Hỗ trợ hết sức để có môi trường kinh doanh tốt hơn cho DN
Phát biểu kết luận tại Diễn đàn sau khi ghi nhận các kiến nghị, đề xuất đóng góp từ các đại biểu, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hoan nghênh đại diện các quốc gia, đối tác phát triển, hiệp hội doanh nghiệp trong và ngoài nước tới dự Diễn đàn với chủ đề hết sức thiết thực, phù hợp với mong muốn của cả doanh nghiệp và Chính phủ là “Nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp để hội nhập quốc tế”.
Sau khi ghi nhận các ý kiến đóng góp, Thủ tướng cho rằng, các bộ trưởng, thứ trưởng rất nghiêm túc lắng nghe trình bày giải đáp phản hồi trước các kiến nghị. Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng giao cho Bộ kế hoạch đầu tư tổng hợp lại các kiến nghị trên các lĩnh vực, yêu cầu các bộ, bộ trưởng theo lĩnh vực quản lý sẽ xử lý cụ thể, với mục tiêu tạo mọi điều kiện thuận lợi để môi trường kinh doanh tốt hơn, thuận lợi hơn, nâng cao năng lực cạnh tranh của DN, của sản phẩm, của nền kinh tế Việt Nam.
"Vấn đề gì thuộc thẩm quyền của Bộ thì Bộ quyết định, vấn đề gì thuộc thẩm quyền của Thủ tướng thì trình Thủ tướng quyết định, vấn đề gì thuộc về Luật, Pháp lệnh cần sửa đổi, bổ sung thì Chính phủ sẽ cân nhắc xem xét để trình Quốc hội với tinh thần là tạo mọi điều kiện thuận lợi để có môi trường kinh doanh tốt hơn, thuận lợi hơn, nâng cao năng lực canh tranh của doanh nghiệp, của sản phẩm và nền kinh tế Việt Nam", người đứng đầu Chính phủ Việt Nam nhấn mạnh.
Cũng tại Diễn đàn, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng chia sẻ nhiều thông tin về tình hình kinh tế-xã hội của Việt Nam; khẳng định trong 5 tháng đầu năm 2015, tình hình tiếp tục có những chuyển biến tích cực, phát triển tốt hơn, hiệu quả hơn so với những tháng đầu năm 2014. Tuy nhiên, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng cho rằng, những kết quả đạt được vẫn chưa thực sự bền vững, chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của Việt Nam và Việt Nam có thể làm tốt hơn nữa, hiệu quả hơn nữa, vững chắc hơn nữa.
Đề ra những biện pháp để nâng cao năng lực cạnh tranh của Doanh nghiệp để hội nhập quốc tế, thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định sẽ nỗ lực phát huy những hết quả đạt được; ra sức khắc phục những hạn chế, yếu kém; tập trung chỉ đạo quyết liệt, thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế thành công, phát triển nhanh, bền vững, trong đó tập trung vào những nội dung chủ yếu như: Tiếp tục quản lý, điều hành để bảo đảm tăng cường tính ổn định của kinh tế vĩ mô; kiểm soát lạm phát tốt hơn, đảm bảo lạm phát không quá 5% cho năm 2015 và những năm về sau; điều hành lãi suất, tỷ giá theo tín hiệu thị trường, phù hợp với tín hiệu thị trường; tăng dự trữ ngoại tệ, bảo đảm ít nhất 12 tuần nhập khẩu; bảo đảm bội chi năm 2015 là 5% và 5 năm tới (2016-2020) sẽ thấp hơn mức 5% phù hợp.
Cùng với đó là bảo đảm nợ công trong giới hạn an toàn, gắn với tái cơ cấu đầu tư công, bảo đảm hiệu quả của đầu tư công. Đảm bảo tăng trưởng xuất khẩu bình quân mỗi năm khoảng 10-15%; nhập siêu không quá 5%.
Về năng lượng, Thủ tướng khẳng định Việt Nam sẽ không thiếu điện phục vụ sản xuất kinh doanh. "Việt Nam sẽ không thiếu điện từ các năm về sau. Trước đó, có dự báo đến năm 2018 Việt Nam có thể thiếu điện nếu các dự án triển khai chậm, nhưng hiện tại những vấn đề đó đã được xử lý, điện không thiếu mà sẽ có những dự phòng, để đảm bảo phát triển kinh tế ở mức 6,5-7%", Thủ tướng khẳng định.
