Thủ tướng: Nhiều tỉnh không biết Nghị quyết về cải thiện môi trường kinh doanh
Ngày 29/6, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6/2015 trực tuyến với các địa phương nhằm đánh giá tình hình kinh tế-xã hội (KT-XH) tháng 6 và 6 tháng đầu năm, phương hướng, nhiệm vụ trong thời gian tới. Dự kiến phiên họp sẽ kéo dài đến hết ngày 30/6.
Sau phần báo cáo về kinh tế – xã hội, Thủ tướng yêu cầu Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) Bùi Quang Vinh trình bày báo cáo tình hình thực hiện Nghị quyết 19/2015, ngày 12/3/2015 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia trong 2 năm 2015/2016. Thủ tướng bày tỏ sự không hài lòng nói: “Bộ trưởng đọc lại cả Nghị quyết chứ nhiều lãnh đạo tỉnh không biết Nghị quyết 19 là gì”. Cùng ý này, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho biết có 2 Nghị quyết 19 và đúng là có nhiều lãnh đạo địa phương “không nắm được thật”.
Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho biết Nghị quyết 19/2015 xác định mục tiêu trong 2 năm tới là: “Tập trung cải thiện môi trường kinh doanh, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính… Cải cách toàn diện các quy định về điều kiện kinh doanh, về quản lý chuyên ngành đối với hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu, nhập khẩu theo hướng chuyển sang hậu kiểm”. Phấn đấu các chỉ tiêu về môi trường kinh doanh của nước ta đạt và vượt mức trung bình của nhóm nước ASEAN 6 vào năm 2015 và ASEAN 4 vào năm 2016. Để đạt mục tiêu nêu trên, Nghị quyết đề ra 13 nhiệm vụ, giải pháp tổng thể và 80 giải pháp cụ thể cho các Bộ, cơ quan và địa phương.
Sau 3 tháng ban hành Nghị quyết 19, một số giải pháp đề ra tại Nghị quyết đã được triển khai thực hiện và đã có kết quả bước đầu đáng ghi nhận. Cụ thể Bộ KH-ĐT đề nghị bãi bỏ 3.299 điều kiện kinh doanh quy định tại 170 thông tư, quyết định của các Bộ. Một số Bộ khác đã chủ động triển khai một số hành động cải cách về nội dung thủ tục và phương thức thực hiện quản lý chuyên ngành.
Tuy vậy, vẫn còn nhiều nhiệm vụ, giải pháp về quản lý chuyên ngành cần tập trung triển khai thực hiện và nhất là những vướng mắc trong kiểm dịch hàng xuất khẩu, kiểm định hàng nhập khẩu và khai báo hải quan…
Thủ tướng phê bình: “Nghị quyết ban hành hơn 3 tháng mà mới có hơn 20 Bộ, ngành có có chương trình cải cách mà doanh nghiệp gặp khó khăn, tốn kém tiền bạc trong thủ tục, hoạt động kinh doanh như vậy thì phải tháo gỡ sớm. Lĩnh vực thuế mà 90% nộp qua mạng thay vì mang bao tải tiền đi nộp thì đỡ khổ cho doanh nghiệp biết bao nhiêu thời gian, công sức, tiền bạc”.
Thủ tướng yêu cầu kiên quyết đưa công nghệ thông tin vào thay cho công văn, hội họp, đóng thuế, BHXH, giao thông, khám chữa bệnh… “Nghị quyết 19 chính là cải cách thủ tục hành chính, vì thế cần nhiều giải pháp mà trước hết là rà soát loại bỏ thủ tục hành chính không cần thiết, đưa công nghệ thông tin vào và nâng cao trách nhiệm bộ máy, cán bộ công chức. Đây là nhiệm vụ trọng tâm, trong đó có bao gồm đột phá về thế chế chế, thủ tục; cán bộ công chức; tổ chức bộ máy”- Thủ tướng nhấn mạnh.
Nhấn mạnh ý nghĩa, tầm quan trọng của Nghị quyết số 19, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương có những đánh giá thẳng vào kết quả triển khai thực hiện Nghị quyết này, làm rõ những mặt còn hạn chế, những thuận lợi, khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết, đề xuất các giải pháp để thực hiện hiệu quả hơn nữa Nghị quyết.
“Năng lực cạnh tranh quốc gia liên quan đến năng lực cạnh tranh của từng doanh nghiệp, sản phẩm. Chúng ta không nâng cao được năng lực cạnh tranh quốc gia trong điều kiện kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng thì chúng ta khó đạt được mục tiêu phát triển nhanh và bền vững”, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu.
Chấm dứt ngay việc soạn thảo và ban hành trái thẩm quyền
Cũng tại phiên họp, sau khi đưa ra thực tế triển khai Nghị quyết 19, Bộ KH&ĐT kiến nghị Thủ tướng Chính phủ nhắc nhở các Bộ trưởng, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chưa xây dựng và ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 19; đồng thời, yêu cầu tất cả các Bộ trưởng, Chủ tịch UBND cấp tỉnh phải bám sát mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ và giải pháp của Nghị quyết số 19 để cụ thể hóa vào Chương trình hành động của ngành, địa phương; đảm bảo việc triển khai đạt được kết quả thiết thực, hiệu quả.
Các Bộ trưởng phải trực tiếp chỉ đạo quyết liệt để hoàn thành việc soạn thảo và ban hành các Thông tư thuộc thẩm quyền theo yêu cầu của Nghị quyết ngay trong quý III/2015; và hoàn thành soạn thảo các Nghị định thuộc thẩm quyền đã được giao chậm nhất trong quý IV/2015; không để kéo dài sang năm 2016; các nội dung bổ sung, sửa đổi phải đáp ứng được mục tiêu, yêu cầu của Nghị quyết 19, đảm bảo giải quyết được một cách triệt để các khó khăn, vướng mắc đối với DN, thực sự tạo thuận lợi cho hoạt động kinh doanh.
Các Bộ, cơ quan ngang bộ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải nghiên cứu, tìm hiểu rõ những đổi mới cơ bản của Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư; chấm dứt ngay việc soạn thảo và ban hành trái thẩm quyền các quy định về điều kiện kinh doanh. Đồng thời, các Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ phối hợp chặt chẽ với Bộ KH&ĐT tập hợp, phân loại tất cả các điều kiện kinh doanh trong ngành, lĩnh vực thuộc thẩm quyền quản lý nhà nước; nghiêm túc bãi bỏ hoặc đình chỉ áp dụng các quy định về điều kiện kinh doanh không còn hợp pháp.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Hai thách thức lớn doanh nghiệp phải đối mặt khi bán sản phẩm ra thị trường toàn cầu
Giá vàng thế giới tăng nhẹ trước thềm cuộc bầu cử Mỹ
Thị trường bất động sản Đà Nẵng đang có dấu hiệu phục hồi
Giá ngoại tệ ngày 5/11/2024: Đồng USD giảm giá trước bầu cử Tổng thống Mỹ
Các giải pháp bình ổn giá tiêu dùng những tháng cuối năm
Doanh nghiệp Việt cung cấp giải pháp số sáng tạo tại thị trường Trung Đông