Thủ tướng yêu cầu kích thích sản xuất, tiêu dùng sản phẩm nội địa
Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 5/2015. Tại Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5/2015, Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương tập trung đẩy mạnh việc thực hiện Đề án tổng thể tái cơ cấu kinh tế; chủ động thực hiện đồng bộ các giải pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, tạo động lực để nâng cao tính cạnh tranh của nền kinh tế; đẩy mạnh cải cách hành chính... để phấn đấu đạt kết quả cao nhất các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra.
Tại nghị quyết, Chính phủ yêu cầu Bộ Công Thương tích cực khai thác, mở rộng thị trường, kịp thời cung cấp thông tin thị trường để định hướng sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy xuất khẩu; có giải pháp phù hợp hạn chế nhập khẩu hàng tiêu dùng không thiết yếu, các mặt hàng trong nước sản xuất được để kích thích sản xuất và tiêu dùng sản phẩm nội địa. Đẩy mạnh phát triển hệ thống thu mua và tiêu thụ hàng nông sản trong nước; nghiên cứu giải pháp hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; khai thông các cửa khẩu, lối mở để hỗ trợ xuất khẩu.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các địa phương tổ chức thực hiện có hiệu quả Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong sản xuất, chế biến nông sản; đề xuất chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất nông nghiệp quy mô lớn và thúc đẩy liên kết hiệu quả giữa sản xuất nông nghiệp với chế biến, tiêu thụ sản phẩm ở trong nước và xuất khẩu; nghiên cứu giải pháp đổi mới, hình thành mô hình kinh tế hợp tác xã và hợp tác xã kiểu mới trong sản xuất nông nghiệp để tương thích với các điều kiện của sản xuất hàng hóa lớn và hội nhập quốc tế; phối hợp với các địa phương và các Bộ, ngành liên quan tăng cường chỉ đạo phòng, chống hạn hán, bảo vệ rừng, phòng, chống cháy rừng.
Ngoài ra, Chính phủ cũng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam theo dõi sát thị trường để điều hành chính sách tiền tệ theo hướng ổn định tỷ giá và thị trường ngoại hối, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô; bảo đảm an toàn hoạt động của cả hệ thống để hỗ trợ quá trình tái cơ cấu và xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng; đồng thời chỉ đạo các tổ chức tín dụng tập trung củng cố, chấn chỉnh toàn diện về tài chính, quản trị doanh nghiệp nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan, địa phương tích cực triển khai các giải pháp đa dạng hóa các hình thức huy động vốn đầu tư; đẩy mạnh hợp tác theo hình thức đối tác công - tư (PPP) và các hình thức đầu tư không sử dụng ngân sách nhà nước cho đầu tư phát triển kinh tế - xã hội.
Người đứng đầu Chính phủ cũng yêu cầu Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan, địa phương tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong điều hành tài chính - ngân sách, phấn đấu tăng thu, đồng thời kiểm soát chặt chẽ bội chi ngân sách nhà nước; bảo đảm nợ công trong giới hạn cho phép.
Bên cạnh đó, để tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả Nghị định số 67/2014/NĐ-CP trong thời gian tới, Chính phủ thống nhất đồng ý cho phép các tổ chức, cá nhân đóng mới, nâng cấp tàu dịch vụ hậu cần khai thác hải sản xa bờ bằng vật liệu mới có tổng công suất máy chính từ 400CV được hưởng các cơ chế, chính sách của Nghị định số 67/2014/NĐ-CP; hỗ trợ chi phí thiết kế tàu vỏ gỗ, vật liệu mới.
Đồng thời, Chính phủ cũng cho phép kéo dài thời hạn cho vay hỗ trợ lãi suất đóng mới tàu vỏ thép, vỏ vật liệu mới và việc thí điểm cơ chế hỗ trợ một lần sau đầu tư; cho phép sử dụng máy tàu thủy đã qua sử dụng (máy tàu thủy cũ) đối với trường hợp nâng cấp tàu cá.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Kiến nghị xây dựng quy trình thủ tục đầu tư đặc biệt theo các bước
Năm 2025, ngành nông nghiệp tăng tốc
Tỷ giá ngoại tệ ngày 2/1/2024: Giá USD tăng nhẹ
Giá vàng ngày 2/1/2025: Bật tăng mạnh, SJC chạm ngưỡng 84,8 triệu đồng mỗi lượng
Giảm thuế giá trị gia tăng đối với nhiều nhóm hàng hóa
Lý do Obagi thu hồi một số sản phẩm