Tin tức - Sự kiện

Thủ tướng yêu cầu báo cáo vụ việc nhập đường của Hoàng Anh – Gia Lai

Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các bộ ngành liên quan xem xét, trình Thủ tướng Chính phủ phương án xử lý theo tinh thần bảo đảm tuân thủ đúng quy định của pháp luật và các cam kết quốc tế.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu làm rõ vụ việc nhập khẩu đường của Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng vừa có câu trả lời tới các đại biểu quốc hội đã đặt câu hỏi chất vấn tại kỳ họp thứ 6 vừa qua. ĐBQH Đặng Thị Kim Chi (đoàn Phú Yên) đã đặt câu hỏi chất vấn về chuyện Tập đoàn Hoàng Anh – Gia Lai nhập khẩu đường thô từ Lào, gây ảnh hưởng tới việc sản xuất đường trong nước; đồng thời cũng đặt ra vấn đề tìm giải pháp gì để giúp cho 40 nhà máy đường, hàng triệu người nông dân và hàng vạn người lao động ở các nhà máy đường được đảm bảo cuộc sống?

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết, Công ty cổ phần đường Biên Hòa đề nghị cho phép nhập khẩu đường thô của Công ty Hoàng Anh – Gia Lai sản xuất tại Lào về Việt Nam để chế biến thành đường tinh luyện và xuất sang Trung Quốc. Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các bộ ngành liên quan xem xét, trình Thủ tướng Chính phủ phương án xử lý theo tinh thần bảo đảm tuân thủ đúng quy định của pháp luật và các cam kết quốc tế.
 
Cũng theo Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, trong thời gian tới, ngành mía đường phải thực hiện tái cơ cấu theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững để nâng cao hiệu quả, sức cạnh tranh nhằm phát triển ổn định ngành mía đường và cải thiện đời sống người trồng mía. Tập trung rà soát hoàn thiện quy hoạch; áp dụng đồng bộ các giải pháp nâng cao năng suất, chất lượng, hạ giá thành mía nguyên liệu và sản phẩm đường. Tăng nhanh diện tích trồng mía giống mới, có năng suất cao; tổ chức lại sản xuất, xây dựng vùng nguyên liệu tập trung gắn với lợi ích của người trồng mía và Nhà máy đường. Đẩy mạnh cơ giới hóa; giảm tổn thất sau thu hoạch. Nâng cao hiệu quả chế biến, đa dạng hóa sản phẩm đường, sau đường... tổ chức tốt việc tiêu thụ sản phẩm và chống buôn lậu.
 
Trước đó, tại phiên chất vấn chiều 19/11 kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa 13, ông Cao Đức Phát - Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp & PTNT cho biết: “Niên vụ mía đường năm 2013 - 2014 Việt Nam có 306.000 ha mía và sẽ sản xuất được 19,6 triệu tấn mía, sản xuất công nghiệp được khoảng 1,6 triệu tấn đường, cùng với tồn kho đến trước ngày 1/10 là 220.000 tấn, cộng với khối lượng sẽ phải nhập khẩu theo cam kết WTO 53.000 tấn mía. Như vậy, tổng lượng của niên vụ này sẽ là 1.870.000 tấn”.
 
“Chúng tôi ước nhu cầu tiêu dùng trong nước khoảng 1.320.000 tấn, như vậy chúng ta sẽ dư khoảng 500.000 tấn. Vì thế nên nhập khẩu chỉ trong trường hợp bắt buộc theo cam kết quốc tế, còn mọi việc nhập khẩu khác theo chúng tôi nếu như làm ảnh hưởng đến việc tiêu thụ đường ở trong nước thì mới không nên.
 
Ông Đoàn Nguyên Đức - Chủ tịch Tập đoàn HAGL khẳng định không bán đường trong nước
 
ĐB Chi đặt câu hỏi: Nếu cho nhập thô như thế này thì quan điểm của Bộ trưởng khoản 30 ngàn tấn từ Hoàng Anh Gia Lai là như thế nào? Giải pháp để giải quyết khoản dư trên 500 ngàn tấn đường trong thời gian sắp tới như thế nào?
 