Ngoài ra, Thủ tướng Chính phủ cho biết, sẽ tiếp tục chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo mọi điều kiện cho cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước có thêm thuận lợi để phát triển mạnh mẽ hơn nữa, đạt được tăng trưởng kinh tế ở cả 3 khu vực là nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ.
Phấn đấu năm 2015 tăng trưởng đạt 6,2%, gắn liên với tăng trưởng là đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Tái cơ cấu kinh tế phải đạt được mục tiêu nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế, trong đó tái cơ cấu đầu tư công để đầu tư hiệu quả hơn; tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước để doanh nghiệp hoạt động hiệu quả hơn, cạnh tranh bình đẳng với các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế; tái cơ cấu ngân hàng để ngân hàng hoạt động hiệu quả, công khai, minh bạch, lành mạnh, để đến 2016 không còn ngân hàng yếu kém và đưa nợ xấu xuống mức còn 3% - mức thông thường trong hoạt động kinh tế thị trường thế giới.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng nhấn mạnh Chính phủ đang chủ động đẩy mạnh hội nhập quốc tế, tạo không gian phát triển rộng lớn hơn cho doanh nghiệp, người dân Việt Nam cũng như các nhà đầu tư, doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam.
Việt Nam vừa ký các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) với Hàn Quốc, với Liên minh Kinh tế Á - Âu (EEU trong đó có 5 nước), đang thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các cam kết WTO và các Hiệp định đã ký kết, trong đó có 6 Hiệp định Thương mại tự do (FTA) với các đối tác lớn.
Việt Nam cùng các nước thành viên phấn đấu hoàn thành việc xây dựng Cộng đồng kinh tế ASEAN vào cuối năm 2015; đã thống nhất định hướng kết thúc đàm phán và dự kiến sẽ ký kết FTA Việt Nam - EU vào cuối năm 2015; sắp hoàn thành việc đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).
Với triển vọng hoàn tất 14 FTA trong thời gian tới, Việt Nam sẽ có quan hệ thương mại tự do với 55 đối tác, trong đó có 15 thành viên G-20. Đây là nền tảng cơ bản để Việt Nam hội nhập quốc tế ở tầm cao mới, mở ra không gian hợp tác phát triển rộng lớn trong tương lai.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết, Việt Nam đang tiếp tục tập trung mạnh vào thực hiện 3 đột phá chiến lược. Theo Thủ tướng, đột phá thứ nhất là cải cách thể chế, thứ hai là huy động các nguồn lực cho đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội và thứ ba là đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực nhằm đáp ứng cho các nhu cầu phát triển. Thủ tướng cũng cho rằng, mỗi bước đột phá đều có biện pháp và cách thực hiện riêng nhưng đều phải quyết tâm.
Cuối cùng, kết luận buổi Diễn đàn, người đứng đầu Chính phủ một lần nữa gửi lời cảm ơn đến các đại biểu đã có những đóng góp vì sự phát triển của Việt Nam và sẽ tiếp thu những kiến nghị đó để nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam trong thời kỳ hội nhập. "Cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, tăng cường khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp trong hội nhập quốc tế là nhiệm vụ khó khăn, lâu dài, cùng với nỗ lực của mình, Chính phủ Việt Nam mong muốn tiếp tục nhận được sự chung tay, hợp tác hiệu quả của các quốc gia, các đối tác phát triển, của cả cộng đồng doanh nghiệp vì lợi ích và sự phát triển chung", người đứng đầu Chính phủ kết luận.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Hội chợ đặc sản 2024: Cầu nối đưa sản phẩm Việt vươn xa
Giá vàng trong nước ngày 22/11: Tiếp tục tăng mạnh
Giá ngoại tệ ngày 22/11/2024: USD đạt đỉnh 13 tháng, chạm mốc 107,05 điểm
Giá vàng thế giới: Tăng mạnh, đạt đỉnh hơn một tuần qua
Đề xuất ưu đãi thuế cho doanh nghiệp doanh thu thấp
Giá nông sản ngày 22/11/2024: Cà phê, hồ tiêu đồng loạt tăng mạnh