xuất rau an toàn, rau cao cấp; chăn nuôi bò thịt chất lượng cao; chăn nuôi lợn thịt. Dự án có quy mô 16.000 con bò thịt và 6.000 con lợn thịt/năm, tổng mức đầu tư hơn 2.400 tỷ đồng.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá vàng ngày 24/1/2025: Tiếp tục tăng
Giá nông sản ngày 24/1/2025: Cà phê và hồ tiêu tiếp tục tăng mạnh
TP Hồ Chí Minh: Gần 1.000 sản phẩm OCOP quy tụ tại phiên chợ 'Tết xanh - Quà Việt'
Tỷ giá hôm nay 24/1: Giá ngoại tệ ghi nhận xu hướng trái ngược
Một mặt hàng xuất sang Philippines tăng mạnh, đạt 2,6 tỷ USD
Lợi nhuận trước thuế FPT Retail vượt kế hoạch năm 2024