Bộ trưởng Cao Đức Phát cho hay: “Về việc có cho nhập khẩu 30 ngàn tấn của Công ty Hoàng Anh Gia Lai vào Việt Nam hay không? Tôi xin phép đại biểu và Quốc hội sẽ phối hợp với Bộ Công thương xem xét kỹ đề xuất của công ty và những điều kiện tạm nhập, tái xuất, sơ chế ở trong nước như thế nào? Nhưng tinh thần là chúng tôi thấy rằng trong nước đã dư thừa và bây giờ ngành nông nghiệp, ngành công thương sẽ phải phối hợp để tham mưu cho Chính phủ thực hiện các biện pháp hỗ trợ tiêu thụ đường để giữ giá mía có lợi cho nông dân. Đấy là mục tiêu và tất cả những gì phù hợp với mục tiêu ấy thì chúng tôi ủng hộ, còn những gì mà làm khó khăn thêm và làm cản trở mục tiêu đó thì cần phải hết sức cân nhắc thì xin được xem xét cụ thể, vì đây là một tình huống cụ thể, tôi chưa được rõ những chi tiết, nên xin phép không trả lời”.
 
Sự việc xảy ra từ khi Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) và Công ty Cổ phần Đường Biên Hòa đã tiến hành thỏa thuận mua bán theo phương án tạm nhập, tái xuất khẩu 30.000 tấn đường.
 
Số đường sản xuất tại nhà máy đường Hoàng Anh Attapeu (Lào) này được bán cho Công ty CP đường Biên Hòa để tinh luyện và xuất khẩu theo đường tiểu ngạch sang Trung Quốc. Việc thỏa thuận giữa Công ty Cổ phần Đường Biên Hòa và HAGL đã hoàn tất, hiện Tập đoàn HAGL đang gửi văn bản xin phép Chính phủ và các ban ngành liên quan.
 
Ngay sau đề nghị này của HAGL, Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA) đã gửi văn bản phản đối. Tại công văn số 64/2013/CV/HHMĐ gửi lên Thủ tướng Chính phủ, VSSA kiến nghị Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng không chấp thuận việc nhập khẩu này cũng như không cho phép xuất khẩu đường có nguồn gốc không phải từ mía do người dân Việt Nam trồng qua cửa khẩu tiểu ngạch, lối mở sang Trung Quốc – mà cụ thể ở đây là cửa khẩu phụ Bản Vược, huyện Bát Xát – Lào Cai.
 
Theo Hiệp hội mía đường Việt Nam (VSSA), việc cho phép Công ty CP Đường Biên Hòa nhập đường thô của HAGL từ Lào về tinh chế sẽ “bóp chết” hơn 40 doanh nghiệp mía đường trong nước. Sau công văn gửi Thủ tướng Chính phủ, VSSA tiếp tục lên tiếng phản đối việc HAGL nhập đường. Ngày 22/11, VSSA tổ chức cuộc họp với báo chí nêu quan điểm cho rằng nếu hỗ trợ HAGL nhập đường là vì lợi ích của một doanh nghiệp mà gây thiệt hại cho 40 nhà máy đường trong nước cùng hàng triệu nông dân trồng mía.
 
Còn theo ông Đoàn Nguyên Đức – Chủ tịch Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai: “Tôi có thảo luận về việc bán 30.000 tấn đường cho Công ty đường Biên Hòa nhưng tôi bán đường thô để công ty đường Biên Hòa sản xuất thành đường tinh chế rồi xuất đi nước ngoài. Tôi khẳng định HAGL không bán bất kỳ hạt đường nào trong nước. Vì vậy, việc Hiệp hội Mía đường phản đối chúng tôi là hiểu nhầm chúng tôi”.
 
Nguyễn Nguyễn
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo