Tin tức - Sự kiện

Thức ăn đường phố - Vừa bẩn vừa khó quản lý

Thuận tiện và kinh tế nên thức ăn đường phố luôn thu hút được rất nhiều người tiêu dùng. Tuy nhiên bên cạnh ưu thế trên là những mối nguy hại khôn lường cho sức khỏe, tính mạng người tiêu dùng và cả cộng đồng mà thức ăn đường phố gây ra.

Lấy lòng đường, vỉa hè, miệng cống để kinh doanh

Gần chục chiếc ghế nhỏ được bày xung quanh gánh bún đậu để tơ hơ, đầy ruồi muỗi, bụi bặm nhưng khách hàng vẫn ngồi chờ “vòng trong vòng ngoài”. Cạnh đó hai chậu bát đũa vứt lỏng chỏng, cùng một xô nước rửa bát đục ngầu váng đầy dầu mỡ. Mỗi khi có khách, chủ hàng lại lấy chiếc giẻ nhàu nát lau vội cái bát, đôi đũa, sau đó sắp ra một khay nhỏ để đầy đậu, bún và mắm tôm, rồi đặt bệt lên một chiếc ghế con chỉ cao hơn vỉa hè chừng 20cm…

Chị Hương - chủ hàng bún đậu trên phố Giảng Võ, ngay cạnh cổng Bộ Y tế, cho biết: “Nhờ “lộc” vỉa hè cổng Bộ Y tế mà em bán bún đậu ở đây đã được gần 5 năm, cũng chẳng phải đăng ký kinh doanh hay xin chứng nhận an toàn thực phẩm gì cả mà ngày nắng hay mưa vẫn cứ đông khách như thường vì “ngon bổ rẻ” mà. Có chăng, thi thoảng “dúi” cho công an phường dăm chục để khỏi bị đuổi thôi”.

Chiều muộn, ngã tư Thành Công - Đê La Thành tắc nghẹt, khói xe, bụi bặm khiến cho không khí vô cùng ngột ngạt, khó chịu. Lúc này, ngay phía ngoài cổng chợ Thành Công, bất chấp dòng phương tiện đang cố tìm đường thoát khỏi điểm ùn tắc, 3 hàng thịt heo sống cùng một dãy hàng bán thực phẩm chín đã chế biến được kéo sát ra vệ đường, không cần che đậy để khách hàng dễ dàng lựa chọn. Bụi đường cùng mùi ôi thiu của thịt ế buổi chiều khiến cho ruồi nhặng kéo đến bu đầy lên, đen kịt cả những miếng thịt sống và thịt chín. Mỗi khi có người hỏi mua, chủ hàng vơ vội lấy chiếc que đầu buộc túm dây nylon cáu bẩn khua vội vàng vài lượt. Vậy mà vẫn không ít người dừng xe mua đồ ăn.

Thực tế, tình trạng mất VSATTP đối với mặt hàng thức ăn, thực phẩm đường phố ở Hà Nội cũng như các địa phương khác lâu nay đã trở thành chuyện thường ngày. Không chỉ có vậy, tại nhiều nơi, thức ăn dù sống hay chín được bày bán tràn lan trên vỉa hè, cổng chợ, các bến xe, trước cổng trường học, cơ quan, xí nghiệp, nơi đông người qua lại, thậm chí ngay trên miệng cống hay bên cạnh mương thoát nước thải… luôn sẵn sàng đáp ứng nhu cầu của khách hàng mọi lúc mọi nơi.

Tuy nhiên, cho dù bẩn tới đâu, dịch vụ ăn uống ở đường phố vẫn đông đúc khách hàng bởi ưu thế về sự tiện lợi và kinh tế và tâm lý “khuất mắt trông coi” của nhiều người.

“Điệp vụ”... bất khả thi

Nhiều chuyên gia y tế cho rằng, bên cạnh lợi thế trên thức ăn đường phố đang gây ra những mối nguy hại khôn lường cho sức khỏe người dân và cộng đồng. Hiện nay, cả nước có tới hàng trăm ngàn cơ sở dịch vụ thức ăn đường phố.

Trong đó, chỉ riêng trên địa bàn Hà Nội, theo như ông Lê Đức Thọ, Chi cục trưởng Chi cục An toàn thực phẩm TP Hà Nội, TP hiện có khoảng 47.000 cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm, trong đó loại hình dịch vụ ăn uống đường phố chiếm tới hơn 26.000 cơ sở nhưng mới chỉ có khoảng có 16.138 cơ sở được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện VSATTP. Điều này đồng nghĩa với việc rất nhiều cơ sở, quầy hàng dịch vụ thức ăn đường phố đang nằm ngoài tầm kiểm soát, quản lý về an toàn thực phẩm của cơ quan chức năng.

Còn tại TPHCM, chương trình kiểm soát hàng rong, xe đẩy được Sở Y tế TPHCM triển khai từ năm 2007, mục tiêu chung là cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện VSATTP cho các cơ sở kinh doanh, sản xuất thực phẩm nhỏ lẻ, trong đó chú trọng đến hàng rong, xe đẩy. Điều kiện đặt ra là người bán hàng rong, xe đẩy phải được khám sức khỏe, được tập huấn kiến thức vệ sinh thực phẩm, buôn bán phải có nước sạch, phải che chắn bụi bặm… Và quận 6, huyện Hóc Môn là những địa bàn đầu tiên thí điểm, nhưng theo phòng y tế các địa phương này thì không dễ quản lý và cấp giấy chứng nhận VSATTP cho hàng rong.

Trưởng phòng Y tế quận 6 cho rằng, đặc điểm nổi bật của các gánh hàng rong là di chuyển từ địa bàn này sang địa bàn khác, rất khó quản lý và kiểm tra. Vả lại, người dân hành nghề này đa số nghèo, ngày nào cũng phải làm việc nên rất ngại “bỏ bữa” để đi học kiến thức VSATTP, khám sức khỏe, nghe tư vấn… để được cấp giấy chứng nhận.

Chính vì vậy, cũng quản lý theo kiểu “bắt cóc, bỏ dĩa”, vì xử lý hôm trước hôm sau tái phạm và chuyển địa bàn. Đến nay, Sở Y tế TPHCM vẫn chưa có báo cáo cụ thể về việc quản lý hàng rong, xe đẩy trên toàn TP, trong đó có việc cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện VSATTP.

 

Người tiêu dùng nên cẩn trọng khi dùng thức ăn bày bán trên đường phố.

 

Người tiêu dùng nên cẩn trọng khi dùng thức ăn bày bán trên đường phố.

Thực tế, hàng rong, xe đẩy đã trở thành vấn nạn an toàn thực phẩm và an toàn giao thông. Tuy nhiên, trong nhiều năm qua TPHCM chưa có biện pháp quản lý hữu hiệu. Theo ông Huỳnh Lê Thái Hòa, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm TPHCM, nhiều loại hình hàng rong, xe đẩy ngày càng biến tướng, đa dạng thực phẩm và nguy cơ ngộ độc cao.

Ông Hòa cho biết, Nghị định số 91/2012/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm có hiệu lực từ 25-12-2012 đã được thực thi, nhưng xem ra khó xử lý triệt để. “Với mức phạt cao nhất lên tới 3 triệu đồng, có khi phải tịch thu cả hàng, cả xe đẩy mới đủ giá trị xử phạt”, ông Hòa nói. Nhưng ông Hòa cũng cho rằng như vậy mới đủ răn đe. Tương tự, ngày 19-9-2012, Chính phủ đã ban hành Nghị định 71/2012/NĐ-CP (có hiệu lực thi hành từ ngày 10-11-2012), sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 34/2010/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, cũng như quy định xử phạt hành vi chiếm dụng đường phố để bày bán hàng hóa.

Theo đó, người bán hàng rong hoặc bán hàng hóa nhỏ lẻ khác trên lòng đường đô thị, trên vỉa hè các tuyến phố có quy định cấm bán hàng, bị cảnh cáo hoặc phạt từ 100.000 - 200.000 đồng. Bác sĩ Trần Văn Ký, Hội Khoa học kỹ thuật An toàn vệ sinh thực phẩm Việt Nam, nhìn nhận xử phạt là đương nhiên nhưng chỉ là giải quyết phần ngọn vì xử phạt hôm nay ngày mai vẫn buôn bán như thường. “Sắm một gánh hàng rong không nhiều vốn nhưng có thể nuôi sống gia đình”, bác sĩ Ký nói.

Theo ông Nguyễn Thanh Phong, Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), vấn đề quản lý hàng rong, xe đẩy phải song song cả chế tài lẫn giáo dục, tuyên truyền. “Thay đổi hành vi của người buôn bán, thay đổi thói quen của người tiêu dùng mới quan trọng”, ông Phong nói. Về quản lý, một số ý kiến cũng cho rằng cần triển khai mô hình những người bán hàng rong được tập trung lại một địa điểm cố định, do doanh nghiệp hoặc cá nhân đại diện quản lý tập trung, thuê, mượn mặt bằng đảm bảo cung cấp nước sạch, bố trí các khu chế biến ăn uống hợp vệ sinh. Người bán hàng được tham gia các lớp tập huấn để cung cấp kiến thức về an toàn vệ sinh thực phẩm, được khám sức khỏe, xét nghiệm định kỳ.

 

 

Hồng Lĩnh (Theo Sài Gòn Giải Phóng)

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo